(Thethaovanhoa.vn) - Thế hệ cầu thủ MU năm 1992 luôn được ngợi ca bởi tài năng và những đóng góp to lớn vào các danh hiệu của CLB giai đoạn cuối những năm 90 và đầu 2000. Thế nhưng, thực tế “Quỷ đỏ” sau này còn đào tạo ra một thế hệ kiệt suất hơn thế.
Lò đào tạo trứ danh
MU hiện tại không còn duy trì được thời kì hoàng kim của mình. Cuộc chia tay với HLV huyền thoại Sir Alex Ferguson đã gây ra nhiều xáo trộn và cần nhiều thời gian hơn dự kiến để chỉnh đốn. Thế nhưng, không vì thế mà người hâm mộ quên đi những dấu ấn đỉnh cao “Quỷ đỏ” từng có được. Nổi bật hơn cả chính là cú ăn ba lịch sử mùa giải 1999-2000.
Làm nên thành công của mùa giải đó và nhiều mùa giải khác giai đoạn cuối những năm 90 của MU không thể không nhắc tới lứa cầu thủ trẻ 1992. Họ là những tài năng trưởng thành từ chính lò đào tạo của “Quỷ đỏ”.
Sau thế hệ Vàng 92, MU đã sản sinh ra nhiều cầu thủ tài năng nữa nhưng lại ít được nhắc tới. Gần đây, thế hệ 2011 với những Paul Pogba, Jesse Lingard và Michael Keane được nhắc tới thường xuyên. Tuy vậy, trước đó, “Quỷ đỏ” từng có một thế hệ kiệt suất, tài năng hơn. So về số danh hiệu giành được, thế hệ 92 cũng không thể so bì.
Thế hệ được nhắc tới ở đây chính là thế hệ 2005. Đó là thế hệ với sự góp mặt của Gerard Pique, Jonny Evans, Ryan Shawcross, Darron Gibson, Fraizer Campbell, Giuseppe Rossi và Danny Simpson. Trong thế hệ này, duy chỉ có 4 cầu thủ không có dấu ấn nổi bật trong sự nghiệp sau khi rời khỏi đội trẻ Man United, gồm: Lee Crockett, Jami Puustinen, Jamie Mullan và Sean Evans.
Thế hệ bị lãng quên
Nhắc tới Gerard Pique và những danh hiệu cùng với Barcelona, hẳn các CĐV MU luôn cảm thấy nuối tiếc một tài năng. Trong sự nghiệp của mình, trung vệ người Tây Ban Nha có tới 238 lần khoác áo đội tuyển quốc gia, vô địch La Liga, Champions League, World Cup và cả EURO. Có thể nói, anh không còn thiếu danh hiệu tập thể nào trong sự nghiệp.
Đối với tiền đạo Rossi, anh không có được tiếng tăm lẫy lừng như Pique nhưng cầu thủ này cũng là sát thủ đáng sợ tại La Liga lẫn Serie A. Anh sánh ngang với những tên tuổi khác như Romario, Bebeto, Hernan Crespo, Ivan Zamorano và Carlos Tevez để trở thành Vua phá lưới tại Olympic.
Trong khi đó, Fraizer Campell luôn là cái tên quan trọng giúp Hull thăng hạng Premier League năm 2008 và Cardiff 5 năm sau đó. Gibson giành danh hiệu Club World Cup. Và Danny Simpson vô địch Premier League (trong màu áo Leicester).
“Đó là nơi đã giúp tôi từ một cậu bé trở thành một người đàn ông. Tôi đã học hỏi được rất nhiều trong suốt 4 năm ở Man United. Nơi đây đã cho tôi những trải nghiệm thi đấu đầu tiên với những tên tuổi lớn, những cầu thủ sau này đều đã thành danh. Tôi rời bỏ gia đình và bạn bè để tìm kiếm con đường riêng cho bản thân. Và khi trở lại, tôi đã trở thành một con người hoàn toàn khác”, Pique chia sẻ về quãng thời gian tại Man United.
Mùa giải 2007-08, MU vô địch Premier League. Johnny Evans khi đó đã nhận được huy chương vô địch nhưng Pique thì không. Anh chỉ cách tấm huy chương đúng 1 trận. Pique ra sân 9 lần nhưng Premier League yêu cầu một cầu thủ phải ra sân 10 trận mới được nhận huy chương.
Thời điểm đó, trung vệ người Tây Ban Nha không được HLV Sir Alex trọng dụng. Thậm chí, ông còn đánh giá khả năng Pique thấp hơn Evans. Chính bởi lẽ đó, MU đã để Pique quay trở lại Barcelona vào mùa Hè 2008 với mức giá 4 triệu bảng.
Trước đó 1 năm, MU cũng đã để Rossi tới Villarreal với mức phí 10 triệu bảng. Tiền đạo Campell rời Old Trafford năm 2009 để tới Sunderland cùng mức phí vỏn vẹn 3,9 triệu bảng. Những sự chia tay lần lượt của thế hệ 2005 mang lại không ít sự tiếc nuối ở thời điểm đó và day dứt có lẽ tới tận thời điểm này.
Đó là một thế hệ với những tài năng lớn nhưng thật tiếc họ lại ở MU tại thời điểm có sự xuất hiện của Nemanja Vidic, Cristiano Ronaldo, Wayne Rooney, Michael Carrick, v.v… Cơ hội để Pique, Rossi hay Campell thi đấu và tỏa sáng rất ít. Nếu họ có cơ hội như thế hệ 92, biết đâu, “Quỷ đỏ” đã có thể tạo nên nhiều dấu ấn lịch sử hơn.
Quý Dậu
Tags