Thông tin từ VFF cho biết, HLV Mai Đức Chung sẽ tiếp tục cầm quân ở đội tuyển nữ Việt Nam. Không biết nên vui hay nên buồn. Tin tưởng ông Chung "xe ca" là một chuyện, nhưng không lẽ chúng ta không còn một chọn lựa an tâm nào khác để ông Chung có thể an lòng mà ngơi nghỉ tuổi xế chiều của nghiệp cầm binh
Người tài đi vắng
Hai chiến dịch không thành công lần lượt của U19 Việt Nam và đội tuyển nữ quốc gia diễn ra trong một thời gian ngắn, có thể chỉ là một sự trùng hợp tình cờ nhưng nếu đi sâu vào từng kết quả cụ thể, thì không phải không có những vấn đề mang tính hệ thống đáng để các nhà quản lý bóng đá Việt Nam lưu tâm.
Trước hết, cần phải nhìn nhận là bóng đá Việt Nam đang khủng khoảng HLV nội. Công lao của HLV Mai Đức Chung thì không phải bàn, nhưng ông đã lớn tuổi, lại có ý chia tay bóng đá, vậy mà chưa thấy có một kế hoạch nào thay thế.
Việc ông tiếp tục cầm quân ở World Cup nữ vào năm sau, không nên xem là một niềm vui. Nhận việc đó, tức là ông Chung rất dũng cảm khi biết rằng các thất bại kiểu như thua Pháp 0-7 mới đây, rồi sẽ diễn ra ở sân chơi cao nhất về đẳng cấp thế giới. Trân trọng quyết định của ông Chung là một chuyện, nhưng để một tượng đài như ông phải gồng gánh trách nhiệm sau tất cả các đóng góp gần 2 thập niên qua liệu có phải là điều đúng đắn?
Với đội U19 cũng vậy, HLV Đinh Thế Nam hồi đầu năm cầm đội U23 và đoạt chức vô địch U23 AFF Cup. Theo lẽ thường thì ông phải được “cơ cấu” tiến lên thay vì tụt lại nắm U19. Giữa 2 lứa tuổi này có sự khác nhau rất lớn về bản chất huấn luyện. U19 là chưa từng đá bóng chuyên nghiệp, chỉ vừa mới hoàn hành công tác đào tạo, các yếu tố tâm lý và tư duy chiến thuật chỉ mới manh nha.
Trong khi đó, lứa U23 là những cầu thủ đã trải qua khâu tiếp cận chiến thuật, mục đích chính là rèn giũa, trải nghiệm đỉnh cao, bao gồm các “mánh khóe” trong thi đấu. Việc “ bắt” một HLV ở U23 xuống làm U19 là không hợp lý.
Vậy phải chăng chúng ta không có hệ thống HLV nội được dự phòng sẵn, đến mức phải dùng một người nắm nhiều đội có sự khác nhau về mục đích thi đấu. Trường hợp HLV Nguyễn Quốc Tuấn đang nắm đội U16 cũng tương tự, ông này vốn là cựu thủ môn của HAGL, cách đây 4 năm từng cầm đội U23 nhưng chẳng hiểu sao giờ lại nắm đội thiếu niên.
Nên nhìn lại chính mình
Không nên quá nặng nề về 2 thất bại của U19 và đội tuyển nữ vì trước sau gì thất bại cũng sẽ đến. Nhưng cũng đừng xem nhẹ bởi đã có những vấn đề không nhỏ đã xuất hiện, mà nếu không nhìn nhận đúng mức thì đến một lúc chúng ta sẽ không kịp trở tay vì thiếu sự chuẩn bị.
Hãy nhìn vào các kết các trận đấu. Lần đầu tiên chúng ta nhận thất bại, tệ hơn là một tỷ số thua đậm đà đến như vậy trước Malaysia trong khuôn khổ giải U19 Đông Nam Á. Với đội tuyển nữ, thua Myanmar còn hiểu được nhưng thua Philippines đó là một cú sốc.
Đó đều là những đội bóng bị đánh giá thấp hơn, thường xuyên thất bại trước Việt Nam. Có 2 lý do: Hoặc đối thủ đã mạnh hơn và hoặc là chúng ta không đánh giá đúng thực tế.
Chưa tiến bộ hơn, mà đã cảm thấy hài lòng, đã là điều không nên. Chưa kể, các đối thủ của chúng ta tại Đông Nam Á cũng đâu có đứng yên. Thực tế là tại 4 giải vô địch khu vực (AFF Cup) gần nhất, thì đội tuyển Việt Nam, U19 và đội tuyển nữ đều không vào được chung kết, chỉ thắng được ở giải U23 vốn bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19. Xét về mặt thành tích thì không thể nói là bóng đá Việt Nam đang là số 1 của khu vực.
Dù không muốn, hoặc có thể xem các kết quả ấy là “tai nạn”, nhưng cũng cần phải nhìn thẳng vào sự thật, đó là chúng ta không hoàn toàn vượt trội. Không ai thắng mãi và thất bại đôi khi còn có giá trị hơn là chiến thắng.
Tuy nhiên, nếu chúng ta thua một đối thủ mạnh hơn, hoặc do đội bạn có tiến bộ quá nhanh, thì điều đó sẽ thúc đẩy chúng ta nỗ lực hơn. Ngược lại, nếu để thua vì sự tự mãn, vì không có thái độ thi đấu tốt, không còn nỗ lực, thì không ổn một chút nào. Người ta thường nói: lên đỉnh đã khó, giữ đỉnh còn khó hơn.
Vậy thì các nhà điều hành bóng đá cần phải nhìn lại đôi chân của mình. Các thất bại nói trên không khiến chúng ta hoảng loạn, nhưng cũng đủ để xác định bóng đá Việt Nam thực ra chỉ mới đứng đầu khu vực Đông Nam Á, vẫn còn một chặng đường rất dài, những ngọn núi lớn châu lục ở phía trước.
Chúng ta còn quá nhiều việc phải làm, làm sao có thời gian để tận hưởng bất kỳ thứ gì. Nếu ngay lúc này, không còn một sự cố gắng, không chuẩn bị hệ thống kế thừa từ cầu thủ đến HLV thì câu chuyện ở tương lai quả thật rất mông lung.
Ở một góc nhìn chuyên môn, có thể thấy những nền bóng đá được xem là cạnh tranh như Thái Lan, Indonesia đều chưa có tiến bộ gì đáng kể. Nhưng ngay bây giờ, việc thắng họ cũng đã là không dễ dàng.
Trong khi đó, sau một giai đoạn 3-4 năm thăng hoa, trước sau gì bóng đá Việt Nam cũng sẽ có chiều hướng đi xuống theo quy luật tự nhiên, không thể tránh khỏi. Mục tiêu của bóng đá Việt Nam trong 10 năm tới là đều đặn tham dự World Cup ở các đội tuyển, nên sự sa sút hiện nay dù chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn nhưng nó cũng ẩn chứa các mối nguy không nhỏ.
Long Khang
Tags