- Bộ ảnh quý hiếm thời nhà Thanh: Nhiều ngóc ngách trong Tử Cấm Thành cùng nhan sắc hoàng hậu cuối cùng được khắc họa rõ nét
- Bó tay với logic ngược đời ở phim Trung: Đẹp như Lưu Diệc Phi lại bị chê "quê mùa", nam thần thanh xuân là kẻ "dung mạo tầm thường"?
- Nàng thơ gen Z và ba mỹ nam tạo sức hút cho phim cổ trang “Quán Trọ Tình Yêu”
'Kill Boksoon' của Jeon Do Yeon có thực sự xứng đáng với vị trí top 1 toàn cầu?
Kill Boksoon là bộ phim điện ảnh mới ra mắt được hơn một tuần trên nền tảng Netflix. Phim hiện vẫn đang đứng hạng 1 trên BXH phim không nói tiếng Anh được xem nhiều nhất toàn cầu. Ngoài ra, Kill Boksoon cũng lọt top 10 tại 82 quốc gia như Brazil, Mexico, Nhật Bản, Singapore, Tây Ban Nha. Riêng ở Việt Nam, phim chiếm trọn vị trí số 1 ở phân khúc phim điện ảnh và trở thành đề tài "nóng" được nhắc đến rất nhiều trên các nền tảng mạng xã hội.
Một điểm thú vị là Kill Boksoon từng được công chiếu ở LHP Berlin hồi tháng 2 dưới định dạng "phim chiếu rạp" trước khi chào sân nền tảng trực tuyến như hiện tại. Vấn đề đáng nói là Kill Boksoon không phải tựa phim khiến các khán giả ở LHP Berlin phải trầm trồ nức nở, thậm chí có còn gây ra nhiều tranh cãi trái chiều. Những tranh cãi đó tới từ đâu? Vì Kill Boksoon không phù hợp với giới mộ điệu, với một liên hoan phim thích các tác phẩm hàn lâm, nghệ thuật hay vấn đề nằm ở chất lượng của nó?
Ảnh hậu Cannes, Ảnh đế Rồng Xanh và quá nhiều gương mặt xuất sắc
Có thể khẳng định yếu tố ăn khách nhất của Kill Boksoon chính là dàn diễn viên vô cùng xuất sắc. Phim mang đến một Jeon Do Yeon rất khác lạ, không chỉ lột xác hoàn toàn so với vai diễn gần nhất ở Khoá Học Yêu Cấp Tốc, mà đây còn là lần hiếm hoi cô đảm nhận một nhân vật có phần man rợ và tàn bạo như thế.
Trong phim cô vào gai Gil Bok Soon, từ Kill trong tựa đề là một phép chơi chữ khi Kill (giết) có cách phát âm gần giống với Gil lại đề cập đến ngành nghề của cô: sát thủ. Từ năm 17 tuổi, Bok Soon đã theo "nghề" này sau một cú đá chân dứt khoát "tiễn đưa" người cha tệ hại (có vẻ như đã bạo hành cô) đang bị sát thủ treo cổ. Cả sự nghiệp, Bok Soon chưa từng thua cuộc, là "con dao" mà Cha Min Kyu (Sol Kyung Gu) hết lòng trọng vọng. Còn Cha Min Kyu, năm Bok Soon 17 tuổi, ông ta cũng là một tay sát thủ trẻ măng vô cùng tàn bạo với tiền đồ rộng mở trong "ngành". Chứng kiến cô bé 17 tuổi đá bay chiếc ghế bấu víu sinh mạng của cha ruột, nở một nụ cười rạng rỡ, đẹp đến man rợ, Min Kyu đã quyết định cùng Bok Soon gầy dựng cơ nghiệp của mình.
Nếu Jeon Do Yeon là Ảnh hậu Cannes thì Sol Kyung Gu cũng là Ảnh đế Rồng Xanh với sự nghiệp vô cùng oanh liệt. Màn hợp tác của hai người khiến cả khán giả lẫn giới mộ điệu đều phải ngỡ ngàng bởi không ngờ có một bộ phim lại đủ sức để mời cả hai người. Và có lẽ, những mỹ từ khen ngợi Jeon Do Yeon hay Sol Kyung Gu là điều quá dư thừa bởi việc hai người diễn tốt đã là điều quá hiển nhiên. Một Jeon Do Yeon đẫm máu luôn xuất hiện với nụ cười mê hoặc, khi nhập vai người mẹ lại có cả sự bất lực, hoang hoải. Một Sol Kyung Gu thét ra lửa, gần 60 tuổi vẫn xuất sắc thể hiện những pha đấm đá khó nhằn nhưng đứng trước "người thương" lại trở nên ôn nhu lạ thường.
Bên cạnh cặp đôi ảnh đế - ảnh hậu, dàn diễn viên phụ trong phim cũng vô cùng xuất sắc. Esom (vai em gái Cha Min Kyu) toát ra sự ma mị, bí ẩn và cuồng loạn trong từng khung hình. Kim Shi Ah (vai con gái Bok Soon) đầy bướng bỉnh, bất lực với mối tình mà xã hội cấm đoán cùng hành trình trưởng thành và nhận ra thứ mình thực sự cần,… Thậm chí ngay cả cả diễn viên khách mời chỉ xuất hiện vài ba phút cũng khiến khán giả phải thán phục với màn thể hiện xuất sắc của mình.
Câu chuyện hấp dẫn nhưng không trọn vẹn
Chủ đề của Kill Boksoon không mới nhưng việc lồng ghép yếu tố sát thủ với câu chuyện của một người mẹ khiến bộ phim trở nên hấp dẫn hơn. Khán giả thấy được hai hình ảnh khác biệt hoàn toàn của Jeon Do Yeon, khi là một Bok Soon máu lạnh, "idol" của giới giết thuê, lúc lại là bà mẹ bất lực với bức tường vô hình mà con gái mình tạo ra để ngăn cách hai mẹ con. Chính bởi yếu tố này nên những phi vụ "đâm thuê chém mướn" không được miêu tả quá nhiều trên phim như hình dung ban đầu của khán giả. Thay vào đó là sự phát triển tâm lý của các nhân vật. Khán giả sẽ thấy được phần nào câu chuyện về cô bé Jae Yeong, con gái của Bok Soon. Đó là một cô bé 17 tuổi với tâm tư đầy bất ổn và gặp khó khăn trong việc chia sẻ với mẹ. "Giết người thì dễ, dạy con mới khó", những kẻ mà Bok Soon phải đối diện ngoài kia đều có điểm yếu hoặc cô sẽ tạo ra điểm yếu cho họ, riêng Jae Yeong, cô không thể nắm bắt được con gái mình.
Câu chuyện của mẹ con Bok Soon nhìn chung được giải quyết khá triệt để bằng một cái kết khiến khán giả có thể kỳ vọng về phần 2 của bộ phim. Thế nhưng những tuyến nhân vật khác lại không giải quyết được triệt để những vấn đề họ đặt ra trong 134 phút của bộ phim. Với tham vọng tạo ra một tác phẩm có sức nặng, đạo diễn kiêm biên kịch Byun Sung Hyun đã vạch ra đường dây nhân vật tương đối phức tạp với nhiều chi tiết hay ho mà 134 phút không thể giải quyết hết.
Mối quan hệ của anh em nhà họ Cha ra sao, vì lý do gì mà họ cùng trở thành sát thủ và có những suy nghĩ, hành vi tương đối luân loạn? Chắc hẳn quá khứ của hai người không hề bình thường nên Cha Min Hee mới có những suy nghĩ lệch lạc và sự chiếm hữu anh trai như một người tình. Một nhân vật thực sự thú vị nhưng lại bị biên kịch bỏ lửng bằng một cái chết lướt qua đầy hờ hững. Thêm vào đó sự ngang nhiên tồn tại của tập đoàn sát thủ MK với cái mác công ty tổ chức sự kiện cũng là một câu hỏi lớn với khán giả. Rằng cái mác đó làm sao che chắn được cho tập đoàn này trong suốt gần 20 năm ròng rã với rất nhiều vụ thảm sát diễn ra. Và sau cùng, câu hỏi lớn nhất, liệu Jae Yeong có phải kết quả của một lần đi quá giới hạn nào đó giữa Bok Soon và sếp của cô - ông trùm Cha Min Kyu?
Có thể thấy mặc dù khai thác yếu tố băng đảng và tội phạm nhưng Kill Boksoon lại không xoáy quá sâu hai vấn đề này. Một sát thủ nguyên tắc nhưng có tình người, một bà mẹ cùng con trưởng thành vẫn là yếu tố then chốt của cả bộ phim. Chính bởi vậy, dù hành động là một điểm sáng nhưng nó lại không có nhiều "đất diễn". Câu chuyện phim cũng không có những nút thắt cao trào hay những cú twist bất ngờ khiến người người xem phải vỡ oà.
Bối cảnh, hình ảnh cứu cả kịch bản
Kịch bản không mang lại cảm giác "ồ wow" nhưng phần hình ảnh, âm nhạc của Kill Boksoon lại khiến khán giả thực sự bất ngờ. Đạo diễn Byun Sung Hyun đã biến những trận đấu một mất một còn trong phim trở thành một bức hoạ kỳ vĩ, có máu, tiếng la hét nhưng lại đẹp một cách lạ kỳ. Đặc biệt, trong những phân đoạn chết chóc này, phần âm nhạc tạo cho khán giả cảm giác bi tráng thay vì sợ hãi. Xuất sắc nhất là trận đấu cuối phim, tất cả những hình dung về cách mình sẽ chết của Bok Soon được hiện hữu chật kín căn phòng khiến người xem phải trầm trồ vì nó quá đẹp, nét đẹp rất điện ảnh.
Đây có lẽ là lý do mà đạo diễn Byun Sung Hyun từ chối biến Kill Boksoon thành một series nhiều tập, chấp nhận việc phim của mình có thể thiếu rất nhiều thứ. Bởi ông muốn làm một tác phẩm thực sự điện ảnh, điện ảnh trong từng bối cảnh, góc máy, khúc nhạc và những lời thoại. Không ngoa khi nói hiếm có bộ phim về đề tài sát thủ nào của Hàn Quốc lại có thể đẹp một cách "thơ" đến như thế.
Chấm điểm: 3.5/5
Dĩ nhiên làm sao có thể đòi hỏi quá nhiều về mặt tiểu tiết ở một bộ phim chỉ có độ dài hơn hai tiếng. Nhìn chung, Kill Boksoon vẫn là một tác phẩm xứng đáng để khán giả bỏ thời gian để thưởng thức để thấy được một câu chuyện có sức nặng về hành trình làm mẹ rất đặc biệt của một nữ sát thủ.
Nguồn ảnh: Netflix
Tags