(Thethaovanhoa.vn) - Không dễ để những người Hồi giáo, những người da màu… kiếm được tấm thị thực Pháp. Nhưng mọi thứ lại trở nên dễ dàng hơn nhiều nhờ bóng đá.
1. Tại World Cup 2014, Juergen Klinsmann đã gây tranh cãi khi triệu tập 5 cầu thủ nhập tịch vào ĐT Mỹ. Tuy nhiên với một quốc gia đa tạp về chủng tộc, nơi mà chính những người nhập cư đã thành lập nên đất nước thì không quá khó hiểu cho sự việc này. Một đứa trẻ sinh ra tại Mỹ sẽ mặc nhiên được mang quốc tịch Mỹ mà không quan tâm bố mẹ nó là ai.
So với Mỹ, Pháp có một chính sách cứng rắn hơn về vấn đề người nhập cư. Chính phủ Pháp đã có những nỗ lực ngăn chặn làn sóng nhập cư trái phép từ châu Phi hay các quốc gia Ả-rập. Trẻ con sinh ở đất nước hình lục lăng sẽ chỉ được mang quốc tịch Pháp nếu có bố hoặc mẹ là người Pháp.
Tuy nhiên do niềm đam mê bóng đá từ lâu đời, chính phủ Pháp lại mở cửa cho những tài năng bóng đá nước ngoài. Có rất ít cầu thủ Pháp “thuần chủng” trong thành phần ĐTQG. Thay vào đó, trụ cột của Les Bleus là Zinedine Zidane, con của một cặp vợ chồng người Algeria; Marcel Desailly sinh tại Ghana, hay Patrice Evra được sinh ra ở Senegal…
2. Toàn cầu hóa là xu hướng tất yếu của thời đại ngày nay và bóng đá cũng nằm trong quy luật ấy. Giải Ngoại hạng Anh ngày nay là nơi hội tụ của anh tài khắp 5 châu. Năm 2012, người ta thống kê được có 244 cầu thủ từ 51 quốc gia khác nhau chơi bóng ở Premier League và Arsenal là đội bóng đa dạng về sắc tộc nhất: 32 cầu thủ của họ mang 19 quốc tịch khác nhau.
Thế nhưng chính người Anh lại rất kém cởi mở với vấn đề cầu thủ nhập tịch. Jack Wilshere, một cầu thủ Anh “thuần chủng” từng thẳng thắn rằng: “Chỉ có người Anh thực thụ mới nên chơi cho đội tuyển Anh”. Dĩ nhiên là Wilshere sau đó đã bị chỉ trích nặng nề, bị xem là kẻ phân biệt chủng tộc, là bài ngoại… Hay như HLV Fabio Capello trong thời gian dẫn dắt ĐT Anh dự World Cup 2010 cũng lên tiếng chỉ trích ĐT Đức vì “chứa chấp” quá nhiều cầu thủ gốc Thổ Nhĩ Kỳ”.
“Những CLB giàu mạnh luôn săn lùng và ăn cướp các tài năng mà không để tâm đến hậu quả gây ra cho các đội tuyển. Các cầu thủ ấy đều được cấp hộ chiếu mới”, Capello nói. HLV người Italy kịch liệt phản đối tình trạng các quốc gia giàu có lôi kéo tài năng của các nước nghèo và dụ dỗ họ đổi quốc tịch. Ông từng gửi văn bản lên UEFA để nhấn mạnh: “Cầu thủ có thể được mua, đặc biệt khi họ xuất thân từ nước nghèo. Tôi phản đối chuyện này. UEFA cần phải ra luật để chống lại nó”.
3. Nhưng không thể chỉ trích những cầu thủ tời từ châu Á, châu Phi, Đông Âu hay Trung Mỹ vì từ bỏ nguồn gốc của mình. Thay vì phải chơi ở những giải đấu tẻ ngắt và chẳng mấy ai xem như CAN, Gold Cup, Asian Cup, AFC Champions League…, họ có thể tham dự Champions League, EURO, World Cup… để nổi tiếng hơn và kiếm nhiều tiền hơn.
Một trận chung kết CAN (giải vô địch châu Phi) hiếm khi được phát sóng ở Mỹ và Tây Âu, những thị trường giàu có nhất. Ngược lại, một trận đấu vòng bảng Champions League hay EURO cũng được phủ sóng toàn cầu. Người xem truyền hình cũng là người tiêu dùng, mà người tiêu dùng thì luôn chọn sản phẩm chất lượng tốt nhất. Tất cả đều hiểu rằng những cầu thủ giỏi nhất sẽ thi đấu ở Champions League, EURO và World Cup.
Lý do khiến các cầu thủ từ bỏ nguồn gốc của mình và chọn một đội tuyển mới là bởi họ cảm thấy được đãi ngộ. Họ có tiền và được trân trọng tài năng. Bản chất của quá trình nhập tịch nằm ở đó. Đừng nói đến những thứ trừu tượng như tình yêu Tổ quốc hay lòng trung thành trong thế giới này.
Bích Ngọc
Thể thao & Văn hóa
Tags