(Thethaovanhoa.vn) - Bóng đá Việt Nam có những “vùng trắng” nhưng ở đó, luôn tồn tại nhân tài. Vấn đề với những nhà tuyển trạch bóng đá là làm sao để không bị sót những “viên ngọc” đó.
Cách đây ít ngày, trên trang facebook cá nhân, tiền vệ Phạm Đức Huy đã đăng tải bức ảnh với 4 đồng đội khác đang tập trung ở tuyển Việt Nam cùng dòng chú thích “tổ Hải Dương xa quê”. Ngoài Huy “Ả rập”, còn có bốn tuyển thủ khác là Tiến Linh, Văn Toàn, Vũ Văn Thanh, Hoàng Đức.
Họ đều đến từ Hải Dương, nơi được xem là “vùng trắng” bóng đá khi không có đội bóng chuyên nghiệp. Đây không còn là điều mới mẻ bởi không chỉ Hải Dương, các địa phương khác cũng có những cá nhân ưu tú góp mặt ở đội tuyển Việt Nam như Đoàn Văn Hậu, Minh Vương, Tuấn Anh (Thái Bình), Lương Xuân Trường, Thành Chung (Tuyên Quang) hay Hà Đức Chinh (Phú Thọ).
Khoảng hơn 5 năm về trước, những địa phương này vốn được xem là “cái nôi” của các đội bóng thiêu niên, nhi đồng. Họ sở hữu thành tích ấn tượng ở các giải trẻ. Nhưng rồi, sau tuổi 11, 13, những cậu bé ưu tú đó lại phải xa quê để tìm đường phát triển bản thân khi quê nhà không có đội bóng chuyên nghiệp.
Đó là câu chuyện hết sức bình thường trong thị trường bóng đá hiện tại. Một địa phương khó phát triển bóng đá bằng sức mạnh nội tại khi ngân sách nhà nước khó “nuôi khỏe” đội bóng. Việc xã hội hóa, phát triển theo hướng các công ty cổ phần mới là mấu chốt để tiến lên chuyên nghiệp.
Nhưng, ngoại trừ một số địa phương có sự phát triển bền vững, bóng đá Việt Nam vẫn ở lưng chừng. Chuyện năm nay “sống khỏe”, năm sau “rỗng túi” không còn hiếm. Thế nên, với các địa phương còn thiếu nền tảng như Hải Dương, Phú Thọ, Tuyên Quang hay Thái Bình, thật khó để có “đất” cho bóng đá tham dự các sân chơi chuyên nghiệp.
́Tuy vậy, không vì thế mà quên đi những vùng đất này. Bởi thực tế, hầu hết các cầu thủ đều xuất thân từ vùng quê. Họ đến với bóng đá không chỉ vì đam mê mà còn để đỡ đần gia đình hay đổi đời. Đó cũng là bài toán đặt ra với các tuyển trạch viên.
Họ cần nối cánh tay dài đến các địa phương được xem là “vùng trắng” bóng đá. Không chỉ là Tuyên Quang, Hải Dương,… mà còn cả những tỉnh vùng núi Tây Bắc hay khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Nếu huy động tất cả nguồn lực, phát huy hết tiềm năng sẵn có ở mỗi vùng, bóng đá Việt Nam mới có chân đế vững chắc để phát triển. Hiện tại, nhiều trung tâm bóng đá không chỉ gói gọn tuyển sinh ở một địa phương hay một khu vực nhất định. Họ vươn thật xa ở mọi tỉnh/ thành trên cả nước. Thậm chí, có trung tâm còn “đặt hàng” cho các huyện/ thị xã để tổ chức tuyển sinh thường niên.
Điều này giúp các tuyển trạch viên có thể thu hút nhân tài ở mọi miền Tổ quốc. Tìm ra những “ngọc thô” đã khó, làm sao để đãi thành viên ngọc lấp lánh mới là bài toán cần sự chung tay.
So với cách làm trước đây, nhiều trung tâm chú trọng nhiều hơn đến vấn đề tuyển sinh, dinh dưỡng, chế độ cho các cầu thủ trẻ. Nhưng, sự phát triển này vẫn chưa thực sự đồng bộ khắp các vùng miền trên cả nước. Hơn 4/5 tuyển thủ Việt Nam đến từ khu vực phía Bắc. Điều đó cho thấy, nguồn nhân lực ở khu vực phía Nam vẫn chưa được khai sáng tối ưu.
Làm sao để mọi tài năng trên cả nước đều có cơ hội phát triển tài năng và cống hiến cho bóng đá nước nhà, đó là bài toán không hề đơn giản với các tuyển trạch viên cùng các lò đào tạo trẻ trên cả nước.
Từ bức ảnh của “tổ Hải Dương”, người hâm mộ chờ đợi nhiều hơn nữa những bức ảnh từ “các tổ” đến từ tỉnh/ thành khác trên khắp cả nước.
Gia Bình
Tags