Bóng đá Việt Nam và những 'điểm mù' cần giải tỏa

Thứ Sáu, 22/03/2024 13:07 GMT+7

Google News

Đội tuyển Việt Nam đang có những trận đấu quan trọng với Indonesia, quyết định đến khả năng đi tiếp tại vòng loại World Cup 2026 và có một chi tiết rất quan trọng liên quan đến những trận đấu này, đó là việc niềm tin vào đội tuyển chưa bao giờ lung lay nhiều đến thế trong hơn 5 năm qua. Đa số nghĩ rằng đó là vấn đề của HLV Philippe Troussier, nhưng điều đó liệu có đúng?

1. Hãy bắt đầu từ chuyện 3 đội bóng Hà Nội FC, CAHN và Thể Công Viettel "tranh" nhau quyền làm chủ nhà sân Hàng Đẫy (Hà Nội). Không bàn chuyện ai nên ở, ai cần đi vì mỗi đội bóng đều có lý lẽ riêng, mà điều đáng chú ý trong câu chuyện này đó là 3 đội đã sử dụng chung 1 sân suốt hơn một năm qua.

Về khía cạnh kỹ thuật, thì bằng cách nào đó các nhà tổ chức vẫn có thể sắp xếp lịch thi đấu để các đội có thể sử dụng sân cho mỗi vòng đấu, nhưng chẳng cần tính toán gì phức tạp, thì chắc chắn sẽ có nhiều vòng đấu mà 2 đội nào đó sẽ đá sân nhà trong cùng một vòng. Tức là hôm nay đá, ngày mai sân Hàng Đẫy lại phải tiếp tục "cày" và tất nhiên là "cày" từ tuần này sang tuần nọ.

Tiêu biểu như vòng 10 và 11 của V-League vừa qua, chỉ trong vòng 5 ngày mà sân bóng già cỗi này phải tổ chức 3 trận đấu. Hãy hình dung nếu trời mưa suốt tuần thì liệu mặt sân có hiện đại đến mấy liệu có chịu nổi hay không? Và hãy hình dung tiếp, nếu Hà Nội có thêm 1-2 đội hạng Nhất cũng đăng ký sử dụng sân Hàng Đẫy thì… như thế nào?

Nghĩa là chẳng cần đến những ràng buộc, quy định của AFC thì chuyện 1 sân mà 3 đội dùng chung trong cùng một giải đấu là bất khả thi về lý thuyết. Làm sao có thể set-up gian hàng bán vật phẩm lưu niệm, hệ thống bảng quảng cáo, bán vé sớm cho CĐV… để phục vụ cho hoạt động kinh doanh riêng của CLB, chỉ trong vài tiếng đồng hồ sau trận đấu của một đội bóng khác?

Làm sao có thể bảo đảm tiêu chuẩn sân thi đấu chỉ với một khoảng thời gian quá ngắn trong trường hợp có sự cố xảy ra ở trận đấu diễn ra chưa đến một ngày trước? Hoặc đơn giản hơn, đội trước đá ngay hôm trời mưa, mặt sân trở nên rất xấu và khiến đội đá ở ngày hôm sau thua trận thì biết… đổ thừa cho ai?

Chúng ta tạm gọi đó là "điểm mù" của bóng đá Việt Nam. Rõ ràng, ngay khi CAHN còn đá tại giải hạng Nhất lúc mà họ còn mang tên CAND thì chuyện họ có thể dùng chung sân Hàng Đẫy là có thể dự liệu được.

Rồi họ thăng hạng, đá sân Hàng Đẫy, và việc duy nhất để… lăn tăn đó là xếp lịch thi đấu sao cho 3 đội cùng dùng chung. Không ai quan tâm đến những tiêu chuẩn tối thiểu của một CLB chuyên nghiệp cũng như khả năng "chịu tải" của sân Hàng Đẫy. 

Bóng đá Việt Nam và những "điểm mù" cần giải tỏa - Ảnh 1.

Chuyện 3 đội bóng Hà Nội FC, CAHN và Thể Công Viettel “tranh” nhau quyền làm chủ nhà sân Hàng Đẫy là bằng chứng cho thấy bóng đá Việt Nam vẫn chưa chuyên nghiệp thật sự. Ảnh: Hoàng Linh

Thế nên khi AFC "tuýt còi" mới phải ngồi lại để… cãi nhau, đơn giản vì không có CLB nào lường trước tình huống này. Cũng đồng nghĩa là suốt hơn một năm qua, hình như chẳng có CLB nào cảm thấy mình bị ảnh hưởng trong hoạt động kinh doanh do dùng chung sân cả. Nói "điểm mù" là vì thế!

2. Indonesia quyết liệt sử dụng chính sách nhập tịch cầu thủ hòng để nâng chất lượng thật nhanh cho đội tuyển quốc gia. Phương pháp này thực ra không hay ho cho lắm dù về lý thuyết là không sai. Nhưng ít ra, bóng đá Indonesia cũng đã gián tiếp thừa nhận họ không trông đợi quá nhiều vào triển vọng phát triển nội lực từ hệ thống bóng đá trong nước.

Bóng đá Việt Nam vẫn có chủ trương chọn lọc các cầu thủ Việt kiều để phục vụ cho đội tuyển quốc gia nếu họ có quốc tịch Việt Nam, nhưng chúng ta không quyết liệt như Indonesia vì tin rằng việc xây dựng đội tuyển từ nền tảng nội lực mới là căn cơ.

Vấn đề nằm ở chỗ đó. Về lý thuyết, để đội tuyển mạnh thì mô hình kim tự tháp – Tháp bóng đá phải chuẩn. Nghĩa là số lượng cầu thủ trẻ phải đông đảo, các giải đấu U cùng hệ thống những giải cấp thấp như bán chuyên, hạng Ba, hạng Nhì phải rất nhiều và thi đấu quanh năm.

Cái này có tỷ lệ, thước đo cả. Xác suất để có 1 tài năng quốc tế từ bao nhiêu cầu thủ U15 được đào tạo chính quy, là có thể tính toán được dựa trên công nghệ và quy trình đào tạo. Người ta không tính trên qui mô dân số, mà tính trên số cầu thủ trẻ, cầu thủ đăng ký thi đấu chuyên nghiệp hay số CLB có đăng ký hoạt động bóng đá thường xuyên với Liên đoàn bóng đá quốc gia.

Đây cũng là một dạng "điểm mù" khác của bóng đá Việt Nam. Chúng ta chọn phương pháp phát triển nội lực chứ không trông đợi vào nguồn lực ngoại, nhưng lại không thể tiêu chuẩn hóa "tháp bóng đá" dù biết rõ nếu thiếu nó thì khó mà có được một đội tuyển đủ khả năng vươn tầm.

Những con số liên quan đến chất và lượng của phần bên dưới kim tự tháp luôn thấp hơn kỳ vọng và không có nhiều dấu hiệu tăng trưởng, mà tiêu biểu là số trận đấu tuổi U hay giải hạng Ba, hạng Nhì. Cho dù có nở rộ trung tâm đào tạo, tuyển sinh "khủng", mà không có các giải đấu phù hợp thì cũng chẳng giải quyết được gì.

3. Người viết có tiếp xúc từ đầu với ông Kamaguchi, một giáo viên bóng đá người Nhật Bản, sang Việt Nam hồi năm 2019  và mở trường dạy bóng đá theo phương pháp luyện kỹ năng sống thông qua chơi bóng đá. Kamaguchi cho biết hằng năm có hàng trăm giáo viên như ông ra trường và tham gia vào công tác huấn luyện bóng đá theo nhiều cách khác nhau, tuỳ vào những nội dung mà họ học, nhưng chủ yếu vẫn là các công việc cộng đồng, đào tạo kỹ năng chơi bóng để phát triển đam mê cho trẻ em.

Số lượng các "thầy bóng đá" này càng nhiều thì số cầu thủ trẻ cũng sẽ nhân lên theo cấp số, điều tương tự là số lượng CLB cộng đồng, phong trào và những giải đấu cấp thấp.

Câu chuyện của Kamaguchi rõ ràng không có gì đặc biệt. Cũng như chuyện cái sân dùng chung cho 3 đội bóng, hay hệ thống "tháp bóng đá" bóng dưới, teo tóp bên trên, đó đều là những thứ không khó để thấy nhưng… vẫn là "điểm mù", ít được đề cập đến khi bàn về việc loay hoay tìm kiếm lối chơi do cuộc khủng hoảng chất lượng cầu thủ trên đội tuyển quốc gia.

Thế nên, kết quả 2 trận đấu với Indonesia hay triển vọng tiến sâu ở vòng loại World Cup 2026 thực ra không phải là vấn đề lớn của bóng đá Việt Nam. Chúng ta vẫn còn thời gian, cơ hội để sửa chữa mọi thứ, miễn là phải tìm cách giải tỏa các "điểm mù" cho dù nhiều thứ trong số đó tồn tại do yếu tố lịch sử, thời cuộc. 

Nhập tịch để phát triển bóng đá không phải là câu chuyện mới của làng cầu Đông Nam Á. Một trong những quốc gia đi tiên phong trong chính sách nhập tịch cầu thủ là Singapore. Đội tuyển quốc gia đảo quốc Sư tử từng nổi tiếng về nhập tịch thể thao, thông qua "Chương trình Tài năng Thể thao nước ngoài" (FST), hay còn được biết đến qua tên gọi ban đầu "Dự án Cầu vồng".

Chương trình FST được Liên đoàn Bóng đá Singapore (FAS) áp dụng từ 2000. Năm 2002, đội chào đón các "ngoại binh" Mirko Grabovac (Croatia), Egmar Goncalves (Brazil), Daniel Bennett (Anh). Tiếp đó là bộ đôi Agu Casmir và Itimi Dickson (Nigeria). Không chỉ bóng đá, nhiều môn thể thao khác như bóng bàn, cầu lông, bóng rổ, bơi… cũng sử dụng các VĐV nhập tịch nhằm cạnh tranh thành tích ở đấu trường quốc tế.

Bóng đá Malaysia cũng có thời điểm nhập tịch ồ ạt. Mohamadou Sumareh (Gambia), Romel Morales (Colombia), Stuart Wilkin (Anh), Endrick (Brazil), Brendan Gan (Australia), Natxo Insa (Tây Ban Nha) là những thành viên chủ chốt của đội tuyển Malaysia ở Asian Cup 2023.

Một đội bóng khác trong khu vực là Philippines cũng đẩy mạnh việc nhập tịch cầu thủ trong thời gian gần đây. Thực tế, sau khi có cầu thủ nhập tịch, cả tuyển quốc gia nam và nữ Philippines đều trở thành những đội bóng mạnh của Đông Nam Á. Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Philippines còn tham dự World Cup 2023 cùng tuyển nữ Việt Nam. Với đội tuyển bóng đá nam, nguồn cầu thủ nhập tịch đến chủ yếu từ Đức (Manny Ott, Stephan Schrock, Mike Ott, Patrick Reichelt, Kevin Ingreso); một số khác đến từ Tây Ban Nha (Bienvenido Maranon, Carli de Murga).

Dù vậy, chính sách nhập tịch này cũng không mang lại bước đột phá lớn nào hơn cho bóng đá nam Singapore, Malaysia hay Philippines, ngoài 1 số thành tích trong khu vực. Vì thế, việc Indonesia gọi ồ ạt các cầu thủ nhập tịch vào giai đoạn này vẫn là dấu hỏi lớn.

 

Long Khang

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›