(Thethaovanhoa.vn) - “Giấc mơ World Cup của các các đội tuyển Đông Nam Á”, đấy là tiêu đề bài viết đăng trên tờ New Straits Times của Malaysia gần đây. Ngoài nội dung phân tích, dự đoán cơ hội của bóng đá Đông Nam Á tại vòng loại FIFA World Cup 2022 còn nhấn mạnh đến những điểm yếu cũng như công tác đào tạo trẻ của những quốc gia trong khu vực.
“Ở Đông Nam Á, hầu hết các cầu thủ trong độ tuổi từ 13 đến 17 đều bị bỏ bê do các câu lạc bộ không có đào tạo cấp cơ sở. Tuy nhiên, Việt Nam lại có một trong những lò đào tạo tốt nhất châu Á, Học viện HAGL Arsenal JMG”, tờ New Straits Times đưa ra nhận xét cụ thể hơn như thế khi nói về một trong yếu tố mang lại thành công cho bóng đá Việt Nam trong thời gian gần đây.
Ajitpal Singh-tác giả bài viết cũng bày tỏ sự ghi nhận với bóng đá Việt Nam với tư cách là một “đại gia mới nổi" của bóng đá châu Á. Những thành tích nổi bật trong thời gian gần đây của của đội tuyển quốc gia hay các cấp đội tuyển trẻ là minh chứng rõ nét nhất cho sự phát triển mạnh mẽ này.
Hẳn nhiên, lời khen của bạn bè quốc gia dành cho bóng đá nước nhà cùng HAGL và bầu Đức là xác đáng nếu đúc kết, nhìn lại thành công đã có gần trong hơn 2 năm trở lại đây. Nhưng nếu để nói rằng chỉ riêng HAGL góp công hay bóng đá Việt chỉ có mỗi mình bầu Đức đào tạo con người e rằng khập khiễng.
Nếu chúng ta ghi nhận nhiều đóng góp của ông chủ HAGL bằng lối đi của riêng mình từ nhiều năm qua thì cũng phải trân quý những tâm huyết từ các ông bầu khác, trung tâm khác vẫn đang miệt mài đi chung con đường gầy dựng, phát triển bóng đá Việt.
Nhìn từ HAGL
Nhìn từ lời khen, sẽ thấy được một bầu Đức (Đoàn Nguyên Đức) từ nhiều năm qua đã ôm ủ giấc mơ đi xa trên con đường làm bóng đá. Có thể, ngày đặt nền móng cho Học viện HAGL JMG ông bầu cá tính này nhắm đến dự định khác nhưng dù sao, qua quá trình cũng đủ để tạo ra những con người chất lượng cho ngày hôm nay.
Hay câu chuyện HLV Park Hang Seo bén duyên cùng bóng đá Việt vẫn được coi như công đầu thuộc về bầu Đức, dù ngày thân chinh sang Hàn Quốc “kéo” bằng được ông Park về còn có cả những cộng sự ở VFF. Đó được coi như sự hữu duyên đầy may mắn cho bóng đá nước nhà tìm lại niềm tin khi đã chạm đáy thất vọng ở vào thời điểm đó.
Khách quan nhìn nhận, trong quá trình vươn mình của bóng đá Việt Nam từ ngày HLV Park Hang Seo đặt chân đến đây,những cầu thủ xuất thân từ lò đào tạo của HAGL-JMG khóa I có vai trò đáng kể. Ông Park vẫn luôn có được niềm tin dành cho những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Thanh, Văn Toàn, Hồng Duy... Thực tế, niềm tin của ông Park không sai khi học trò đã không phụ lại gửi gắm, tin cậy của thầy mình.
Có thể, bây giờ HAGL đang gặp nhiều lao đao ở sân chơi trong nước nhưng mỗi lần đội tuyển quốc gia hội quân khó sót những cái tên này. Cũng cần biết rằng, hôm nay trong nhiều khó khăn về kinh tế, bầu Đức vẫn tiếp tục đầu tư cho các lứa kế tiếp ở Học viện của mình. Mới nhất, những cầu thủ khóa 4 của lò đào tạo HAGL-JMG đang để lại ấn tượng ở những giải trẻ quốc gia.
Nhưng bóng đá Việt đâu chỉ mỗi bầu Đức
Ghi nhận những đóng góp để nói rằng bầu Đức là “người mở đường” với những đột phá hơn 10 năm trước từ ngày cho ra đời học viện HAGL-JMG là không sai nhưng chưa đủ. Bầu Đức được nhìn nhận như người tiên phong trong đào tạo trẻ, còn để thành công như đã có hôm nay, đóng góp từ những con người chung đường trên hành trình đó, không ít.
Trên thực tế, phải khẳng định thế này, bây giờ ngoài lò đào tạo HAGL-JMG, bóng đá Việt Nam hiện có nhiều trung tâm đào tạo chất lượng như VPF, Hà Nội hay Viettel. Có thể chưa đạt đến độ quy củ nào đó theo đúng những chuẩn mực nhưng sản phẩm đầu ra không hề kém cạnh. Chính từ những nguồn cung cấp này, chúng ta có thêm cầu thủ có tiềm năng, chất lượng. Nói thế để thấy, bóng đá Việt Nam đang xây dựng được các thế hệ cầu thủ đan xen, nối tiếp nhau từ rất nhiều tiền của, công sức, tâm huyết của những ông bầu, những trung tâm khác, chứ không chỉ HAGL.
Bầu Hiển (Đỗ Quang Hiển) là một chân dung rõ nhất khi ông không tiếc nguồn lực vun vén cho bóng đá. CLB Hà Nội đang gặt hái nhiều thành quả nhưng đó đâu phải thành quả chỉ riêng mỗi Hà Nội FC. Với sự đầu tư của mình, bầu Hiển đã tạo ra được "lò" T&T của Hà Nội khi thu hút, quy tụ được nhiều lứa măng non ở khắp các vùng miền. Lò đầu tạo T&T luôn kết nối, cộng hưởng, giúp sức hay thu về những nguồn nhân lực cầu thủ trẻ từ các trung tâm như Viettel, Ninh Bình hay PVF.
Nếu HAGL tự hào với lứa Tuấn Anh- Công Phượng- Xuân Trường thì Hà Nội FC cũng nở mày nở mặt với những cầu thủ mình vun vắn lâu nay. Duy Mạnh, Đình Trọng, Hùng Dũng, Quang Hải hay Đoàn Văn Hậu, thành công thời gian qua không thể thiếu những đóng góp của những cái tên đó.
Làm bóng đá, đào tạo hay thành quả có được không bao giờ là đủ nhưng bây giờ trong một định mức nào đó, có thể bầu Hiển đã mỉm cười được với lứa cầu thủ mà mình dốc sức, dồn công chăm bẵm. Lứa cầu thủ này vẫn đang quần tụ trong “kỷ nguyên” ông Park để đã, đang và sẽ tiếp tục có được những đóng góp tiếp theo.
Ra đời muộn hơn các lò đào tạo trẻ khác, nhưng PVF được nhìn nhận như lò đào tạo có cơ sở vật chất hiện đại nhất. Đặc biệt khi PVF đầu tư 35 triệu USD xây dựng Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ đồng bộ, hiện đại nhất khu vực, đã làm thay đổi cơ bản nhận thức và giải pháp trong huấn luyện cầu thủ trẻ, trong đó tập trung vào khoa học dinh dưỡng, kỹ chiến thuật – được coi là những giải pháp căn cơ cho một nền bóng đá phát triển. PVF không chỉ đào tạo ra lứa cầu thủ chất lượng, đủ đức đủ tài mà còn trở thành điểm tập luyện thường xuyên của các ĐTQG.
Bàn tay luôn 5 ngón…
Thành công của bóng đá nước nhà trong gần 3 năm qua không của riêng ai hay chỉ là công trạng của cá nhân nào. Ở đó, có những mở đường từ bầu Đức, chung tay của bầu Hiển cùng những lò HAGL-JMG, Hà Nội, PVF hay Viettel kết nối, cộng hưởng. Quá trình lột xác vượt bậc, vươn mình cho đến hôm nay ghi nhận ở yếu tố được coi như may mắn khi có được ông Park Với tài năng, tính cách cùng tư duy của mình, ông Park như sinh ra để dành cho bóng đá Việt Nam.
Nói gì thì nói, để có một đội tuyển quốc gia mạnh, phải có hệ thống đào tạo trẻ rộng về lượng, dày về chất. Chính sự phát triển nhanh, có chiều sâu của các học viện, các lò đào tạo trẻ trên cả nước đã giúp bóng đá Việt Nam xuất hiện nhiều lứa cầu thủ triển vọng,chuyên nghiệp.
Suy cho cùng, công sức không chỉ riêng ai khi chúng ta ghi nhận, trân quý tất cả những đóng góp vun vầy từ các ông bầu, những trung tâm đào tạo. “5 ngón trên một bàn tay”, ví von như thế từ hình ảnh này để thấy được thành công của bóng đá Việt nằm ở câu chuyện siết chặt tay nhau trên những đóng góp vào con đường phát triển bóng đá nước nhà.
Dù không giành được chức vô địch, nhưng cả hai đội bóng là U19 HAGL 1 và U19 HAGL 2 có thành tích tốt tại giải U19 quốc gia 2020 và điều này khiến đội bóng phố Núi hy vọng về nối dài sức mạnh bằng lứa trẻ có chất lượng hơn, thực lực hơn. So với các đàn anh, U19 HAGL hiện tại không được đánh giá cao như nhưng họ va đập sớm hơn, thi đấu thực tế nhiều hơn. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với các lò đào tạo khác như PVF, Viettel, Hà Nội… việc U19 HAGL 2 năm liền vào chung kết U19 là thành công đáng ghi nhận. Ngoài ra,lứa U19 HAGL hiện tại đi trên con đường rất khác với lứa đàn anh nổi tiếng và cũng chịu ít sức ép hơn, điều đó tốt cho họ trên chặng đường trở thành những cầu thủ chuyên nghiệp sau này. |
Trần Tuấn
Tags