Tròn 10 năm là quãng thời gian, loại hình bóng đá 7 người xuất phát từ "phủi" Hà Nội lan tỏa, thâm nhập đến các vùng miền trên cả nước và bắt đầu vươn mình ra khu vực Đông Nam Á...
Ánh sáng nơi cuối con đường
Trước khi được đón nhận và thừa nhận rộng rãi rồi khẳng định một vị thế, Hanoi Premier League (HPL) - khởi điểm của cả một hệ thống bóng đá 7 người như hiện tại - được "thai nghén" trong hoàn cảnh đặc biệt.
Năm 2013 là thời điểm bóng đá Việt Nam rơi vào trạng thái khủng hoảng với nhiều biến cố lớn, nghề báo cũng rơi vào tình trạng tương tự. Có hơn 10 năm sống với tư cách một phóng viên thể thao lăn lộn, ăn ngủ cùng bóng đá Việt Nam, anh cùng với những người bạn khai sinh ra Vietfootball, và chọn con đường đi riêng.
Phó tổng giám đốc Công ty Vietfootball, ông Dương Thanh Liêm hồi tưởng: "Bóng đá 7 người lúc ấy rất đậm chất phủi. Người ta ấn tượng, hằn trong đầu về "phủi" là bụi, là không cần luật lệ và là đánh nhau, cãi vã, bỏ giải... HPL mùa 1 cũng thế nhưng kết thúc thành công, vượt qua được tất cả sự cố lẫn trở ngại.
Giải đấu thuyết phục được người chơi, các ông bầu, khán giả. Nói như ông bầu Cường "hói" của FC Cường Quốc thì là "từ cơm bụi, bia hơi vỉa hè vào khách sạn 5 sao…", chúng tôi mang đến những cái mới, một cuộc chơi với những điều mới chưa từng có. Ví dụ như có quay phim làm highlight, chụp ảnh và truyền thông rộng khắp, ra sân có cờ, nhạc và những thứ trang trọng, quy củ chưa từng có khác.
Một sự cố không thể nào quên với HPL lẫn Vietfootball, đó là trận đấu mang tính chất quyết định đối với cuộc đua vô địch HPL-S1 của Cường Quốc và Thăng Long. Lưới cũ và rách, trời tối và công tác trọng tài lẫn công tác tổ chức không tốt, trọng tài công nhận bàn thắng dù bóng đi từ cạnh lưới vào nên Cường Quốc bị hòa 1-1. Thời điểm đó, giải có máy ghi hình nhưng quyết định được đưa ra là không để đội bóng, trọng tài xem lại máy quay để can thiệp vào trận đấu.
"Đại diện BTC, tôi muốn công khai xin lỗi nhưng sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết định để bảo vệ tính chất cuộc chơi, bảo vệ người chơi lẫn trọng tài nên chấp nhận im lặng. Tại buổi Gala sau giải đấu, tôi đại diện BTC công khai gửi lời xin lỗi đến các thành viên của đội Cường Quốc", Phó TGĐ Vietfootball chia sẻ.
Vượt qua khởi đầu HPL-S1, năm 2014 HPL tiến thêm một bước dài. Có 2 điểm mang tính bước ngoặt, nâng tầm sân chơi: Thứ nhất, HPL thành giải đấu đầu tiên được phát trực tiếp trên Youtube, do đơn vị sản xuất chuyên nghiệp LiveProHD thực hiện miễn phí; Thứ hai, giải không chỉ quy tụ các đội ở Hà Nội mà mở rộng ra như là giải của miền Bắc, có Văn Minh từ Vinh ra, Moon của Thanh Hóa, Q9 của Nam Định rồi màu sắc đặc biệt của Tin lớn & Anh em, H.A.T của ca sĩ Tuấn Hưng.
Quy mô, tính chất được đẩy lên, một mùa giải cực nhiều biến cố, thế nhưng đó cũng chính là bước ngoặt… Khai mạc HPL-S2 vỡ sân ACB, BTC giải chuyển gấp sang sân Bộ Công an. Lại vỡ sân, giải phải dừng 1 vòng để BTC tự chấn chỉnh. Rồi hàng loạt sự cố xảy ra, từ vụ Thăng Long phản ứng trọng tài, bỏ trận đấu và bị loại khỏi giải, đánh tụt hạng và lần đầu tiên, cách tính điểm "độc nhất, vô nhị" được áp dụng khi lấy tổng số điểm chia trung bình số trận để xác định thứ hạng.
HPL-S2 vẫn về đích, dù chỉ còn 11 đội và giải năm 2014 với quá nhiều chuyện đó lại chính là bệ phóng để HPL bước vào mùa 3 với một tâm thế khác, với sự xuất hiện của Bia Sài Gòn với mục tiêu cùng VietFootball nâng tầm sân chơi ý nghĩa, gây tiếng vang lớn này. Thành công rực rỡ khi HPL chuyển về C500, những khán đài rực lửa và những ngày Chủ nhật đúng nghĩa là lễ hội, HPL-S3 chính là tiền đề để 1 năm sau đó, giải hạng Nhất ra đời rồi sau đó là hạng Nhì để hình thành nên một hệ thống với 3 hạng đấu có lên xuống hạng, phát triển đến tận bây giờ khi HPL qua mùa 9, hạng Nhất mùa 6 còn hạng Nhì mùa 4 và từ 5-6 năm qua, HPL bán được bản quyền.
"Khó khăn thì thường người ta sẽ nói về nguồn tài chính, cách làm và cách vận hành một giải bóng đá lớn như vậy. Tôi nghĩ khó khăn nhất là khả năng thuyết phục tất cả, để "Chơi có ý thức – Chơi để tận hưởng" như Slogan của sân chơi. Bằng kinh nghiệm, tư duy, kiến thức, hiểu biết và đặc biệt là sự chân thành, đam mê cùng nguyên tắc công bằng minh bạch nhất, cơ bản chúng tôi giải quyết được những bài toán khó để tiến từng bước…", ông Phạm Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc Vietfootballchia sẻ thêm.
Từ giấc mơ phủ sóng Việt Nam đến tham vọng vươn tầm khu vực
Từ 2015 có play-off chọn suất HPL, 2016 có giải hạng Nhất và đến 2018, không có nhà tài trợ chính nhưng HPL vẫn được đưa vào TP.HCM như lời hứa, đến 2019 thì thêm khu vực miền Trung ở Nha Trang, HPL thành VPL với 3 khu vực (Vietnam Premier League) để rồi đến 2022 này, VPL mở rộng quy mô lên 5 khu vực, thêm miền Tây với Cần Thơ Premier League và Tây Nguyên là Đăk Lăk Premier League. Và không chỉ VPL là Giải vô địch Quốc gia sân 7, năm 2022 hệ thống thi đấu của VietFootball có thêm Cúp quốc gia sân 7 mang tên VSC, với quy mô 4 khu vực và vòng chung kết.
"3 mùa giải đưa vào Sài Gòn, Nha Trang thì chúng tôi làm được Giải vô địch quốc gia 7 người. Năm 2021 do dịch tất cả dừng hết, chúng tôi vẫn có thể tổ chức giải Cúp quốc gia lần đầu tiên ở Nha Trang, với 12 đội bóng đại diện Bắc Trung Nam thi đấu theo hình thức "bong bóng khép kín". Giải đấu duy nhất dám tổ chức thời điểm đó, nó là tiền đề để năm nay VPL mở rộng rồi Cúp Quốc gia mùa thứ 2 thành công. Và 2022 này, có thêm Giải bóng đá 7 người sinh viên toàn quốc và lần đầu tiên có Giải bóng đá 7 người quốc tế…", vẫn lời ông Phạm Ngọc Tuấn.
Nói là làm, ông Tuấn và các cộng sự bắt đầu chuẩn bị cho Giải bóng đá 7 người quốc tế 2022: "Bắt đầu từ các người bạn Thái Lan, họ chơi sân 7 rất phổ biến, không có mô hình chuẩn như HPL nên rất là quan tâm. Họ xem và rất thích. Chúng tôi đưa ý tưởng và phản hồi từ những người bạn, họ đánh giá cao. Mất 2 tuần để hoàn thành mọi thứ nhưng trước đấy đã có 2 tháng chuẩn bị. Thật tự hào là Vietfootball có uy tín, khi gửi hồ sơ, hình ảnh, video giải đấu, tất cả người bạn ở khu vực đều hứng thú, đánh giá cao. Và khối lượng công việc khổng lồ cho một sân chơi với tiêu chuẩn quốc tế, chúng tôi vẫn áp ứng được".
Ghost Gate FC (Thái Lan), Jcorp Data Sukan (Malaysia) và Deltras FC (Indonesia) cùng Đội tuyển chọn 7 người Việt Nam là những đội bóng "khai quốc công thần" I7C. Đây là các đội bóng đều có văn bản gửi đến Liên đoàn bóng đá quốc gia báo cáo việc đại diện thi đấu giải đấu ở Việt Nam. Bản thân Vietfootball cũng nhận được sự hỗ trợ lớn từ phía Tổng cục TDTT, Liên đoàn bóng đá Việt Nam và nhận được sự đồng ý, ủng hộ tinh thần từ Liên đoàn bóng đá châu Á và các Liên đoàn quốc gia có đội bóng tham dự.
Giải đấu kết thúc thành công rực rỡ, gây tiếng vang và ngọn lửa tình yêu với môn bóng đá 7 người được nước chủ nhà Việt Nam gửi trao cho các vị khách phương xa. Không cần những ngôi sao đến từ các siêu cường như Nhật Bản, Iran hay thậm chí là xa hơn như Tây Ban Nha, Brazil, giải đấu này vẫn mang sứ mệnh riêng.
10 năm, đó là quãng thời gian để bóng đá 7 người Việt Nam trở nên chuyên nghiệp hơn từ những sân đấu trong nước và vươn mình tới khu vực Đông Nam Á. Môn thể thao với sức sống riêng biệt này hoàn toàn có thể nghĩ đến tương lai được thừa nhận rộng rãi với lượng người chơi đông đảo hơn. Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc và xa hơn là SEA Games là tiêu chuẩn mà bóng đá 7 người Việt Nam hướng tới trong những bước phát triển thần kì nhiều năm qua.
Suraphol Jiatragul – thành viên Ban lãnh đạo Ghost Gate FC: "Bóng đá 7 người của chúng tôi không có hệ thống chuyên nghiệp như các bạn. Năm tới, đại diện Thái Lan sẽ quay trở lại Việt Nam với hình ảnh khác, mang đến nhiều ngôi sao hơn và quay lại để giành chức vô địch".
Syed Hafiz – cầu thủ và cũng là nhà tài trợ của Jcorp Data Sukan FC bày tỏ quyết tâm: "Giải đấu này chúng tôi thất bại nhưng sẽ trở lại mạnh mẽ. Các nhà tài trợ của đội đều là những doanh nghiệp lớn. Chúng tôi sẽ đầu tư và mang đến hình ảnh hoàn khác ở giải đấu năm tới".
Trang Sơn