(TT&VH) - Trong khi cả thế giới tưng bừng kỷ niệm tuổi 70 của Bob Dylan lại có thông tin hé lộ về cuộc đời đầy xáo động của ông trong thời đỉnh cao danh tiếng những năm 1960. Những cuộc phỏng vấn do BBC tìm thấy đã để lộ một sự thật rằng ông từng nghiện ma túy và có ý định tự vẫn.
Từ Moskva (Nga) tới Madrid (Tây Ban Nha), Na Uy, Northampton, Malaysia và đương nhiên cả bang Minnesota quê hương của Bob Dylan, người hâm mộ đã tụ hội lại để kỷ niệm 70 năm ngày ông chào đời (24/5/1941).
Được so sánh với Kipling, nhà văn đoạt giải Nobel
Ở New York, The BB King Blues Club đã mời các nghệ sĩ như cây vĩ cầm Scarlet Rivera và nghệ sĩ trống Winston Watson trình diễn một số bản “hit” của Dylan. Còn ở Hibbing, bang Minnesota, thành phố nơi ông trưởng thành, Liên hoan Những ngày Dylan thường niên, trong đó có nghệ thuật, âm nhạc và văn học, sẽ được tổ chức vào cuối tuần này và qua đó làm nổi bật nơi đã “khích lệ” chàng Zimmerman trẻ trung.
“Nhân dịp Bob Dylan tròn 70 tuổi, chúng tôi sẽ dành cả năm để tôn vinh không chỉ những thành tựu, mà còn cả sự sáng tạo của ông” - Aaron Brown, người phát ngôn của Liên hoan Những ngày Dylan, nói.
Trong khi đó, tại Trường ĐHTH Bristol, hội thảo The Seven Ages of Dylan (7 thời kỳ của Dylan) sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho các “học giả xuất chúng nhất về Dylan của Anh” khi họ bàn thảo về các tác phẩm của ông. “Kể từ sau Joseph Rudyard Kipling (1865-1936), nhà văn/nhà thơ Anh đoạt giải Nobel Văn học năm 1907), chưa có nhân vật nào mang lại cho ngôn ngữ Anh nhiều cụm từ đáng nhớ như Dylan” - Craig Savage, một trong những nhà tổ chức hội thảo nêu trên, nhận định.
Còn ở Na Uy, người hâm mộ đang tổ chức chương trình mang tên Slow Train – the gospel according to Bob Dylan tại một nhà thờ ở Toensberg, cách thủ đô Oslo 60 dặm về phía Nam. Và cách đó hàng ngàn dặm, tại nhà hàng Chatkhara ở Lahore, Pakistan, những người tôn sùng Bob Dylan tụ hội tại đây để trao đổi nhau những băng đĩa nhạc của Dylan và cùng nghe nhạc của ông.
Ở Tel Aviv, các nghệ sĩ Israel trình diễn các nhạc phẩm ăn khách của Dylan bằng tiếng Anh và tiếng Do Thái tại CLB Barby. Tháng 6 tới, Dylan sẽ trình diễn ở thành phố này và đây là buổi hòa nhạc đầu tiên của ông ở Israel kể từ năm 1993. Nhà tổ chức sự kiện Dror Nahun nói: “Hầu hết các nhà sáng tác ca khúc ở Israel đều chịu ảnh hưởng của Dylan, ông có một lượng fan lớn. Dylan được tôn vinh ở khắp mọi nơi, từ Trung Quốc tới Mỹ. Ông là người biết làm thế nào để “chạm” được tới mọi người trên toàn thế giới”.
Bắn vào sọ chứ không muốn cắt tai
Bob Dylan vẫn sung trong chuyến biểu diễn tại Việt Nam tháng 4 vừa qua
Trong khi người hâm mộ xúc tiến các sự kiện tôn vinh thần tượng của mình, thì đã nổi lên những chi tiết mới về cuộc đời đầy xáo động của Dylan trong thời đỉnh cao danh tiếng những năm 1960. Những cuộc phỏng vấn do BBC tìm thấy đã bộc lộ sự thật rằng ca sĩ từng nghiện ma túy và định tự vẫn.
Trò chuyện cởi mở với nhà phê bình Robert Shelton trên máy bay riêng sau khi thực hiện một chương trình hòa nhạc ở Lincoln, Ne-braska, hồi tháng 3/1966, Dylan nói ông đã từ bỏ ma túy ở New York. “Tôi đã thực sự khó chịu trong thời gian cai ma túy. Trước đó, tôi thường chi 25 USD cho thói quen đó, nhưng tôi đã bỏ rồi” - Dylan bộc bạch. Những đoạn băng này đã được tìm thấy trong quá trình thực hiện cuốn sách mới về ông nhân kỷ niệm sinh nhật.
Nhà phê bình Shelton lần đầu tiên viết về Dylan vào năm 1961 và năm 1986 ông xuất bản cuốn tiểu sử về ca sĩ mang tựa đề No Direction Home, The Life and Music of Bob Dylan. Những đoạn băng này đã cho thấy, nhiều tuần trước ngày sinh lần thứ 25 của ông, Dylan đã thừa nhận từng tìm cách tự tử. “Tôi không phải kiểu người chỉ cắt bỏ tai mình nếu như không thể làm được một việc gì đó, mà sẽ tự tử. Tôi tự nhủ nếu mọi việc trở nên tồi tệ thì tôi sẽ bắn vào hộp sọ mình hoặc sẽ nhảy lầu tự vẫn”.
Mang lại hạnh phúc cho mọi người
Dylan không hề hy vọng rằng khả năng sáng tác ca khúc của ông lại có thể “đưa tôi ra khỏi thử thách nảy lửa và có thể đem lại hạnh phúc cho mình”. Thế nhưng, vào ngày sinh nhật lần thứ 70 của ông, người hâm mộ trên toàn thế giới chứng minh rằng các nhạc phẩm của ông đã mang lại hạnh phúc cho nhiều người khác.
John Butt, một cựu phát thanh viên trên đài phát thanh đã tổ chức sự kiện mừng sinh nhật Dylan tại nhà riêng của mình ở Delhi (Ấn Độ). Ông Butt cho hay: “Bob Dylan luôn là một thần tượng của tôi kể từ khi tôi nghe nhạc phẩm The Times They Are a- Changin hồi năm 1964. Càng nghe nhạc của Dylan tôi càng thấy nó có ý nghĩa đối với tôi”.
Ông Butt đã quảng bá sự kiện mừng sinh nhật tại nhà riêng của mình lên google, mà không hề lo ngại nhiều người hâm mộ Dylan ở Delhi ùa đến nhà mình. Theo ông, thông điệp của Dylan có một sự cộng hưởng đặc biệt ở Ấn Độ. “Dylan luôn có khả năng thể hiện tinh thần của mình một cách sâu sắc theo cách đặc trưng” – ông Butt nói.
Việt Lâm
Tags