Bóng đá Việt Nam: Truân chuyên chữ chuyên nghiệp

Thứ Năm, 14/12/2023 06:55 GMT+7

Google News

Bóng đá nước nhà đã phát triển mạnh nhưng vẫn tồn tại không ít bất cập. Lúc này, khi đối diện với bối cảnh kinh tế khó khăn, những hạn chế cố hữu đó có dịp trồi lên.

Quan sát thời gian gần đây, có nhiều đội bóng phải vật lộn với những khó khăn nhất định. Không chỉ thiếu kinh phí trong mua sắm, bổ sung lực lượng, có CLB còn gặp phải những vấn đề nội bộ như nợ lương, thưởng, hội CĐV giải thể.

Vấn đề muôn thủa vẫn ở chuyện "đầu tiên- tiền đâu". Sẽ khiên cưỡng khi áp đặt rằng cách làm bóng đá ở Việt Nam có xu hướng "ăn xổi", nhưng việc hầu hết các CLB đều sống dựa vào "bầu sữa" của doanh nghiệp, nhà tài trợ khiến họ luôn bị đặt trong tình thế bấp bênh, "ăn bữa này đã lo cho bữa kế tiếp".

Đó là chưa kể đến việc một số "ông bầu" đầu tư vào bóng đá rất tùy hứng, thích thì theo, không thích thì nghỉ, hoặc dọa bỏ giải.

Lâu nay, bức tranh chung của V-League là các đội bóng phụ thuộc vào "bầu sữa" của những nhà tài trợ. Đa số các Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp hiện nay đều chỉ tồn tại về danh, còn thực là hoạt động theo mô hình cũ. Họ phụ thuộc tất cả vào ngân sách nhà tài trợ rót xuống, cùng một ít từ ngân sách địa phương. Nhiều CLB chưa đủ tiêu chuẩn AFC nhưng đành phải cho hoạt động.

Chúng ta vẫn hay nói vui rằng bóng đá Việt Nam chuyển đổi cung cách hoạt động sang chuyên nghiệp nhưng cũng chỉ sống với mô hình mang tên gọi quen thuộc "bao cấp" mà thôi. Nếu trước đây là "bao cấp" từ Nhà nước ở mỗi địa phương thì hôm nay chuyển sang được doanh nghiệp "bao cấp" với tên gọi như Công ty cổ phần trực thuộc chẳng hạn.

Truân chuyên chữ chuyên nghiệp - Ảnh 1.

Than Quảng Ninh từng là hiện tượng của V-League nhưng cuối cùng đội bóng phải giải thể sau khi không còn nhà tài trợ. Ảnh: Hoàng Linh

Hẳn nhiên, tất cả đều biết điều này sẽ không xây được nền móng cơ bản cho quá trình tổ chức, hoạt động để phát triển nhưng rất khó để đổi thay bởi đơn giản bóng đá của chúng ta chưa tự nuôi được chính mình. Doanh nghiệp nếu gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh thì các ông chủ cũng sẽ phải dè xẻn đồng tiền của mình lại. Nhiều CLB đã quen sống từ "hơi thở" đến từ túi tiền của ông bầu bơm vào trong bối cảnh này sẽ phải "hắt hơi, sổ mũi" ngay. Hệ lụy nảy sinh và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động là điều mà các CLB sẽ phải đối mặt như một thách thức không nhỏ.

Cũng có những doanh nghiệp tự tìm đến đội bóng với những quan hệ theo kiểu "có đi có lại" để hài hòa lợi ích của mình chứ chưa hẳn là đầu tư vào đấy nhằm tạo ra những giá trị cao hơn theo đúng tôn chỉ, mục đích ban đầu. Đấy là còn chưa kể nhiều đội bóng còn nhập nhằng mô hình hay cơ chế hoạt động khi chưa tách bạch, phân minh giữa cái gọi là doanh nghiệp hay địa phương để biết ai sẽ làm việc gì cho mỗi đội bóng. Vậy nên, khi đội bóng có "biến" sẽ vừa "níu áo" ông bầu, vừa 'than thở" cùng lãnh đạo địa phương thông qua cơ quan quản lý như Sở VH&TT chẳng hạn. Đặc thù chuyên nghiệp của bóng đá ở ta cứ luẩn quẩn như thế.

Rất nhiều địa phương đã phải trả giá đắt do giao phó hết cho các ông bầu nhảy vào tài trợ, không chịu đầu tư đào tạo trẻ. Khi doanh nghiệp đột ngột quay lưng thì mọi chuyện đã muộn. Nhiều người hẳn còn nhớ đến Quảng Ninh, cũng thăng hoa nhiều thời điểm. "Đùng một cái", mùa giải 2021, khi doanh nghiệp trả lại cho tỉnh thì đội bóng đã phải giải thể.

Cách làm của nhiều đội bóng là vung tiền mua cầu thủ giỏi khắp nơi về hòng đạt thành tích nhất thời, đánh bóng tên tuổi. Khi kết quả không như mong muốn, họ sa sút cả tinh thần cùng sự nhiệt tình đầu tư. Đấy không phải là cách làm bóng đá "thật". Khi doanh nghiệp đột ngột quay lưng thì mọi chuyện đã muộn.

Do đó, một CLB vững mạnh phải căn cứ vào 3 tiêu chí cốt lõi: Nền tảng đào tạo trẻ; tiềm năng tài chính; sự tâm huyết của các ông chủ được kiểm định trong thời gian dài. Tóm lại, cách làm bóng đá "thật" cần được thực hiện một cách nghiêm túc nhất để V-League ngày càng được nâng cao chất lượng. 


Trần Tuấn

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›