(Thethaovanhoa.vn) - Một kế hoạch phác thảo, tựa như "ném đá dò đường", được đưa ra với việc các giải bóng đá quốc nội sẽ trở lại vào cuối tháng 7/2021. Người trong cuộc kỳ vọng rằng, vào thời điểm đó các vấn đề liên quan đến dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát tại Việt Nam và ngoài ra, nhiều khả năng giải đấu sẽ diễn ra tập trung - dồn toa, ở một số cụm sân phía Bắc (ít nhất với V-League).
Cụ thể, sân Mỹ Đình, cụm sân Trung tâm đào tạo trẻ VFF, sân Hàng Đẫy, Phú Thọ, Nam Định, Lạch Tray, Cẩm Phả, PVF…, đủ điều kiện để tổ chức các trận đấu bóng đá chuyên nghiệp, với "Quy tắc bong bóng" được duy trì, đảm bảo. Các đội bóng sẽ di chuyển bằng đường bộ (với bán kính không quá 200km, tính từ Hà Nội) và tập trung tại khách sạn, trước và sau các trận đấu.
Trên thực tế, kế hoạch tác chiến - dã chiến kiểu này đã được lên phương án ở mùa giải năm ngoái, nhưng ơn trời, cuối cùng nhà tổ chức đã thở phào nhẹ nhõm khi bóng được phép lăn trở lại và việc điều chỉnh thể thức thi đấu (phân hạng tách nhóm) được cho là tối ưu. Chính vì tính ưu việt của thể thức này mà nó được duy trì luôn cho mùa giải năm nay và có thể cả sau này.
Bên cạnh phương án thi đấu tập trung ở một số cụm sân phía Bắc, những nhà làm bóng đá cũng đưa giải pháp tương tự, với cụm Tây Nguyên và miền Trung. Vào thời điểm cách đây một tuần, giải pháp này dễ chịu hơn, bởi khi đó miền Trung và Tây Nguyên gần như "miễn nhiễm".Nhưng ngay lúc này, từ Đà Nẵng đổ vào Phú Yên, Khánh Hòa…, đã nóng dần lên bởi Covid-19 rồi.
Chúng ta hay dùng từ "sống chung với lũ" để nói về việc phải thích nghi với bất cứ hoàn cảnh khắc nghiệt nào xảy ra. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là không có sự chuẩn bị. Bởi bóng đá, chiến thuật chuẩn bị là rất quan trọng.
Những ngày qua, VPF và cao hơn là VFF đã vận động các CLB tiêm chủng vacxin Covid-19, để sẵn sàng cho việc thay đổi phương án tác chiến ngay trong mùa dịch. Đấy là một trong những việc cần làm ngay và là bước đi đầu tiên quan trong nhất trong "chiến thuật chuẩn bị".Bóng đá Việt Nam hẳn đã học được rất nhiều từ AFC, qua loạt trận Vòng loại World Cup 2022 vừa rồi.
Theo thông tin ban đầu, SEA Games 2021 dự tính được lùi lại cho đến tháng 4/2022, điều đó giúp cho bóng đá nội dễ thở chút xíu. Các kế hoạch của các ĐTQG từ nay đến cuối năm, chỉ còn lại Vòng loại thứ 3 FIFA World Cup 2022, Vòng loại U23 châu Á và AFF Suzuki Cup 2020, vốn đã được dời lại từ năm ngoái. Việc tổ chức thi đấu giải cấp đội tuyển không khó như giải VĐQG.
Tuy nhiên, có một khả năng mà HLV Park Hang Seo cần phải tính tới, đấy là thời điểm tập trung của ĐTQG cho chiến dịch Vòng loại cuối cùng FIFA World Cup, nhiều khả năng sẽ trùng với 2 chiến dịch còn lại là AFF Suzuki Cup và Vòng loại U23 châu Á. Đã có mách nước rằng, ông Park hoàn toàn có thể dùng đội hình U23 cho 2 giải đấu cấp thấp hơn, và ưu tiên ĐTQG cho Vòng loại FIFA World Cup 2022, nhiều khả năng sẽ thi đấu tập trung.
Trong quá khứ, không hiếm các nền bóng đá khu vực cử đội bóng trẻ tham dự sân chơi khu vực vốn dĩ dành cho ĐTQG. Thái Lan hay Indonesia là 2 trong số này. Thậm chí mới đây, Indonesia gần như đã cử đội hình U23 đá Vòng loại FIFA World Cup 2022 ở UAE. Tất nhiên, giữa việc họ đã chắc chắn bị loại và các kế hoạch chuẩn bị cho tương lai của bóng đá vạn đảo là có.
Chúng ta không xem nhẹ bất cứ giải đấu nào, song cũng không cần phải lên gân tất cả các hạng mục giải đấu, khi được phép chọn và phải chọn. Bóng đá nội vẫn phải lăn trở lại và đi đến kết thúc, đó là bắt buộc. Và ĐTQG lúc này cũng cần được ý thức các giá trị về thương hiệu và thương mại, khi chúng ta đã ở tầm châu lục rồi, đã ngửi được mùi World Cup rồi. Không thể dễ dãi!
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
CCKM
Tags