Bóng đá phải thuộc về cộng đồng!

Thứ Sáu, 06/04/2018 11:24 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Khái niệm “bóng đá cộng đồng” lâu nay được hiểu đơn giản khu biệt cho trẻ em, kỳ thực nó là vấn đề xã hội, là tương lai của nền bóng đá.

Khách mời của Thể thao & Văn hoá tuần này là HLV Nguyễn Đức Thắng (Trung tâm H.Y.S - Hanoi Youth Soccer), anh Nguyễn Hoài Nam (Người sáng lập và điều hành Trung tâm Bóng đá trẻ em VietGoal) và HLV Đoàn Hoàng Sơn của S&A Academy.

* Thể thao & Văn hoá: Từ phát kiến đến quá trình thực hiện các lớp bóng đá cộng đồng, là cả một quá trình, dám nghĩ và dám làm. Tại sao và như thế nào, các anh lại có suy nghĩ này, nó không giống với tâm lý chung của xã hội, với ngay cả địa hạt bóng đá thường có thói quen gửi con em đến các lò đào tạo. Thậm chí xã hội hiện đại ngày nay, các bậc phụ huynh chỉ hướng con em đến các Trung tâm ngoại ngữ, các lớp học thêm, thay vì các hoạt động ngoại khoá ngoài trời, mà điển hình là các lớp bóng đá kiểu “vui là chính”. Họ sợ con em mình chấn thương, ốm đau, với trò chơi bị cho là “vô bổ”?

Chú thích ảnh
Phóng viên Trần Hải

- Anh Nguyễn Hoài Nam: Bóng đá dành cho trẻ em là một sự lựa chọn rất tốt về thể thao, nhất là đối với trẻ em thành thị khi quỹ thời gian và không gian sống bị hạn chế. Có những em nhỏ cả ngày, cả tuần và cả tháng di chuyển từ những nơi có điều hòa nhiệt độ này sang nơi có điều hòa nhiệt độ khác bằng những phương tiện cũng có... điều hòa nhiệt độ.

Có những thói quen tốt hay được gọi bằng mỹ từ là “kỹ năng sống” rất dễ được rèn luyện khi chơi thể thao – đặc biệt là bóng đá, như khả năng thích ứng với mọi loại thời tiết, sự tự tin khi tiếp xúc đám đông, biết “ngã chỗ nào đứng dậy chỗ nấy”, biết cách tận hưởng thành công cũng như cách đón nhận những thất bại – điều thường xảy ra trong cuộc sống nhưng mọi người hay né tránh… Tôi cho rằng, các lớp bóng đá cộng đồng ngoại khoá đáp ứng đủ các nhu cầu thời đại của con em thị thành và cả nông thôn vốn bị đô thị hoá chóng mặt sau này. VietGoal không đi tiên phong, mà tiếp nối và phát huy những điểm mạnh của mình.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Hoài Nam

- HLV Nguyễn Đức Thắng: Sau một thời gian dài ấp ủ, năm 2012, tôi cùng với Minh Đức và Danh Minh (vốn toàn là dân cầu thủ và chung một đam mê) thành lập H.Y.S (Ha Noi Youth Soccer) với mong muốn mang đến một sân chơi cho các em nhỏ trên địa bàn Thủ đô, để từ đó khơi gợi đam mê bóng đá của các em (kể cả phụ huynh), tạo ra một cộng đồng để các em được vui chơi với quả bóng sau giờ học... Ngoài việc học kỹ năng với trái bóng, thông qua những buổi học các em còn được các thầy trong Trung tâm giáo dục những kỹ năng mềm trong cuộc sống như: Tinh thần cao thượng “thắng không thỏa mãn - bại không nản chí”; tinh thần làm việc tập thể, “biết giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với bạn bè - người thân”; học hỏi từ những thần tượng trong thể thao và cuộc sống, đặc biệt không nói tục và chửi thề.

Những ngày đầu rất khó khăn trong việc tổ chức, quản lý, do vậy việc cần thiết phải tạo sân chơi quy củ có tổ chức và nhân rộng mô hình bóng đá cộng đồng đến với mọi người. Thứ 2, việc tập luyện phải phân bổ nhiều nơi cho từng khu vực dân cư sinh sống để thuận tiện cho việc đưa đón các em. Và thứ 3, việc đào tạo - cấy những HLV không chuyên đứng lớp cũng rất nhiêu khê.

Chú thích ảnh
HLV Nguyễn Đức Thắng

Ngoài ra việc hỗ trợ các phụ huynh có con em tập luyện trong Trung tâm biết thêm những kinh nghiệm, kiến thức trong việc nuôi dạy và phát huy thế mạnh của con trong việc hình thành tính cách..., cũng là một tiêu chí khác.

- HLV Đoàn Hoàng Sơn: S&A Academy (Học viện bóng đá Sơn và Apisit) được thành lập ra là do Sơn và người bạn Thái Lan Apisit Khaikaev cùng có ý tưởng giống nhau. Apisit từng chơi bóng tại Việt Nam một thời gian và có tình cảm cũng như mối quan hệ đặc biệt với mảnh đất này. Hai anh em muốn có trung tâm bóng đá cộng đồng nho nhỏ, tạo sân chơi cho các bé qua lại Việt Nam và Thái Lan để thi đấu giao lưu cùng nhau, học hỏi và nếu được, sẽ phát triển cùng nhau. Chỉ thế thôi.

Hiện tại, sau 2 năm hoặc động S&A Academy có khoảng 50 cầu thủ nhí. Sắp tới đây S&A sẽ mở thêm ở thành phố Long Xuyên, An Giang, chứ không chỉ có TP.HCM và Bangkok. Các lớp dạy vào các buổi sáng thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần.

Chú thích ảnh
HLV Đoàn Hoàng Sơn

* Thể thao & Văn hoá: Sau thành công của bóng đá trẻ Việt Nam vài năm gần đây, các anh có thấy một phần đóng góp nhỏ bé của mình trong đó? Chúng tôi cho rằng, việc phát triển các lớp bóng đá cộng đồng rộng khắp cả nước, cũng là một cách làm dầy thêm chân đế cho nền bóng đá Việt Nam non trẻ. Đây là một công việc hoàn toàn tích cực, nhưng cần sự tỉ mỉ, với trẻ em như “búp trên cành” không cẩu thả được, không chỉ nghĩ đến mỗi lợi nhuận.

- Anh Nguyễn Hoài Nam: Mục tiêu tìm kiếm tài năng cho bóng đá Việt Nam là có thật, nhiều người nói cho nó to tát, nhưng nhìn nhận thực tế tính khả thi là cực thấp đối với trẻ em thành thị. Cuộc sống, thói quen vận động, không gian sống khiến các em không thể nào có nền tảng thể lực bằng trẻ em ở những miền quê, miền núi. Một mặt do những câu chuyện về tính cạnh tranh cực cao, tuổi nghề thấp, tương lai bấp bênh khiến phụ huynh thành thị chỉ mong con có môi trường vận động để vui, khỏe, có sức học tập tốt chứ không mong muốn con mình phấn đấu để trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc có thêm nhiều trẻ em chơi bóng đá sẽ tạo ra những thế hệ mới mạnh khỏe hơn, thể hình tốt hơn, hiểu bóng đá hơn rồi từ đó vẫn cho nhiều hơn hy vọng cho nền bóng đá nước nhà, ở nhiều góc độ - không chỉ là trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, ví dụ trở thành người hâm mộ có hiểu biết, khán giả trung thành hay những nhà đầu tư bóng đá ở nhiều cấp độ.

VietGoal hiện đã có hơn 2000 trẻ em được tập luyện một thứ bóng đá tử tế thường xuyên, với hàng chục Trung tâm - cơ sở. Chúng tôi cũng tạo ra công việc cho nhiều cầu thủ chuyên nghiệp sau khi treo giày. Hiện có hơn 50 HLV là các cựu tuyển thủ quốc gia, có đến nửa đội hình thế hệ vàng của bóng đá nữ Việt Nam tham gia huấn luyện thường xuyên tại đây. Đây thực sự là những nguồn tài nguyên quý của xã hội, nếu không khai thác thì sẽ vô cùng lãng phí.

Chú thích ảnh
Bóng đá cộng đồng đang ngày càng được xã hội quan tâm ủng hộ. Ảnh: Nam Liêm

Đừng nhốt trẻ em trong phòng máy lạnh

- HLV Nguyễn Đức Thắng: Bóng đá cộng đồng là nhu cầu bắt buộc phải có với một nền bóng đá chuyên nghiệp. Nó tồn tại để phục vụ nhu cầu cho chuyên nghiệp và phục vụ nhu cầu của xã hội phát triển. Đối với bóng đá chuyên nghiệp không có đế rộng và chuyên thì không thể có chóp tốt và chuyên được.

Thời điểm những năm 2005- 2008, sau nhiều năm làm năng khiếu, tôi nhận thấy có quá ít sân chơi dành cho các em nhỏ so với thế hệ trước. Việc các Trung tâm đào tạo hay CLB phải đi tuyển sinh khắp mọi nơi như Thể Công - Viettel để chọn lọc học viên trên cả nước là một việc không phải tốt, đặc biệt là ảnh hưởng “quá trình phát triển tâm lý lứa tuổi thiếu nhi”.

Thực sự mà nói, về tư duy và khả năng phát triển xa thì trẻ em thành phố nhỉnh hơn so với nông thôn. Tuy nhiên, thành thị lại quá ít sân chơi và chúng tôi nghĩ đến việc tạo ra các sân chơi cho các em, nâng cấp năng lực chơi bóng cho các em có nguyện vọng và năng khiếu thực sự. Kinh nghiệm cho thấy, khu thị thành không hề thiếu các em nhỏ có kỹ năng và nguyện vọng chơi bóng.

- HLV Đoàn Hoàng Sơn: S&A Academy không được đẻ ra chỉ để thu phí học viên, mà như tôi đã nói, chúng tôi muốn tạo ra một sân chơi chưa có tiền lệ. Apisit có mối quan hệ rất tốt với cộng đồng bóng đá trẻ em bên Thái nói riêng và với bóng đá Thái Lan nói chung, khi anh từng là cựu tuyển thủ và trợ lý HLV ĐTQG Thái Lan, nên rất thuận lợi. Năm ngoái, chúng tôi đã cho các lớp Việt Nam và Thái Lan qua lại giao lưu - thi đấu đến gần 10 lần tổng cộng, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các bậc phụ huynh. Họ, phần lớn đều theo chân con em mình đi giao lưu, lại tạo ra những “cộng đồng phụ huynh Việt - Thái” khác, rất thú vị.

Chúng tôi chưa nghĩ đến việc đào tạo nâng cao, nhưng sắp tới đây, đội ngũ HLV sẽ chọn lọc và chuyên tu - nâng cấp cho các em có năng khiếu, để “đánh giải” ở Thái Lan và cả Việt Nam. Không biết chừng thần đồng bóng đá chẳng lại được phát hiện ở đây (cười).

* Thể thao & Văn hoá: Giai đoạn thu và làm giàu trên ví tiền của phụ huynh học sinh, xem như bỏ qua, chúng tôi muốn lắng nghe tham vọng thực sự của các anh, trong việc phát triển các Trung tâm bóng đá cộng đồng?

- HLV Nguyễn Đức Thắng: Một điều tôi cũng rất muốn khuyến khích và thúc đẩy nhiều “CLB - cá nhân” thành lập các “Trung tâm - đội" là để tạo một chân đế thật rộng cho bóng đá Việt Nam, đấy là tham vọng lớn nhất. Tôi đã nghiên cứu và muốn đưa format của H.Y.S vào TP.HCM chạy, nhưng chưa phải thời điểm. Sắp tới, tôi sẽ hợp tác toàn diện với trường Đại học TDTT nhằm nâng cao kiến thức cho đội ngũ sinh viên sắp ra trường hiểu biết hơn về huấn luyện bóng đá cộng đồng và tổ chức các giải đấu ở mọi lứa tuổi..., để từ đó, bóng đá cộng đồng trở thành một thói quen, một món ăn không thể thiếu.

- Anh Nguyễn Hoài Nam: VietGoal đã và đang là Trung tâm Bóng đá trẻ em lớn nhất Việt Nam về số lượng học viên và đương nhiên cả số lượng giảng viên, nên tôi chỉ tham vọng duy trì lợi thế ấy. Chúng tôi sẽ phát triển nguồn lực - tài nguyên sẵn có, chứ không dừng lại. Ví như ngay lúc này, tôi hạn chế thời gian cho facebook, với những câu chuyện vô bổ, để tập trung phát triển VietGoal. Tôi cũng đang chuyên tu tập gym, để có một cơ thể đẹp, bởi tôi không muốn các HLV và học viên của mình, nhìn vào mình rồi cười mỉm. Tôi thật!

- HLV Đoàn Hoàng Sơn: Về tham vọng, cho phép Sơn giữ bí mật, bởi Sơn còn đối tác bên Thái cần phải bàn bạc và thông qua. Tuy nhiên, S&A Academy chắc chắn sẽ giúp cho mối quan hệ bóng đá trẻ em Việt Nam - Thái Lan phát triển hơn.

* Xin cảm ơn và chúc các anh thành công!

Tùy Phong (thực hiện)

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›