Điều tôi thích nhất ở cây xứ Việt Nam mình là chúng bình thản chấp nhận thời tiết, chấp nhận mùa, chấp nhận cả may rủi. Nhớ bài hát của Trịnh Công Sơn có câu: “Bốn mùa thay lá thay hoa thay mãi đời ta”. Bốn mùa ấy có thay được cả đời ta không, còn tùy.
1. Tôi đang ở mùa nào của cuộc đời mình? Chắc là quá nửa mùa Thu. Vì khi đã sang mùa Đông, thì đời buồn lắm. Mùa Thu đời mình còn cho ta những hy vọng mơ hồ nào đó, mùa Đông thì không.
Tôi là người thường tiết kiệm hy vọng, tiết kiệm cả những ước mơ, dù nhiều người hay nói: Mơ thì đâu có mất đồng nào, tội gì không mơ ước? Nhưng khi anh xài miễn phí một cái gì, mà xài nhiều, sớm muộn gì anh cũng phải trả giá. Đừng nghĩ mơ ước là miễn phí, thì muốn ước mơ bao nhiêu cũng được. Với lại, trong hoàn cảnh của mình hiện nay, tiết kiệm được cái gì tốt cái ấy, dù là tiết kiệm những ước mơ. Kể cả những ước mơ chính đáng, những ước mơ tốt đẹp, vì khả năng để thực hiện được chúng là rất thấp, nếu không muốn nói là không thể.
Tôi không phải người bi quan, cũng không phải người lạc quan. Tôi chỉ là người không viển vông. Cứ lặng lẽ làm việc, rồi mùa Hạ trôi qua lúc nào không biết. Tới khi mùa Thu nhè nhẹ đi ngang cuộc đời mình, mới giật thót. Đây là mùa đẹp nhất nếu anh ở bên ngoài nhìn vào, còn nếu anh đang trong lòng nó, thì chưa chắc. Bởi đây là mùa “đặc biệt nhạy cảm” nói theo ngôn ngữ của Việt Nam bây giờ, mà những linh cảm nhoi nhói kiểu như Mùa lá rụng - tên một bài thơ của Olga Berggoltz - thì trong nhiều bản dịch bài thơ tuyệt hay này, Bằng Việt là người có ý thức nhất khi dịch câu “Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng!”(nguyên văn tiếng Nga là: “Осторожно, листопад!”). Theo bản dịch nghĩa, thì câu này chỉ dịch đơn giản là: “Coi chừng lá rụng!”. Nhưng nếu chỉ dịch như thế, thì “chủ thể cây” ẩn giấu phía sau câu thơ sẽ biến mất. Mà nó mới là “khổ chủ” ta nên tránh đụng vào khi mùa lá rụng, vì mỗi cú đụng chạm vô tình vào thân thể cây như thế sẽ làm cây rất đau. “Cây” ở đây, khi tuổi đã ở độ vào giữa Thu, rất dễ bị tổn thương dù vẫn còn đầy khao khát. Xin giới thiệu lại bài thơ này qua bản dịch tuyệt vời sau:
Mùa lá rụng
(Mùa thu ở Mátxcơva người ta thường treo những tấm biển trên các đại lộ, với dòng chữ: “Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng”)
Những đàn sếu bay qua. Sương mù và
khói tỏa.
Mátxcơva lại đã thu rồi!
Bao khu vườn như lửa chói ngời,
Vòm lá sẫm ánh vàng lên rực rỡ
Những tấm biển treo dọc đại lộ
Nhắc ai đi ngang dù đầy đủ lứa đôi
Nhắc cả những ai cô độc trong đời:
“Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng!”
Ôi trái tim, trái tim của mình tôi
Đập hồi hộp giữa phố hè xa lạ
Buổi chiều kéo lang thang mưa giá
Khẽ rung lên bên khung cửa sáng đèn
Ở đây tôi cần ai khi xuôi ngược một mình?
Tôi có thể yêu ai? Ai làm tôi vui sướng?
“Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng”
Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi!
Nếu không có gì ao ước nữa trong tôi
Thì có nghĩa chẳng còn gì để mất
Anh từng ở đây, từng là người thân nhất
Sao phút này làm người bạn cũng không?
Tôi chẳng hiểu sao cứ ngùi ngẫm trong lòng
Rằng sẽ phải xa anh vĩnh viễn
Anh - con người không vui, con người bất hạnh
Con người đi cô độc quá trong đời
Thiếu cẩn trọng chăng? Hay chỉ đáng nực cười?
Thôi, hãy biết kiên tâm, mọi điều đều phải đợi.
Dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi
Mưa thầm thì rơi mãi lúc chia ly
Mưa tối rầm nhưng ấm áp nhường kia
Mưa run rẩy trong ánh trời chớp lóa...
Anh hãy cố vui lên dù con đường hai ngả
Tìm hạnh phúc bình yên trong ấm áp cơn mưa!...
Tôi ra ga, lòng lặng lẽ như xưa
Một mình với mình thôi, chẳng cần ai
tiễn biệt
Tôi không biết nói cùng anh đến hết
Nhưng bây giờ còn phải nói gì thêm!
Cái ngõ nhỏ con đã tràn ngập màu đêm
Những tấm biển dọc đường càng
thấy rống:
“Tránh đừng động vào cây, mùa lá rụng...”
(Olga Berggoltz (1938); Bằng Việt dịch)
Cần và không cần, thèm sẻ chia nhưng rất cô đơn, dễ tổn thương mà chưa dứt được niềm khao khát, muốn thiền định mà tâm còn động, đó là mùa Thu của cuộc đời mỗi con người. Lá đang rụng, những chiếc lá xanh sống nay đã chuyển màu vàng, rồi tự động đứt cuống. Tránh đừng động vào cây thời điểm ấy, chứ không phải “coi chừng lá rụng”, vì lá rụng theo qui luật tự nhiên, chẳng có gì phải “coi chừng” cả.
Cứ theo bài thơ này mà suy, thì “mùa lá rụng” cũng đáng ngại thật đấy. Nhưng vì không thể tránh, nếu đang còn sống, đang còn những mơ ước những khát khao dù dè sẻn, nên chẳng ai dại gì đi đường vòng để tránh mùa Thu cả. Vui vẻ, mở lòng ra đón nó, dù thế nào, đó là cách sống khiến mình gần với thiên nhiên hơn, gần với “quy luật muôn đời” hơn.
2. Tôi thích mình là một cái cây - vài năm trước, tôi có bài thơ nhan đề như vậy. Năm 1985, lần đầu tiên tôi được đi Liên Xô tham dự “Tuần lễ văn hóa Việt Nam tại Liên Xô”, và ngay hôm đầu tiên tới Mátxcơva, tôi viết được bài thơ Cây Mátxcơva, có 4 câu thơ trong bài ấy tôi lấy làm đề từ cho bài thơ viết năm 2020 này:
Tôi thích mình là một cái cây
“rồi trong mơ ta hóa thành cây
cây nho nhỏ lá xanh cành gầy
đi lang thang trong thành phố hừng đông
khe khẽ rung như một chiếc chuông con”
Cây Mátxcơva (1985)
một cái cây sống
nhỏ to không quan trọng
một cái cây
không bị ai bán đứng
dù cổ thụ hay tơ non
một cái cây trầm ngâm
nói chuyện gì không ai nghe rõ
bạn bè quanh năm gió
cười một mình xanh chút nắng chút mây
tôi ước mình là một cái cây
thi thoảng có chim tới hót
con chim sâu bé bỏng nhảy nhót
chẳng cần biết thế giới ra sao
một cái cây xanh đến từng chiếc lá
buổi sớm tỏa dưỡng khí
ban đêm hứng ánh trăng
một cái cây lang thang
dù đứng im một chỗ
những ngày rồi qua những người rồi xa
cái cây rung khẽ từng chiếc lá
chúng ta là ai chúng ta về đâu
chờ mãi cơn mưa rào rất lạ
nắng quay quắt cứ như cáu gắt
cây lá nhỏ nép mình chật vật
chúng ta là ai xanh được bao lâu
lặng im lá vàng rơi chạm đất
(Thanh Thảo)
“Nhỏ to không quan trọng”, cứ một cái cây đang sống, là được. Mỗi buổi sáng buổi chiều tưới nước cho đám cây nhỏ vườn mình, tôi để ý, mỗi khi được tưới tắm, cây rùng mình sung sướng. Khi được mọc gần nhau do khoảng sân hẹp, cây đều cảm thấy như đó là hạnh ngộ. Cây tỏa cành sát gần nhau, gác cành lên nhau, đầy yêu thương che chở, lại như muốn truyền năng lượng của mình cho bạn cây bên cạnh để cùng vui sống. Nếu cây bung chồi vào mùa Xuân, cực nhọc nhưng tốt tươi vào mùa Hạ, trầm ngâm vào mùa Thu, thì có thể, cây nín lặng suốt mùa Đông. Để chuẩn bị cho một mùa Xuân bừng nở.
Xem ra ở Việt Nam mình, thì mùa đáng ngại cho cây là mùa Đông chứ không phải mùa Thu, dù mùa Thu cây đều rụng lá. Nhưng không rụng tới chiếc lá cuối cùng như ở phương Tây xa xôi.
Điều tôi thích nhất ở cây xứ Việt Nam mình là chúng bình thản chấp nhận thời tiết, chấp nhận mùa, chấp nhận cả may rủi. Đó là sự kiên cường thầm lặng, chứ không phải cam chịu.
- Mưa, nắng, đêm… trong Trịnh Công Sơn
- Trịnh Công Sơn - Trở về như mùa Xuân...
- Một góc 'trẻ con' trong nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
Lại xin in lại lời bài hát Bốn mùa thay lá của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, để thấy người Việt Nam mình dù sao vẫn hồn nhiên và lạc quan hơn người ngoài:
Bốn mùa thay lá
Bốn mùa như gió
Bốn mùa như mây
Những dòng sông nối đôi tay
liền với biển khơi
Đêm chờ ánh sáng
Mưa đòi cơn nắng
Mặt trời lấp lánh trên cao
Vừa xa vừa gần
Con sông là thuyền
Mây xa là buồm
Từng giọt sương thu hết mênh mông
Những giọt mưa
Những nụ hoa
Hẹn hò gặp nhau trước sân nhà
Không hẹn mà đến
Không chờ mà đi
Bốn mùa thay lá
Thay hoa thay mãi đời ta
Bên trời xanh mãi
Những nụ mầm mới
Để lại trong cõi thiên thu
Hình dáng nụ cười
(Trịnh Công Sơn)
Cái “Hình dáng nụ cười” trong cõi thiên thu ấy mới dễ thương và đẹp làm sao!
Nhà thơ Thanh Thảo
Tags