(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 6/7/2013 trên sân Long Xuyên, chiến thắng 6-4 trước đội đầu bảng QNK Quảng Nam đã đưa HV.An Giang lên V-League. Sau 16 năm chờ đợi, qua bao nhiêu nước mắt và sự khắc khoải, An Giang đã trở lại hạng đấu cao nhất Việt Nam.
Hơn 1 năm sau, vào ngày 16/8/2014, sân Bình Dương, HV.An Giang tạm biệt V-League sau thất bại trước Cần Thơ ở trận play-off. Ít ngày sau, CLB HV. An Giang tuyên bố giải thể. Theo thông báo từ văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, đội bóng sẽ không dự giải hạng Nhất 2015 mà xin đá từ hạng Ba. Giấc mộng 16 năm tan vỡ chỉ sau một mùa giải. Nước mắt lại rơi trên sân An Giang.
Phía sau cuộc chia ly buồn ấy là cả một câu chuyện dài. Nguyên nhân đầu tiên dẫn tới thất bại của An Giang và cũng là nguyên nhân dẫn tới việc đội bóng này giải thể xuất phát từ lý do kinh tế. Theo thỏa thuận ban đầu giữa các bên liên quan, đội bóng An Giang sẽ có 40 tỷ để tham dự V-League 2014 (20 tỷ từ doanh nghiệp Hùng Vương, 16 tỷ do tỉnh An Giang chi và 4 tỷ còn lại do Sở VH,TT & DL trả). Cựu giám đốc điều hành CLB HV. An Giang Võ Hoàng Phong khẳng định: “Nếu có 40 tỷ tiền bạc đàng hoàng, chúng tôi dư sức làm bóng đá sạch.”
Nhưng tiếc cho ông Phong và cho bóng đá An Giang, 40 tỷ ấy đã không tới dễ dàng. Thỏa thuận năm 2012 của tỉnh An Giang với doanh nghiệp Hùng Vương đã vạch ra kế hoạch đầu tư thủy sản trên 40 hecta đất thuê từ tỉnh. Doanh nghiệp sẽ nuôi trồng thủy sản trên diện tích nước ấy. Dự toán ban đầu khẳng định mỗi năm Công ty Hùng Vương sẽ thu lời 20 tới 30 tỷ đồng. Số tiền đó sẽ được doanh nghiệp đầu tư trở lại vào bóng đá. Nhưng sau hai năm, kế hoạch ấy vẫn nằm trên giấy. Lô đất trên vẫn bỏ hoang, doanh nghiệp chưa được cấp phép đầu tư và tiền chưa thể chuyển về.
Hậu quả ấy, đội bóng An Giang đã phải gánh chịu ngay lập tức. Mùa giải chuyên nghiệp bắt đầu từ tháng 1 nhưng đến cuối tháng 12, tiền từ tỉnh mới rót về. Hai tháng sau đó, tiền từ doanh nghiệp mới về tới CLB. Điều đó đồng nghĩa với việc lãnh đạo CLB An Giang không có bất kỳ khoản ngân sách nào để trang trải trong 4 tháng trước mùa giải. Theo tính toán, họ cần tối thiểu 10 tỷ ở giai đoạn này để trả lương cầu thủ, lên lịch tập huấn và tiến hành chuyển nhượng. Rất nhiều cầu thủ giỏi đã tới An Giang nhưng ban lãnh đạo đội bóng không thể hứa hẹn hợp đồng vì không có tiền. Tiến trình V-League của CLB bị ảnh hưởng ngay từ những bước đầu tiên. Với những nguồn lực quá hạn hẹp và khoảng thời gian quá ngắn, HLV trưởng Nhan Thiện Nhân hoàn toàn không có lỗi trong sự sa sút thành tích của đội bóng.
Nhưng sự cố ao nuôi thủy sản chỉ là bề nổi của vấn đề. Nguyên nhân thực sự dẫn tới những khó khăn cho bóng đá An Giang nằm ở khía cạnh kinh tế. Năm 2013 là năm thứ ba liên tiếp tăng trưởng kinh tế của tỉnh An Giang không đạt mục tiêu đề ra (theo thông cáo báo chí kinh tế - xã hội 2013 của UBND tỉnh An Giang). Đạo luật nông trại mới của Quốc hội Mỹ đã gây cực kỳ nhiều khó khăn cho mặt hàng cá da trơn (cá tra, cá ba sa của An Giang). Đạo luật này đưa ra nhưng yêu cầu rất ngặt nghèo về chất lượng và sự giám sát đối với cá da trơn Việt Nam. Đó là cú đánh cực mạnh vào nền kinh tế An Giang - vốn phụ thuộc rất nhiều vào mặt hàng chiến lược này. Thoạt nghe, chuyện này có vẻ chẳng liên quan gì tới địa hạt bóng đá nhưng cần nhớ rằng những doanh nghiệp mạnh nhất ở An Giang đều có mặt hàng chính là thủy sản. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, tìm nguồn tài trợ cho bóng đá là nhiệm vụ cực kỳ nan giải.
Trong bối cảnh ấy, lãnh đạo tỉnh An Giang cũng không tỏ ra mặn mà với bóng đá, bằng chứng là việc trì hoãn kế hoạch nuôi trồng thủy sản của doanh nghiệp An Giang. Ông Phong mơ màng: “Ở thời hoàng kim, khi tỉnh An Giang họp thường vụ vào chiều thứ 7, các anh lãnh đạo tỉnh thường hủy họp. Các anh ấy nói làm việc cả tuần rồi, thôi thứ 7 đi xem đá bóng, họp chuyển sang thứ 2. Thế rồi tất cả các lãnh đạo tỉnh cùng đi xem.”
Sự đồng lòng ấy đã từng là sức mạnh đưa bóng đá An Giang trở lại giải chuyên nghiệp hồi năm 2013. Nhưng đó giờ đã là câu chuyện của quá khứ.
Quyết định giải thể của bóng đá An Giang, vì thế, chịu tác động từ hàng loạt yếu tố: thành tích kém của đội bóng, sự thờ ơ của lãnh đạo, tình hình kinh tế địa phương không tốt.
Nhưng bị loại khỏi V-League đã đành, tại sao An Giang lại bỏ cả hạng Nhất? Ông Phong chia sẻ: “Nếu đá hạng Nhất, bây giờ giải không có ngoại binh, đội sẽ chỉ sử dụng cầu thủ trẻ. Mỗi năm, chúng tôi cần 7 tới 10 tỷ và đừng đặt chỉ tiêu lên hạng. Việc đó làm được. Nhưng nếu đá mà không có mục tiêu lên hạng, cầu thủ sẽ dễ sinh tiêu cực. Còn nếu lên V-League, chúng tôi không đủ tiền nuôi đội.”
Kể cả nếu lãnh đạo tỉnh đồng ý, An Giang cũng không thể chơi giải chuyên nghiệp. Quy chế bóng đá chuyên nghiệp yêu cầu các đội bóng phải xã hội hóa và có phần lớn cổ phần từ tư nhân. Sau khi công ty Hùng Vương rút lui, không doanh nghiệp nào chịu tiếp tục đứng ra. Đối mặt với rất nhiều khó khăn, Giám đốc điều hành Võ Hoàng Phong đã cùng với HLV Nhan Thiện Nhân đồng loạt từ chức vào mùa trước. Ông Phong thở dài: “Nhiều người hỏi sao mấy anh không còn máu nữa. Tôi nói thật là tôi hết máu rồi.”
Người có tâm thì không có tiền, người có tiền thì không “máu” bóng đá. Điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, bóng tối một lần nữa lại phủ kín ngôi nhà bóng đá An Giang.
Kỳ 2: Đi tìm bản sắc đã mất
Nỗi đau của bóng đá miền Tây Sau Kiên Giang ở V-League 2013, HV.An Giang là CLB chuyên nghiệp kế tiếp giải thể. Trước đây vài ngày, Đồng Tháp - đương kim vô địch giải hạng Nhất quốc gia 2014, cũng bóng gió chuyện bỏ giải. Cả ba CLB trên đều đến từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ, nằm ngay cạnh nhau trên bản đồ địa lý, sở hữu các điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa tương đồng. Câu chuyện cá da trơn chúng ta đã đề cập ở trên không phải là chuyện của riêng một mình An Giang. Đó là câu chuyện của cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Những đạo luật chống bán phá giá của phương Tây và việc gạo Việt Nam thua thiệt trong cạnh tranh với gạo Thái Lan, Campuchia đã tác động mạnh tới kinh tế của vùng đất này. Nhìn xa hơn, chúng ta dễ dàng nhận thấy V-League không phải là sân chơi cho các tỉnh nghèo. Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Khánh Hòa, Hà Nội đều là những tỉnh lớn, kinh tế mạnh. Gia Lai và Quảng Nam là hai ngoại lệ nhưng nên nhớ, các CLB ở đây được chống lưng bởi bầu Đức và bầu Hiển. Bóng đá là bức tranh phản ánh kinh tế. Khi kinh tế không phát triển, thật khó để hy vọng bóng đá được đầu tư. |
Thanh Hà
Thể thao & Văn hóa
Tags