- 12 năm được BIDV trọng dụng, nữ CEO từ bỏ vị trí Quản lý để khởi nghiệp từ con số 0: Tôi từng bị “ám ảnh” bởi áp lực chứng minh giá trị của phụ nữ!
- Tuổi 30 chưa làm quản lý, vẫn dưới trướng các em 25, 26 tuổi, tôi có phải kẻ thất bại thảm hại?
- Tỷ phú làm chủ đế chế tài chính quản lý 72 tỷ USD: Người thực sự kiếm được nhiều tiền thường biết trước 3 bí mật, lợi hại hơn việc làm lụng chăm chỉ
Trước khi làm bà chủ một nhà hàng kinh doanh đặc sản dê Ninh Bình như hiện nay, chị Nguyễn Thị Trà Ly từng vừa làm Product Manager tại một tập đoàn Singapore vừa điều trị ung thư ròng rã trong một thời gian dài. Chính những trải nghiệm này đã giúp chị mạnh mẽ để bắt đầu hành trình mới nhiều thử thách hơn.
9 tháng tột cùng khó khăn của cô gái kiên cường
Khoảnh khắc nhận tin mình mắc ung thư vú giai đoạn 3A, chị Nguyễn Thị Trà Ly (36 tuổi) cảm thấy mọi thứ như sụp đổ. Chị Trà Ly khi đó chưa tròn 30 tuổi, đang có công việc ổn định tại một tập đoàn Singapore cùng một cuộc sống mà người “ưa bay nhảy” như chị cảm thấy hài lòng. Là người từng trải qua nhiều biến cố trước đây, chị Ly chỉ biết lặp đi lặp lại một câu hỏi trong đầu: “Tại sao lại là mình?”
Căn bệnh ung thư đã thay đổi gần như 180 độ cuộc sống của người con gái nhiều hoài bão như chị Trà Ly. Chị lựa chọn vẫn theo đuổi công việc cũ, 3 tháng sau khi được chẩn đoán ung thư chị Ly còn được thăng chức làm Product Manager với mức lương 30 triệu/tháng. Theo chia sẻ của chị Ly, chị rất may mắn khi được phía công ty hỗ trợ nhiều trong việc sắp xếp thời gian giúp chị vừa có thể làm việc vừa điều trị bệnh.
“Tóc của mình khi ấy bị rụng hoàn toàn, lông mày lông mi cũng rất yếu. Dù công ty có cho mình 5 ngày nghỉ ngơi trong mỗi thời kỳ truyền hóa chất nhưng vì là hóa chất xuyên suốt mình vẫn rất dễ bị cảm, dễ bị thiếu máu, nhiễm lạnh, ốm đau lặt vặt. Có đợt mình bị hạ tiểu cầu đến mức phải nhập viện, ra viện lại về nhà bồi bổ rồi vào viện truyền hóa chất tiếp”, chị Ly hồi tưởng.
Chị Trà Ly trong thời gian điều trị bệnh. Ảnh: NVCC
9 tháng liên tục điều trị thuốc, xạ trị, hóa chất và phẫu thuật đối với chị Ly là chuỗi ngày mệt mỏi kéo dài. Có những ngày chị muốn từ bỏ vì cơ thể quá yếu mỗi khi vào thuốc. Nhưng với chị, sự hoang mang chỉ lên tới đỉnh điểm khi phải cắt một bên ngực vì khối u đã phát triển to, cần cắt bỏ hoàn toàn để tránh trường hợp khối u bị tái phát.
“Phải cắt một bên ngực khi chưa lập gia đình, mình đã rất lo liệu sau quá trình điều trị này, sẽ ra sao khi mình không còn lành lặn như một người bình thường, mình phải tiếp tục sống thế nào khi chỉ có 1 bên ngực?”, chị Ly nói.
Động lực giúp cô gái này trải qua những ngày tháng dài đằng đẵng từ viện về nhà, từ nhà đến viện chính là gia đình - những người ân cần đồng hành cùng chị Ly ăn từng thìa cháo, uống từng cốc nước, dù chị có cáu gắt vì mệt mỏi thì họ vẫn nhẫn nhịn để kéo chị lên, vực chị dậy.
“Ngày xưa mình là một đứa rất ham chơi, hay ra ngoài đến nỗi 10-11h mới về, vì mình hướng ngoại mà. Dù mọi người có gọi về nhà ăn cơm thì mình cũng không về vì phải đi chơi với bạn, ít thì cũng ngồi ‘chém gió’ một lúc. Thời gian ấy một ngày mình dành hết cho thế giới bên ngoài mà rất ít khi nghĩ đến việc dành thời gian cho gia đình. Đến khi bị bệnh bạn bè ít người đến thăm thì mình mới coi gia đình là động lực để ý chí mình không sụp đổ”, chị Ly chia sẻ.
Trong suốt quá trình điều trị, chị Ly luôn cố gắng tỏ ra mạnh mẽ để bố mẹ yên tâm nhưng trong thâm tâm chị cảm thấy vô cùng sợ hãi, ý nghĩ “Mình sẽ chết, mình sẽ không còn làm thêm được bất cứ việc gì” liên tục hiện lên trong đầu chị.
Chị Ly tích cực tham gia các hoạt động thể chất để cải thiện sức khỏe. Ảnh: NVCC
Để tự vực lại tinh thần của bản thân, chị Ly tìm đến hội nhóm những người cùng bị ung thư để họ xem trị bệnh, vượt qua và sống tiếp như thế nào. Nhờ đó chị như có được “tấm gương” để tin tưởng hơn vào cuộc sống, tự nhủ mình cũng có thể làm được và sống lâu như họ. Chị Ly còn chăm tập thể dục để cơ thể luôn khỏe mạnh và tinh thần lạc quan hơn.
Bỏ việc lương cao để làm chủ vì tình yêu với đặc sản quê hương
10 năm trước, bố mẹ chị Trà Ly và em trai từ Ninh Bình vào TP.HCM lập nghiệp, kinh doanh đặc sản dê Ninh Bình trên con phố Đặng Thùy Trâm, quận Bình Thạnh. Bố mẹ chị nay đã lớn tuổi nên mong muốn con gái có thể trở về quản lý quán sau khi đã kiểm soát được bệnh. Dù có phần do dự và tiếc nuối nhưng vì cũng muốn phát triển nhà hàng tâm huyết của gia đình, đưa đặc sản quê hương đến với nhiều thực khách hơn nên chị Ly đã quyết định từ bỏ công việc cũ.
Bắt tay vào công việc kinh doanh, chị Ly mới biết mình có rất nhiều thứ để trau dồi và học hỏi, từ việc lên chiến lược đến quản lý tài chính. Điều chị luôn trăn trở chính là tìm cách phát triển vượt khỏi mô hình quán ăn gia đình ban đầu để phù hợp với thị trường, từ đó đưa tên tuổi nhà hàng vang xa và tăng được thu nhập cho nhân viên.
Từ bỏ công việc đáng mơ ước, chị Ly không hối hận vì học hỏi được thêm nhiều điều trên con đường kinh doanh. Ảnh: NVCC
“Việc kinh doanh đã thay đổi hoàn toàn cách mình nhìn con người. Một năm qua mình vẫn học về kinh doanh, học cách làm chủ và học cả cách thấu hiểu bản thân, thấu hiểu mọi người. Trong một doanh nghiệp, người làm chủ phải biết thấu hiểu trước đã, chưa hiểu được bản thân và người khác thì sẽ không làm được gì”, chị Ly cho biết.
Chiến lược phát triển nhà hàng của chị Ly chính là ưu tiên cảm nhận của thực khách khi đến quán, để họ có cảm giác thân thuộc như trở về nhà mình, trở về quê hương. Theo chị Ly, không có hàng ăn nào trong TP. HCM chỉ bán 100% món là dê như quán của chị. Đó vừa là điểm độc đáo vừa là sự “hy sinh” vì chị Ly cho biết mình sẵn sàng mất những khách hàng yêu cầu món khác để tập trung vào đối tượng lựa chọn đến quán chị vì hương vị dê Ninh Bình.
Thu nhập thấp hơn nhưng vẫn hạnh phúc
Chị Ly tâm sự, thu nhập của chị hiện nay còn kém ngày trước nhưng vì tính chất 2 công việc khác nhau nên cũng khó để so sánh chính xác. Hiện tại cô gái này không nghĩ đến việc mỗi tháng kiếm được bao nhiêu tiền nữa mà khó khăn là lo nhân viên của mình nhận lương thế nào.
“Mình phải suy nghĩ xem tháng này lương các bạn ấy có tăng so với tháng trước không, ít ra phải có lương cho họ đủ chi trả cuộc sống cơ bản. Chị không quan tâm đến lương của mình vì bao nhiêu bản thân cũng sống được, quan trọng là mình mang lại giá trị gì cho nhân viên, những người đang đồng hành cùng mình”, chị Trà Ly nói.
Là một người chủ, cô gái 36 tuổi luôn quan tâm đến lương của nhân viên hơn cả thu nhập của bản thân. Ảnh: NVCC
Có thể dành thời gian để chia sẻ những góc nhìn của cuộc sống đối với nhân viên, chứng kiến họ trưởng thành và có thu nhập tốt hơn chính là hạnh phúc với một bà chủ như chị Ly. Việc từng đối mặt với “cửa tử” cũng giúp chị Ly biết lắng nghe nhiều hơn, nhận biết cơn giận của mình thay vì vội vã suy xét, đánh giá bất kỳ vấn đề gì - một điểm theo chị là rất quan trọng với người làm chủ.
Cô gái 36 tuổi đang ấp ủ những dự án riêng, nhận quay TVC để lan tỏa năng lực tích cực đến mọi người, đồng thời có một số chiến lược ngắn hạn phù hợp cho quán. Trong tương lai khi nền kinh tế đã phục hồi, chị Ly hy vọng có thể phát triển thêm một cơ sở mới để tạo chuỗi cho thương hiệu dê Ninh Bình của mình.
Tags