Bom tấn 100 triệu đã trở thành quá khứ của thị trường chuyển nhượng

Chủ nhật, 26/01/2025 06:13 GMT+7

Google News

Từ những thay đổi trong tư duy tài chính của các CLB đến áp lực từ các quy định quản lý nghiêm ngặt, thị trường chuyển nhượng giờ đây đã bước vào một thực tế mới, bền vững hơn nhưng cũng đầy thách thức.

Trong suốt hơn 1 thập kỷ qua, bóng đá châu Âu đã trải qua thời kỳ lạm phát giá nghiêm trọng. Những cầu thủ ngôi sao liên tục được định giá vượt xa giá trị thực, với 16 thương vụ vượt mức 100 triệu euro trong lịch sử, theo Transfermarkt. Nhìn lại danh sách này, hơn một nửa trong số đó được coi là thất bại hoặc những thương vụ mà các CLB chắc chắn không muốn lặp lại nếu có cơ hội.

Sự điều chỉnh cần thiết sau thời kỳ lạm phát giá

Ví dụ, PSG đã chi 80 triệu euro để chiêu mộ Kolo Muani từ Frankfurt chỉ 18 tháng trước, nhưng giờ đây họ đang chật vật tìm người mua lại anh, thậm chí chỉ hy vọng thu về một nửa số tiền ban đầu. Tương tự, Napoli từng mong muốn nhận hơn 100 triệu euro cho Victor Osimhen, nhưng cuối cùng phải giảm giá xuống còn 60 triệu euro và vẫn không tìm được đối tác.

Không chỉ các thương vụ thất bại làm suy giảm niềm tin, mà chính sự thay đổi trong tư duy tài chính của các câu lạc bộ cũng góp phần tạo nên hiện thực mới này. Những đội bóng lớn giờ đây quản lý từng đồng chi tiêu một cách cẩn trọng hơn, nhận thức rõ rằng không còn "kẻ mua lại sai lầm" sẵn sàng cứu vớt những bản hợp đồng thất bại.

Áp lực kinh tế, kết hợp với các quy định tài chính nghiêm ngặt từ UEFA, Premier League hay La Liga, đang buộc các đội phải suy nghĩ dài hạn hơn. Theo báo cáo, chi tiêu ròng tại Premier League trong kỳ chuyển nhượng mùa Hè 2023 đã giảm 40%, mức thấp nhất sau khi điều chỉnh lạm phát kể từ năm 2014 (ngoại trừ giai đoạn Covid-19).

Các đội như MU hay Real Madrid từng chi đậm để củng cố đội hình, nhưng giờ đây lại tập trung vào việc cắt giảm lương và tối ưu hóa nguồn lực. MU đang cố gắng giảm quỹ lương không chỉ bằng việc tìm cách bán Marcus Rashford mà còn nhắm tới những cầu thủ không còn nằm trong kế hoạch. Trong khi đó, Real Madrid dù thiếu nhân sự trầm trọng vẫn tuyên bố không tham gia thị trường chuyển nhượng tháng Giêng.

Thực tế chuyển nhượng bóng đá: Bom tấn 100 triệu euro đã trở thành quá khứ? - Ảnh 1.

Những bom tấn 100 triệu euro như Antony hay Sancho dần biến mất khỏi TTCN

Sự thay đổi này không chỉ ảnh hưởng đến các đội bóng lớn mà còn tác động đến những câu lạc bộ nhỏ hơn, vốn phụ thuộc vào việc mua rẻ - bán đắt để duy trì hoạt động. Những đội như Borussia Dortmund, Brighton hay Atalanta phải cân nhắc kỹ hơn trước khi đầu tư vào các cầu thủ trẻ. Trường hợp của Donyell Malen là một ví dụ điển hình: Dortmund chi 30 triệu euro để mua anh từ PSV Eindhoven vào năm 2021, nhưng chỉ 3 năm rưỡi sau, họ bán anh cho Aston Villa với giá 25 triệu euro.

Sự kết thúc của bom tấn 100 triệu euro

Sự khan hiếm những thương vụ bom tấn giá 100 triệu euro không chỉ là kết quả của việc siết chặt chi tiêu mà còn phản ánh một thực tế khác: Các CLB giờ đây nhận thức rõ rằng những khoản đầu tư khổng lồ vào một cá nhân không còn mang lại giá trị tương xứng.

Điều này càng rõ ràng khi nhìn vào các trường hợp của Bayern Munich và Liverpool - hai trong số những CLB lớn và ổn định nhất châu Âu. Bayern đang để hai trụ cột Joshua Kimmich và Alphonso Davies tiến gần đến thời điểm hết hạn hợp đồng mà chưa gia hạn. Liverpool cũng rơi vào tình huống tương tự với Mohamed Salah, Virgil van Dijk và Trent Alexander-Arnold.

Thay vì vội vã chi đậm để thay thế các ngôi sao sắp ra đi, cả Bayern và Liverpool dường như đang thích nghi với một cách tiếp cận thực dụng hơn. Họ tìm cách tối ưu hóa giá trị của những cầu thủ hiện tại, thay vì lao vào các cuộc đua bom tấn không cần thiết.

Các CLB đã nhận ra rằng, khi doanh thu không còn tăng trưởng theo cấp số nhân, họ chỉ có thể biện minh cho những khoản chi khổng lồ nếu thị trường tiếp tục có đủ những đối tác mua các "bom tấn". Hiện tại, những đối tác như thế đang dần biến mất.

Có lẽ chúng ta đang tiến gần hơn đến một thị trường chuyển nhượng tỉnh táo, nơi các CLB không còn bị cuốn vào những cuộc đua chi tiêu phi lý. Đây có thể là bước đầu tiên để bóng đá trở thành một ngành kinh doanh trưởng thành, bền vững và hợp lý hơn - một viễn cảnh mà cả người hâm mộ lẫn các CLB đều mong đợi.


T. Giáp

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›