(Thethaovanhoa.vn) - Tra tìm mỏi mắt cũng chẳng thấy thuật ngữ “bóng cửa” là môn gì trên thế giới cả. Bỗng chợt nhớ tới truyền cổ tích ngày xưa “Alice ở xứ sở diệu kỳ”, có bà Hoàng hậu của các quân bài cũng chơi bóng cửa, thế là “khám phá” ngay ra thuật ngữ chuyên môn quốc tế của môn thể thao nửa Golf, nửa Billiard này, đó chính là Croquet. Môn thể thao phổ biến toàn thế giới mà người chơi đông nhất chính là trẻ em chứ không phải người già như ở Việt Nam. Thế mới lạ.
Môn thể thao dành cho các bữa tiệc nướng
Croquet là một trò chơi tuyệt vời để dành cho một bữa tiệc nướng (BBQ) ở sân sau bất kỳ ngôi nhà bình thường nào ở châu Âu. Tiết tấu trò chơi chậm và đề cao sự kiên nhẫn và sự chính xác. Có thể nói, cũng như Golf thời hiện đại, trước đấy, Croquet là một môn thể thao tuyệt vời để dành thời gian trò chuyện với bạn bè, gia đình mà vẫn thư giãn. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, Croquet có thể là tổ tiên của Billiard và Golf.
Ai mà ngờ được, môn thể thao trông rất đỗi bình dị này lại là môn thể thao dành cho vua chúa thời phong kiến châu Âu, ra đời từ thế kỷ 13 tại Pháp nhưng lại được phát triển và hoàn thiện tại nước Anh. Đây là một môn thể thao trên cỏ được hoàn thiện cả về luật chơi, dụng cụ chơi và vô cùng phổ biến từ những năm 1830.
Giới quý tộc Pháp trước Cách mạng 1789 và nay, giới quý tộc Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Tây Ban Nha… vẫn thích chơi Croquet hơn cả Golf và Billiard cộng lại. Đơn giản là vì nó gần gũi, riêng tư và gắn kết gia đình hơn rất nhiều.
Châu Âu: Trẻ em “mải mê”
Ở châu Âu, trẻ em được chơi bóng cửa từ rất sớm, chỉ cần bé đủ lớn để giữ vững chiếc “vồ” – dụng cụ đẩy bóng. Thường là lúc bé lên 3 tuổi. Bố mẹ và bé chơi ở sân sau của nhà với những thiết bị đơn giản mua rất rẻ, chỉ khoảng 100 USD gồm 3 gậy đánh bóng, 9 quả bóng, 9 “cửa bóng” (hoop hoặc wicket), đựng trong túi và dễ dàng mang đi đến mọi bãi cỏ, mọi sân chơi. Trò chơi có nhiều luật tương ứng với số người chơi. Nhưng về cơ bản là tính điểm và tính số gậy để bóng qua lỗ.
Trò chơi rất hợp với các bé bởi ngoài sức khỏe, trò chơi còn rèn luyện cho các bé có được sự chú ý, tập trung tốt, kiên nhẫn và dùng lực tay chính xác.
Đây là môn thể thao phổ biến nhất trong các trường mẫu giáo, tiểu học ở châu Âu. Thậm chí, người ta còn biến tấu bóng Cửa nhỏ thành bóng cửa lớn để trẻ con dễ chơi hơn.
Việt Nam – Các cụ “nghiện” gậy
Ở Việt Nam thì có phần “ngược đời”, chủ yếu là các cụ mê chơi bóng cửa, tịnh không thấy bé nào “tranh” chơi với các cụ, dù môn này đã xuất hiện cũng đã khá lâu. Đặc biệt là phát triển ở các làng quê chứ trong nội thành, hiếm có cụ nào chơi hay tổ chức chơi bóng cửa.
Nguyên nhân rất đơn giản, như đã nói ở trên, bóng cửa là môn thể thao trên cỏ hoặc chí ít, cũng phải có một bãi đất rộng và phẳng để chơi, để chôn “cửa bóng” chứ nội thành, đất chật người đông, toàn sân bê tông, chôn vào chỗ nào, chơi vào lúc nào, khó lắm.
Đến nay, phong trào chơi bóng cửa nở rộ ở các miền quê phía Bắc mà mạnh nhất là ở Đông Anh, Hà Nội, trở thành ‘truyền thống” kéo dài cả chục năm nay.
Trung tâm thể thao huyện Đông Anh đã “gieo” hạt giống môn thể thao quý tộc này và giờ, nó đã phát triển khá ổn định trọng cộng đồng người cao tuổi của huyện và nhiều địa phương khác.
Nổi tiếng nhất trong phong trào chơi bóng cửa chính là làng Xuân Bách, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Không chỉ vì phong trào đã có truyền thống cả chục năm nay mà còn bởi ở đây có nhưng cụ già hơn 80 tuổi vẫn mải mê chơi bóng cửa. Quan trọng hơn là “đội tuyển” Xuân Bách rất mạnh. Các cụ đoàn kết, chính xác, hiểu ý nhau nên dù thi đấu với đội trẻ, khỏe hơn, các cụ vẫn thắng giòn giã.
Bóng cửa là một môn thể thao dễ chơi, mang tính đồng đội cao lại không tốn nhiều sức để chơi. Khi chơi môn thể thao này người chơi có thể rèn luyện được tính đoàn kết, chính xác trong từng cú đánh, lại rèn luyện được thể lực khi phải di chuyển trên sân trong mỗi lượt đánh.
Ngoài ra còn phải có chiến thuật để phá bóng đối phương ra ngoài biên càng xa cửa gôn càng tốt. Vì vậy bóng cửa là một môn thể thao trí tuệ lại vừa phù hợp với thể lực, sức vóc người cao tuổi nên các cụ rất thích môn thể thao này. Chẳng thế mà chiều nào cái sân bóng của làng Xuân Bách cũng rộn vang tiếng cười, tiếng hò reo xen lẫn tiếng tặc lưỡi tiếc nuối sau mỗi pha bóng.
Nhiều cụ như cụ Trần Thị Môn, Chu Thị Thảo, Nguyễn Văn Thao đều đã “tròm chèm” 90 tuổi nhưng vẫn chơi nhẹ nhàng.
Các cụ tâm sự, chơi bóng cửa là nhẹ nhàng nhất rồi, lại vui nữa, động tác thì cũng như mình cuốc đất, trồng rau vậy thôi, không có phải vươn, nhảy như bóng chuyền hơi, cũng không phải chạy như cầu lông, cũng không phải uốn dẻo như khiêu vũ. Chơi bóng lại phải tinh mắt, sáng suốt, tính toán từng đường bóng một nên lại đỡ trì độn. Tốt cho sức khỏe lại vui. Nếu có thể, chúng tôi sẽ chơi đến khi mắt mờ, tay run.
Lý giải vì sao phong trào không được lan rộng nhất là trong thành thị, các cụ bỏm bẻm nói vui. “Thiết bị chơi là cả một vấn đề đấy nhé. Ở đây không ai “đầu tư” mua sắm trang thiết bị gì đâu, gậy và gôn đều tự chế, chỉ có bóng nhựa là phải mua thôi. Thành phố lấy đâu ra chỗ chơi mà phát triển.”
Dụng cụ chơi bộ môn bóng cửa cũng khá đơn giản với bộ bóng 10 quả, một nữa màu đỏ, một nữa màu trắng được đánh số từ 1 đến 10, mỗi người chơi chuẩn bị một chiếc gậy gỗ chia làm 2 đội, các thành viên của mỗi đội lần lượt đánh bóng của đội mình theo màu đỏ hoặc trắng qua 3 ô cửa nhỏ rồi kết thúc việc “về bóng” bằng cách đánh bóng trúng vào cột cờ nhỏ giữa sân. |
My My
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Tags