(Thethaovanhoa.vn) - Bộ truyện tranh lịch sử của nhóm Phong Dương Comic, được coi là “bom tấn” ở Việt Nam, vừa trở lại sau 10 tháng chờ đợi của độc giả. Long Thần Tướng tập 1, ra vào tháng 11 năm ngoái, có số lượng phát hành ấn tượng.
Buổi ra mắt tập 2 của bộ truyện diễn ra vào sáng 6/9 trong khuôn khổ Ngày hội Truyện tranh Việt Nam Comicday 2015 tại Hà Nội với sự có mặt của nhóm sáng tác gồm: biên kịch Nguyễn Khánh Dương, họa sĩ Nguyễn Thành Phong, họa sĩ Nguyễn Mỹ Anh và cố vấn Trần Quang Đức.
Theo biên kịch Khánh Dương, Long Thần Tướng tập 1 sau đợt in đầu tiên vào tháng 11/2014 đã được tái bản số lượng lớn và được tiêu thụ gần hết.
Tập 2: nhiều nhân vật lịch sử có thật xuất hiện
Thành công của Long Thần Tướng cũng là cú hích để thành lập Comicola, công ty truyện tranh của những người trẻ và cho ra đời nhiều bộ truyện tranh mới của tác giả Việt trong vòng một năm qua. Trong số đó, Long Thần Tướng vẫn được coi là một dự án lớn của Comicola và là một trong những tâm điểm tại Comicday lần này.
4 tác giả ''Long Thần Tướng'' trong buổi ra mắt sách sáng 6/9
Long Thần Tướng kể song song hai tuyến truyện thời hiện đại và thời nhà Trần có liên kết với nhau một cách bí ẩn. Năm 2014, cô bé Ánh My nhìn thấy một hình vẽ cổ và trở nên dị thường. Nhà nghiên cứu sử học Trần Hàn Dương thuyết phục My kể ra câu chuyện lịch sử mà cô bé được truyền đạt. Đó là năm 1279, tại phủ Thiên Trường, một vụ ám sát bí ẩn diễn ra giữa một đám cưới, cô dâu bị bắt cóc. Người duy nhất chứng kiến mọi diễn biến là Long - một thằng bé mồ côi ăn cắp vặt.
Tập 1 kết thúc trong bí ẩn khiến độc giả không khỏi "thòm thèm". So với tập 1, tập 2 của Long Thần Tướng tập trung vào nhiều sự kiện có thật trong lịch sử thay vì theo dòng chảy câu chuyện hư cấu trong tập 1, với vai trò rất quan trọng của cố vấn lịch sử Trần Quang Đức. Bối cảnh chuyển từ phủ Thiên Trường sang kinh thành Thăng Long, với hình ảnh của Hoàng Thành Thăng Long, di sản văn hóa thế giới. Nhóm tác giả đã vẽ sơ đồ của Hoàng Thành để đưa vào truyện cho chính xác.
Bìa "Long Thần Tướng" tập 2
Vua Trần Nhân Tông, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn của Đại Việt và Sài Thung, sứ thần nhà Nguyên, là những nhân vật quan trọng trong tập 2. Cảnh đoàn rước sứ thần được vẽ vô cùng chi tiết trong khung tranh lớn.
Trong buổi ra mắt sách, nhóm sáng tác đã diễn giải nhiều chi tiết trong sách, chủ yếu về lựa chọn tạo hình, trang phục cho các nhân vật lịch sử. Nhà nghiên cứu Trần Quang Đức đưa ra nhiều lý giải cho các sự kiện lịch sử và cách diễn giải phù hợp trong cuốn truyện mới.
Đặc biệt, hình ảnh Trần Quốc Tuấn được vẽ trọc đầu, rất khác so với những hình dung trước đây về nhân vật lịch sử này. Chi tiết này dựa trên ghi chép lịch sử là khi mới gặp Sài Thung đã nhầm Trần Quốc Tuấn là một nhà sư. Hai gia nô nổi tiếng của Trần Quốc Tuấn là Yết Kiêu và Dã Tượng cũng được đưa vào truyện.
Tạo hình Vua Trần Nhân Tông thời trẻ trong tập 2
Trong đó, nhóm tác giả đưa vào truyện một chi tiết đáng chú ý trong Đại Việt sử ký toàn thư kể về việc “Trong buổi tiếp, Trần Quốc Tuấn bị người hầu của Sài Thung cầm mũi tên đâm vào đầu đến chảy máu”. Đây là một chi tiết rất khó hiểu và ít cứ liệu lịch sử nên nhóm đã đưa ra kiến giải của riêng mình và tạo ra một tình tiết bí ẩn, kịch tính.
Trong tập 2, thắc mắc lớn nhất của độc giả “Long Thần Tướng là ai, tại sao lại được chọn làm nhân vật trung tâm của bộ truyện tranh lịch sử này?” cũng sẽ được giải đáp.
Không theo gu thị trường
Long Thần Tướng đã được chú ý bởi những nhà nghiên cứu truyện tranh ở Nhật. Họa sĩ Thành Phong kể, vừa qua, những người bạn của anh ở Khoa Nghiên cứu truyện tranh ở Đại học Kyoto Seika (Nhật) đã tiếp nhận và đọc cuốn Long Thần Tướng tập 1. Nhận xét về cuốn truyện, họ nói: “Nét vẽ của Long Thần Tướng khá độc đáo và không phổ biến trên thị trường”.
Điều đó cho thấy Long Thần Tướng là một truyện tranh khá lạ và có một nhóm độc giả riêng biệt, nhưng con số phát hành cho thấy truyện vẫn được thị trường Việt Nam đón nhận.
Nhóm tác giả ký tặng độc giả ủng hộ chiến dịch gây quỹ của tập 2
Tập 2 ra mắt muộn hơn so với dự kiến (tháng 6/2015) chính vì nội dung lịch sử đòi hỏi thời gian nghiên cứu và thảo luận. Thậm chí, có không ít cuộc tranh cãi vì mỗi người có cách kiến giải của riêng mình.
Tập 1 cũng đã được "xuất ngoại" theo hình thức tự do. Họa sĩ Thành Phong cho biết: “Đầu năm 2015, tôi có cơ hội đến các liên hoan truyện tranh quốc tế, ở Manila (Phillippines), tôi mang theo các truyện tranh Việt Nam đã xuất bản như Long Thần Tướng, Học viện bóng đá, Chuyện tào lao của Vàng Vàng, Nhật ký Mèo Mốc… Với nhiều đồng nghiệp, đó là lần đầu tiên họ được tiếp xúc với truyện tranh Việt Nam”.
Nha Đam
Tags