Bóng chuyền nữ Việt Nam nhìn từ trận thua tuyển Pháp, quan điểm khách quan nhất về các cô gái ‘vàng’

Thứ Bảy, 29/07/2023 06:20 GMT+7

Google News

Đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh màn trình diễn của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam trước Pháp ở FIVB Challenger Cup 2023. Một số bảo đội tuyển nữ chơi tốt, số khác lại chỉ trích đội tuyển đánh dở. Nhưng chúng ta cần nhìn nhận mọi chuyện thật khách quan.

Tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam chơi tốt hay chưa tốt?

Có vẻ như nhiều người cứ thấy đội tuyển thất bại là chỉ trích và chỉ trích. Đa số chỉ ra hai vấn đề là chúng ta phát bóng dở và đỡ bước 1 yếu. Đó đúng là những điểm yếu chúng ta phơi bày trong trận đấu với tuyển Pháp nhưng những điểm yếu ấy đã tồn tại từ rất lâu rồi và đến giờ chúng ta vẫn chưa cải thiện được.

Chỉ ra vấn đề là chuyện đơn giản nhưng cần hiểu tại sao vấn đề đó lại tồn tại, không được cải thiện mới là điều quan trọng vì đâu phải đến trận gặp tuyển nữ Pháp, chúng ta mới bộc lộ điểm yếu về đỡ bước 1 và phát bóng?

Tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam dừng bước sớm ở FIVB Challenger Cup 2023

Tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam dừng bước sớm ở FIVB Challenger Cup 2023

Khâu đỡ bước 1 và phát bóng là những khâu cơ bản và đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng lớn đến thành bại của đội bóng. Bóng chuyền nữ Việt Nam nói riêng và bóng chuyền Việt Nam nói chung lâu nay đều yếu về 2 khâu này.

Khi gặp những đối thủ phát bóng và đập bóng có lực mạnh, tốc độ cao là chúng ta thường xuyên đỡ hỏng, dẫn đến việc chuyền 2 phải "sửa" bóng xấu, thậm chí không có bóng, ảnh hưởng luôn đến khâu tấn công sau đó.

Chúng nói về chuyện đỡ bước 1 trước tiên. Khách quan mà nói thì ở trận gặp Pháp, set 1 chúng ta đỡ bước 1 rất dở nhưng ở set 2 và set 3 chúng ta đã làm tốt hơn. Trận này, Khánh Đang, nhìn chung, chơi rất hay. Nhưng chỉ Khánh Đang phòng ngự tốt là không đủ. Các VĐV còn lại của chúng ta cơ bản đều đỡ bước 1 không tốt.

Tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam vô địch AVC Challenge Cup 2023

Tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam vô địch AVC Challenge Cup 2023

Tại sao khâu đỡ bước 1 của bóng chuyền Việt Nam (cả nam lẫn nữ) lại dở như vậy suốt bao nhiêu năm? Chúng ta muốn cải thiện vấn đề này thì các VĐV phải được tập luyện và thử thách thường xuyên.

Họ phải được thử thách thường xuyên khi đánh cho CLB ở một giải VĐQG có chất lượng cao, quy tụ nhiều chuyên gia giao bóng khó. Họ phải được thử thách thưởng xuyên thông qua các chuyến tập huấn, đánh giao hữu với các đối thủ tầm cỡ trên tầm chúng ta để học hỏi kinh nghiệm, rèn "tay nghề". Họ phải được thử thách thường xuyên bằng cách tham dự những giải đấu chính thức có tầm cỡ, quy tụ nhiều ĐTQG, CLB hàng đầu Châu Lục hay ở tầm thế giới.

Nhưng giải VĐQG bóng chuyền nữ của Việt Nam đến lúc này vẫn chưa đủ tốt để các cô gái của chúng ta có thể nâng cao trình độ đỡ bước 1 của họ. Các đội bóng của chúng ta cơ bản vẫn giao bóng dễ, lực yếu, tốc độ chậm và chúng ta đã quen với kiểu giao bóng và đỡ giao bóng như thế lâu nay.

Chúng ta cũng rất thiếu các chuyến tập huấn, cọ sát với các CLB, các ĐTQG đẳng cấp cao hơn chúng ta để học hỏi, cải thiện khả năng đỡ bước 1.

Trận đấu với tuyển nữ Pháp thực sự là bài học bổ ích cho tuyển nữ Việt Nam để các cô gái của chúng ta được hỏi hỏi, cải thiện khả năng đỡ bước 1 của họ. Chúng ta thất bại nhưng cái chúng ta thu về là trải nghiệm đánh một trận lớn, trước đối thủ mạnh, ở một giải đấu tầm thế giới.

Bóng chuyền nữ Việt Nam nhìn từ trận thua tuyển Pháp, cái nhìn khách quan nhất về các cô gái ‘vàng’   - Ảnh 5.

Bóng chuyền nữ Việt Nam có những bước tiến dài trong thời gian qua

Những trải nghiệm như thế là cực kỳ cần thiết và muốn phát triển lên một tầm mức mới trong tương lai, các cô gái của chúng ta cần nhiều hơn những trải nghiệm tương tự, không nhất thiết phải thông qua các giải đấu chính thức mà kể cả những trận đấu tập huấn, giao hữu với những đối thủ chất lượng thực sự cũng vô cùng giá trị.

Nhưng vấn đề này lại liên quan tới câu chuyện đầu tư cho bóng chuyền của nhà nước, chính phủ, của các cấp, ban, ngành, các cá nhân, tập thể và chúng ta biết rằng đó là vấn đề tồn tại đến giờ chúng ta vẫn chưa làm đủ tốt.

Về vấn đề phát bóng, những ai thường xuyên theo dõi bóng chuyền đỉnh cao thế giới thì đều thấy các VĐV bóng chuyền quốc tế họ thường nhảy đập bóng rất mạnh. Các cô gái Việt Nam đã được "lĩnh giáo" quả phát bóng búa bổ của các cô gái Pháp.

Bóng chuyền nữ Việt Nam có những bước tiến dài thời gian qua

Bóng chuyền nữ Việt Nam có những bước tiến dài thời gian qua

Muốn nâng cao hiệu năng của quả phát bóng, chúng ta cũng phải thực hiện những pha nhảy đập bóng như vậy. Nhưng phát bóng bằng cách nhảy đập sao cho hiệu quả không hề là chuyện dễ dàng.

Các cô gái chúng ta đa số vốn hạn chế về chiều cao nên việc thực hiện những pha nhảy đập đồng thời vừa có lực mạnh, vừa có tầm bay tốt là rất khó. Ngay cả ngôi sao thế giới có chiều cao lí tưởng mà họ phát bóng nhiều khi cũng mắc lưới hoặc ra ngoài sân.

Thực hiện quả nhảy đập phát bóng tốt là kỹ thuật không dễ chút nào và để có thể tối ưu hóa đòn tấn công ngay từ quả giao bóng như vậy thì thường là nó đòi hỏi VĐV giao bóng phải có chiều cao tốt và lực đập mạnh. Nếu chỉ đơn giản là phát bóng nhẹ, miễn là sang sân đối phương (VĐV Việt Nam đa số hiện vẫn phát bóng như vậy) thì rất ít khi tạo ra hiệu quả, mà ngược lại, không khác gì tạo cơ hội cho đối thủ lên bóng đẹp cho chuyền 2 để làm bóng cho chủ công hay phụ công tấn công ăn điểm.

Trở lại với trận gặp tuyển nữ Pháp, việc đỡ bước 1 yếu và phát bóng kém hiệu quả ảnh hưởng lớn đến kết quả thi đấu của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Nhưng cần nhắc lại, vấn đề không phải là chúng ta đơn thuần chỉ ra nguyên nhân đó (chuyện đó chúng ta có thể dự đoán trước khi trận đấu bắt đầu) và chỉ trích các VĐV mà cần hiểu đó là vấn đề không dễ cải thiện chút nào vì những lí do khác nhau như đã đề cập ở trên.

Trở lại với trận gặp tuyển Pháp, trước khi trận đấu bắt đầu, điều chúng ta kì vọng thực sự ở đội bóng chuyền nữ Việt Nam là chơi với nỗ lực, quyết tâm cao nhất và làm tất cả những có thể, không phải là đánh bại đối thủ có quá nhiều lợi thế rõ ràng so với chúng ta. Nhìn trận đấu ở góc độ đó, chúng ta đều thấy họ đã làm rất tốt, rất tuyệt vời và họ xứng đáng được ca ngợi vì những gì họ làm được.

Việt Nam thua Pháp là chuyện bình thường. (họ xếp hạng 21 thế giới, hạng 6 Châu Âu, có chiều cao vượt trội chúng ta, kinh nghiệm thi đấu quốc tế, thi đấu đỉnh cao vượt trội chúng ta…).

Nhiều người so sánh tuyển nữ Việt Nam từng chơi rất hay trước Thái Lan ở chung kết SEA Games 32 mà Thái Lan (hạng 15 thế giới) còn xếp trên tuyển nữ Pháp (đã trở lại hạng 20 thế giới sau khi thắng Việt Nam ở FIVB Challenger Cup) rồi kết luận các cô gái chúng ta đánh quá dở ở trận gặp Pháp, sa sút phong độ, tâm lí yếu kém này nọ.

Đó là phán xét buồn cười vì FIVB Challenger Cup (giải đấu tầm thế giới) không phải SEA Games (sự kiện thể thao tầm khu vực). Việt Nam đã quá quen với SEA Games, với những cuộc đối đầu với Thái Lan nhưng đây mới là lần đầu tiên Việt Nam dự giải thế giới và đánh với một đội Pháp có thể hình vượt trội, thay vì gặp một đội Thái Lan có thể hình tương tự chúng ta.

Tầm vóc giải đấu khác nhau trời vực, đối thủ của chúng ta có những đặc trưng khác nhau trời vực, trải nghiệm của tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam ở hai giải khác nhau trời vực. Thế nên, mọi so sánh đều khập khiễng.

Những gì các cô gái chúng ta thể hiện trước tuyển Pháp đã là rất tốt, rất đáng khen ngợi rồi. Chúng ta chỉ có thể khen ngợi họ, chứ không thể chỉ trích, phê phán họ. Tất cả những gì chúng ta cần làm bây giờ là cải thiện những gì có thể cải thiện được về chuyên môn (trong điều kiện cho phép) và hi vọng bóng chuyền nữ Việt Nam có thể tham dự nhiều hơn những giải đấu tầm cỡ thế này để nâng tầm chính mình trong tương lai.

HT

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›