Ở SEA Games 31 tổ chức trên sân nhà, đội tuyển bơi Việt Nam không có sự góp mặt của Ánh Viên. Tuy nhiên, các kình ngư nam đã vươn lên mạnh mẽ, giúp cho môn bơi duy trì thành tích khi mang về 11 HCV, 11 HCB, 3 HCĐ. Đây cũng là số HCV nhiều nhất trong lịch sử các kỳ SEA Games mà đội tuyển bơi từng tham dự.
Tại giải đấu năm ngoái, VĐV nam Nguyễn Huy Hoàng trở thành trụ cột toàn đội. Kình ngư người Quảng Bình đã giành 5 HCV ở các nội dung 400m, 800m, 1.500m tự do, 200m bướm và tiếp sức 4x200m tự do phá kỷ lục SEA Games. Trong đó, nội dung 200m bướm không phải là cự ly sở trường của Nguyễn Huy Hoàng.
Rèn quân chủ lực ở Hungary
Chia sẻ cùng Thể thao & Văn hóa về công tác chuẩn bị cho SEA Games 32 của bộ môn bơi, Tổng thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam Đinh Việt Hùng cho biết: "Từ giữa tháng 2, đội hình chủ lực của đội tuyển bơi Việt Nam gồm Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Thanh Bảo, Trần Hưng Nguyên, Nguyễn Hữu Kim Sơn, Hoàng Quý Phước, Nguyễn Quang Thuấn (nam), Nguyễn Thúy Hiền, Lê Quỳnh Như (nữ) đã sang Hungary tập huấn. Đây đều là những VĐV chủ lực của đội tuyển bơi Việt Nam tại SEA Games 32 sắp đến".
Ông Đinh Việt Hùng cho biết: "Trong những VĐV chủ lực này có các kình ngư nam đóng góp thành tích đoạt 11 HCV ở SEA Games 31, còn 2 tuyển thủ nữ trẻ được đầu tư cho tương lai. Những VĐV gặp phải chấn thương ở Đại hội TDTT toàn quốc cuối năm 2022 như Trần Hưng Nguyên, Phạm Thanh Bảo cũng đã kịp hồi phục, dần lấy lại phong độ thông qua chỉ số tập luyện và thi đấu ở Hungary.
Hungary với điều kiện tập luyện tốt là điểm đến tập huấn quen thuộc của các kình ngư chủ lực Việt Nam. Ngoài tập luyện, đội tuyển bơi còn thi đấu cọ xát ở một số giải đấu hoặc kiểm tra thành tích nội bộ. Theo báo cáo từ HLV trưởng Nguyễn Hoàng Vũ, đội hình chủ lực sẽ canh điểm rơi phong độ tốt nhất cho SEA Games 32. Đội sẽ trở về Việt Nam vào cuối tháng 4, sau đó sang Campuchia để bước vào thi đấu".
Những kình ngư nam gánh trọng trách giành HCV
Ông Đinh Việt Hùng cho biết chương trình thi đấu của môn bơi ở SEA Games 32 dự kiến cắt giảm nhiều nội dung. Chính điều này gây ra khó khăn với đội tuyển bơi Việt Nam, vì thế, chỉ tiêu thành tích cũng giảm so với SEA Games 31.
Ông Hùng nói: "Trước khó khăn như thế, rõ ràng chỉ tiêu, mục tiêu sẽ phải giảm đi một chút. Nước chủ nhà Campuchia không đưa vào tranh tài nội dung 800m tự do nam mà mình có lợi thế. Đây là nội dung có mặt ở Olympic Tokyo 2020 và cũng là nội dung sở trường của nam kình ngư Nguyễn Huy Hoàng.
Chỉ tiêu HCV có thể giảm nhưng đội tuyển bơi vẫn phải hết sức tập trung, nghiêm túc luyện tập, tham gia tập huấn nước ngoài,bởi ngoài sự chuẩn bị cho SEA Games 32, chúng ta còn hướng đến những đấu trường cao hơn như Asiad vào tháng 9 và vòng loại tích điểm cho Olympic Paris 2024".
Ông Đinh Việt Hùng cho rằng cần thêm thời gian để bơi lộiViệt Nam có những VĐV mới nối tiếp: "SEA Games 31, đội tuyển bơi có được 11 HCV đều đến từ các nội dung thi đấu của các kình ngư nam. Trong khi đó, các VĐV nữ đã không thể mang về HCV nào. Có vẻ như chưa có ai là đủ tầm để có thể thế chỗ Ánh Viên vào lúc này.
2 kỳ SEA Games 31 và 32 chỉ cách nhau 1 năm là quãng thời gian chưa đủ để các nước, trong đó có Việt Nam, đầu tư, trình làng lứa VĐV mới. Thời gian ngắn như thế nên mình chưa thể có được VĐV nam nữ trưởng thành nhanh được. Với đội tuyển bơi Việt Nam với những VĐV còn rất trẻ như Hồ Nguyễn Duy Khoa, Mai Trần Tuấn Anh, Nguyễn Quang Thuấn (Quân đội) đều có tiềm năng nhưng phải chờ thêm thời gian.
Theo tôi cuộc cạnh tranh môn bơi lần này vẫn chủ yếu diễn ra giữa Singapore, Việt Nam, Thái Lan. Trong đó, Singapore vẫn thống trị các nội dung của nữ, còn Việt Nam chiếm ưu thế các nội dung của nam. Thái Lan là đối thủ cạnh tranh, có thể gây bất ngờ vì đang trong quá trình xây dựng lực lượng trẻ chất lượng. Vì thế mục tiêu đoạt 8-10 HCV cũng đầy khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, chúng tôi không đẩy áp lực về phía các VĐV mà kỳ vọng các em thi đấu hết khả năng của mình".