(Thethaovanhoa.vn) - Không có nhân vật nào giúp chúng tôi thỏa mãn các vấn đề liên quan đến bóng đá TP.HCM nói riêng và “chiến sự” đang nóng bỏng của bóng đá Việt Nam nói chung, Thể thao & Văn hóa quyết định phỏng vấn một… con đường. Con đường bóng đá, con đường ngập lụt, vẫn phải oằn mình bị giày xéo và gánh những vết- sẹo- niềm- tin trên vai.
- HLV Hữu Thắng khen Công Vinh chuyên nghiệp, CLB TP.HCM phủ nhận thông tin giải thể
- HLV Hữu Thắng làm Chủ tịch CLB TP.HCM
- HLV Hữu Thắng và cuộc 'cách mạng' nếu về FLC Thanh Hóa
Dưới đây là cuộc đối thoại giả tưởng giữa phóng viên Thể thao & Văn hóa, với con đường bóng đá đầy chông gai trước mặt.
* Thể thao & Văn hóa: Trong vòng chưa đầy 12 giờ đồng hồ hôm qua (24/5), đã xuất hiện những thông tin trái chiều về việc giải thể CLB TP.HCM, nếu nhà tài trợ của đội bóng này không nhận được quyền lợi thỏa đáng từ lãnh đạo thành phố. Mà quyền lợi ở đây là việc khai thác bảng biển quảng cáo trên một số tuyến đường trung tâm của TP.HCM. Chuyện mặc cả này nghe quen tai quá…
- Con đường: Vài năm trước, XMXT Sài Gòn giải tán – bỏ giải ở 2 lượt trận cuối V-League, vì bất phục với các quyết định của BTC giải đấu, nhưng nói thẳng ra, là họ không cảm thấy thỏa mãn với các hạng mục dự án đầu tư (kinh tế), khi đưa đội bóng từ Hà Tĩnh vào đây, nhập khẩu với cái tên Xi măng Xuân Thành - Sài Gòn, hay Sài Gòn - Xuân Thành. Trước đó, Navibank Sài Gòn cũng bị "bức tử", sau 3 năm, kể từ thời điểm sang nhượng suất chơi V-League của Quân khu 4… Kể ra thì nhiều lắm, nhiều người trách tại… con đường cũng đúng thôi. Cũng là do TP.HCM chưa có một lộ trình làm bóng đá bài bản, tử tế. Việc nhập khẩu các đội bóng về dưới mái nhà của bóng đá TP.HCM, như trường hợp mới nhất là Sài Gòn FC, không phải là giải pháp hay. Các giá trị truyền thống, niềm tự hào vùng miền – bản địa vốn rất quan trọng, khó thể gây dựng từ những cuộc mua bán, trao đổi hay sang nhượng kiểu này.
Về trường hợp của CLB TP.HCM, tôi tin là sẽ không có chuyện giải thể đội bóng đâu (Công ty CP phụ trách CLB đã phát đi thông báo “nói lại cho rõ” trong chiều qua (24/5) rồi còn gì), nhưng "bỏ của chạy lấy người", chuyển hướng đầu tư thì có thể. CLB TP.HCM là cái tên miền cuối cùng còn tồn tại của địa phương giàu truyền thống bóng đá bậc nhất này. Tôi tin rằng còn có nhiều doanh nghiệp khác muốn nhảy vào đầu tư – phát triển bóng đá thành phố, chứ chẳng riêng gì nhà tài trợ hiện tại mà đem ra dọa nhau hay mặc cả.
* Khi người ta không cảm thấy thỏa mãn với những hứa hẹn, những giao kèo, thì việc thôi hợp tác là chuyện bình thường. Trước đây vài tuần, quyền Chủ tịch Lê Công Vinh và CLB TP.HCM cũng đã đường ai nấy đi. Anh nói là “chuyển hướng đầu tư” có nghĩa là nhà tài trợ chính của đội bóng đá có dự án khác?
- Phải, đấy là CLB đang chơi ở giải hạng Nhì quốc gia 2018, đội Bà Rịa – Vũng Tàu. Tôi nghe nói, công ty mẹ Bình Minh Group đã và đang thực hiện những dự án bất động sản ở Bà Rịa – Vũng Tàu và nghiễm nhiên, bóng đá địa phương này trở thành một công cụ, hay phương tiện thì đúng hơn. Để tôi nói cho anh nghe, trong vụ này, nghe đồn Lê Công Vinh cũng ấm ức lắm. Anh ấy được biết đến như một tổng công trình sư của bóng đá Bà Rịa – Vũng Tàu, từ khi còn chơi giải hạng 3, setup tất cả từ BHL, đến các cầu thủ và cải tạo SVĐ, nhưng khi hết giá trị sử dụng, Vinh bị đẩy ra. Công Vinh cũng chỉ là người đi làm thuê, nhưng “qua cầu rút ván” kiểu này, kể cũng cay lắm chứ.
Tân Chủ tịch CLB TP.HCM là ông Nguyễn Hữu Thắng, sẽ tổng quản phụ trách cả các tuyến đào tạo trẻ, với các Học viên liên kết với CLB Juventus và Barcelona, sẽ được xây dựng tại Bà Rịa – Vũng Tàu trong thời gian tới đây, khi được giao đất. Điều đó cũng có nghĩa rằng dự án mở Học viện và xây SVĐ ở Quận 2 (TP.HCM), gần như đã phá sản. Chuyện chuyển hướng là như thế đấy.
* Báo chí tốn quá nhiều giấy mực với các vấn đề liên quan đến CLB TP.HCM, trong khi thành phố mình còn một đứa con khác là CLB Sài Gòn. Chuyện con đẻ, con nuôi là có thật?
- CLB Sài Gòn vốn đã không được ý thức như một phần của bóng đá thành phố, kể từ khi chuyển từ Hà Nội vào đây và đặc biệt sau những biến cố ở thượng tầng. Như tôi đã nói, chẳng có tương lai nào cho các vụ mua bán – chuyển nhượng đội bóng cả. Hơn 10 năm trước, Khách sạn Khải Hoàn bán cho Đá Mỹ Nghệ Vạn Chinh chơi giải hạng Nhất, rồi cũng mất tích; Ngân hàng Đông Á chuyển giao cho Đồng Tâm Long An, rồi di ra tận Ninh Bình, cũng đã giải thể. Hệ thống lại, thì đấy là một chuỗi những câu chuyện buồn của bóng đá Việt Nam nói chung, chứ chẳng riêng gì TP.HCM, ở kỷ nguyên chuyên nghiệp. Ông Vinh “Tàu” (chuyên gia bóng đá Nguyễn Văn Vinh) từng chả bảo, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thực ra là phong trào hưởng lương cao. Ở thượng tầng người ta chẳng đang đấu đá, đánh nhau túi bụi đấy thôi.
CLB Sài Gòn vẫn đang âm thầm, còm cõi để tạo công ăn việc làm cho mấy chục con người ở đó, sau khi một số nhà tài trợ chính đã bỏ đi. Họ còn tồn tại ngày nào, thì cần được chăm sóc – quan tâm ngày đó, dù đội bóng này chỉ phục vụ một nhúm khán giả trong các trận đấu trên sân nhà Thống Nhất. Nói chung, còn sống là còn hy vọng.
Ghế của Toshiya Miura tạm an toàn, nhưng Phi Sơn thì…
* Thể thao & Văn hóa: Tại lễ xuất quân mùa giải 2018 tại KS Rex, cựu danh thủ Lê Công Vinh - khi ấy còn ngồi trên ghế quyền Chủ tịch CLB từng hứa với các cấp lãnh đạo đội bóng, cũng như nhà tài trợ và cả lãnh đạo các Sở ban ngành TP.HCM, về mục tiêu tốp 3 đội dẫn đầu tại V-League năm nay. Nhưng xem chừng, mục tiêu này xa vời quá, với màn thể hiện nghèo nàn và chuỗi 3 trận toàn thua gần nhất, thưa anh?
- Đấy là chuyện Công Vinh hứa, chứ HLV Toshiya Miura hay cầu thủ có hứa đâu. Ông Miura khi phát biểu với báo chí rằng, ông sẽ không ngừng nỗ lực, cùng với cầu thủ, để đạt thành tích tốt nhất, nhưng trong hợp đồng của ông với CLB, không có điều khoản ràng buộc nào phải lọt vào tốp 3 đội dẫn đầu cả?! Nói đến đây, anh đã biết ai mới là người việt vị rồi chứ gì.
Theo tìm hiểu của tôi, một điều khoản rất đáng chú ý khác giữa cựu HLV trưởng ĐTQG Toshiya Miura với đội bóng là: Nếu bên nào đơn phương chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, bên đó sẽ phải đền bù toàn bộ tiền lương – thưởng và thu nhập tăng thêm. Lương của ông Miura bây giờ là 18 ngàn USD/tháng đấy.
* Điều đó cũng có nghĩa rằng, sẽ không bao giờ có chuyện tân Chủ tịch CLB Nguyễn Hữu Thắng sẽ kiêm nghế lái trưởng của đội bóng, khi Toshiya Miura còn tại vị. Tôi được biết, tính cách tuyệt vời của đàn ông Nhật Bản là không bao giờ lùi bước, không bao giờ đầu hàng số phận hay nghịch cảnh. Chắc chắn Toshiya Miura sẽ không từ chức, dù thành tích của đội bóng có tệ đến đâu?
- Anh hỏi, mà coi như đã trả lời (cười). Thân tôi ngày ngày phải oằn mình với bao điều, từ ngập nước, đến kẹt xe, khói bụi và cả chuyện cướp giết – đâm chém nhau, nên tôi hiểu. Trung tâm Thể thao Công an TP.HCM, nơi CLB TP.HCM đóng quân và tập luyện đã không yên ả, từ trước và sau khi Lê Công Vinh thôi chức vụ quyền Chủ tịch đội bóng, thậm chí là trước khi Toshiya Miura về đây. Thời ông Alain Fiard, cầu thủ đánh nhau như cơm bữa và Alain không thể làm chủ tình hình, vì ông quá hiền đến độ nhu nhược. Alain Fiard là một thầy giáo, một chuyên gia đào tạo trẻ, nên dễ thông cảm. Nhưng Toshiya Miura thì khác.
Ban đầu, Công Vinh là muốn HLV Henrique Calisto về nắm đội, còn Miura chỉ là lựa chọn thứ 2. Nhưng ông Calisto hét lương cao quá, lên đến 30 ngàn USD/tháng, thậm chí hơn. Cân-đo-đong-đếm, cuối cùng lãnh đạo đội bóng, ở đây là nhà tài trợ chính – Bình Minh Group, đã chọn Toshiya Miura, vì ông chỉ yêu cầu khoản lương thấp hơn nhiều, như tôi đã nói. Dù có mối quan hệ sư đồ và rất thân thiết trước đó, nhưng nếu Công Vinh nghĩ rằng có thể kiểm soát ông thầy dưới quyền của mình tại CLB TP.HCM, thì anh ấy đã sai lầm. Miura là một người làm việc có quan điểm, cứng rắn và đôi khi bảo thủ. Ông ấy nghe, nhưng bỏ ngoài tai những điều mà ông cho rằng không đúng với chức năng, quyền hạn, hoặc đơn giản là không thích bị chỉ đạo. Thế là có Toshiya Miura thì không có Công Vinh và ngược lại. Chuyện đến lúc này thì hai năm rõ mười rồi.
Phân nửa đội hình CLB TP.HCM dính chấn thương, đấy là một trong những lý do cơ bản, khiến thành tích của đội bóng đi xuống. Phương pháp huấn luyện đề cao tính chiến đấu, ngay cả trong các buổi tập, của ông Miura rõ là có vấn đề kể từ khi ông còn nắm các ĐTQG Việt Nam. Một số cầu thủ ngôi sao của CLB TP.HCM đang không tìm được tiếng nói chung với ông thầy. Và tôi dự đoán đến một cuộc đào thoát hàng loạt, với ngay cả ngôi sao tiền tỷ vừa tậu về như Phi Sơn, sớm thì trước lượt về V-League 2018, còn muộn là khi mùa giải năm nay hạ màn.
Tất nhiên, nếu Hữu Thắng thế chỗ Miura thì câu chuyện lại có thể khác. Khi hữu sự, mới biết đâu là đá, đâu là vàng, mới biết được quyết tâm thực sự của nhà tài trợ chính, có tiếp tục gắn bó với đội bóng nữa hay không.
* Cảm ơn anh về cuộc trao đổi, với rất nhiều các bí mật được hé lộ một cách thẳng thắn, không lòng vòng.
Tùy Phong (thực hiện)
Tags