Mỗi nền bóng đá hay mỗi ĐTQG đều trải qua những giai đoạn thăng trầm. Bóng đá Việt Nam cũng không thể tránh khỏi điều đó. Quãng chững lại hiện tại báo hiệu nhiều khó khăn cho tương lai. Vậy nên, chúng ta cần định vị lại chỗ đứng, gia cố nền tảng, khơi dậy nội lực để chuẩn bị cho một chu kỳ phát triển mới.
1. Khi ĐTQG vẫn đang trong quá trình trẻ hóa, còn lứa U23 Việt Nam chuẩn bị bước vào sân chơi châu Á, chúng ta nhận diện rõ hơn về "bức tranh" tổng thể của bóng đá nước nhà. Ở đó, thế hệ "vàng" dù có người đang ở độ tuổi chín muồi nhưng đã có dấu hiệu chạm ngưỡng, khó để vượt giới hạn, trong khi lứa trẻ chưa kịp "chín" để gánh vác cùng đàn anh.
HLV Philippe Troussier cho rằng bóng đá Việt Nam đang thiếu lứa kế cận đủ tầm để vạch ra chiến lược dài hơi hướng đến sân chơi châu Á cũng như thế giới. Những chia sẻ đầy thẳng thắn của ông Troussier đủ để chúng ta suy ngẫm.
Trong bóng đá, khái niệm "thế hệ vàng" nhằm chỉ một lứa cầu thủ tài năng rực rỡ, đồng đều cấp đội tuyển lẫn cấp CLB. Ở một nền bóng đá đẳng cấp, tần số xuất hiện "thế hệ vàng" luôn gần nhau.
Với bóng đá Việt Nam không thể đòi hỏi vào điều đó. Tài năng bóng đá như "lúa trời", cầu thủ bóng đá phải có năng khiếu thiên phú nên không phải lúc nào cũng xuất hiện. Nhiều khi phải mất chục năm, thậm chí hơn, mới "phát lộ" được vài cá nhân xuất sắc. Còn để một lứa cầu thủ giỏi đồng đều thì càng hiếm.
Dễ thấy, hiện nay, công tác đào tạo trẻ ở một loạt các CLB, trung tâm đang rơi vào thời điểm khó khăn. Bởi, các CLB hoạt động phụ thuộc vào tài chính doanh nghiệp, họ chưa lo nổi mình, nói chi đầu tư mạnh cho bóng đá.
Chưa kể, đào tạo trẻ đã khó cộng thêm các em ít có cơ hội thi đấu, cọ xát. Mỗi năm chỉ các giải U, thi đấu quốc tế quá hạn chế. Ở mỗi CLB, cầu thủ trẻ hiếm người được trao cơ hội. Vậy nên, khi lên đội tuyển, việc ráp nối, định hình chiến thuật mất rất nhiều thời gian.
2. Đến đây, chúng ta sẽ thấy một điều: làm bóng đá khó áp đặt ý chí, khẩu hiệu. Ngoài câu chuyện kinh phí, còn rất nhiều tiêu chí đi kèm để hình thành nên giá trị của mỗi đội bóng. Ở đó, phải xây dựng được bản sắc, truyền thống bóng đá, cùng với đó là ý thức cầu thủ.
Đấy là những yếu tố hết sức quan trọng để phát triển bóng đá một cách bền vững. Trong 23 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, chúng ta đã mất đi rất nhiều giá trị truyền thống tốt đẹp.
Hàng loạt CLB biểu tượng đã bị giải tán, rồi đổi tên đến nay đã không còn hồn cốt nữa. Vậy nên, không dễ để cho ra lò những lứa cầu thủ chất lượng, chơi bóng đầy nhiệt huyết và tử tế.
Tổng hòa những yếu tố đó, sẽ thấy đào tạo trẻ có dấu hiệu đi xuống, không còn "rầm rộ" như cách đây vài năm. Chính thành công của lứa cầu thủ được dự U20 World Cup 2017 đã niềm cảm hứng mạnh mẽ cho đào tạo tạo trẻ của bóng đá nước nhà.
Bóng đá Việt Nam đã có giai đoạn nở rộ những trung tâm đào tạo trẻ nổi danh như Hà Nội, PVF, HAGL, Viettel hay SLNA. Bây giờ, những trung tâm đó vẫn tồn tại nhưng lại chưa thể sản sinh lứa cầu thủ giỏi có đẳng cấp tiệm cận đàn anh.
Các cấp độ U17, U19, U20 quốc gia hiện tại đều thiếu gương mặt nổi trội. Những gì đã có của bóng đá Việt Nam giai đoạn 2018-2022 gắn liền với thế hệ cầu thủ sinh năm 1995-1997-1999. Một thế hệ tốt cùng một HLV phù hợp đã giúp bóng đá Việt Nam tạo nên lịch sử. Nhưng cũng vì thế mà chúng ta ngộ nhận sức mạnh của mình, để rồi khi hạn chế đã bộc lộ ra thì giờ phải đi lại từ đầu.
Bức tranh hiện tại của bóng đá Việt Nam đang cho thấy có sự chuyển giao. Để cái sau phát triển hơn cái trước, buộc nền bóng đá phải nâng tầm. Và để làm được điều đó, đầu tư về mặt con người vẫn luôn được ưu tiên. Nhưng trên hết, cả hệ thống bóng đá cần sự kiên định, phát triển đồng đều từ giải VĐQG, CLB đến ĐTQG.
Chẳng có con đường nào là dễ dàng nếu như bóng đá Việt Nam và mỗi cầu thủ Việt không tự hun đúc lòng dũng cảm, quyết tâm dấn thân, chinh phục những đỉnh cao mới. Việc tin tưởng, kiên định vào hướng đi trong giai đoạn chuyển giao bản lề là con đường duy nhất để bóng đá Việt Nam đi tiếp hành trình.
Tags