Đội tuyển Việt Nam vừa khởi đầu vòng loại World Cup 2026 bằng trận thắng 2-0 trên đất Philippines. Với đại đa số người hâm mộ Việt Nam, thì đó là khởi đầu cho cuộc hành trình tham vọng giành vé dự World Cup vốn được truyền cảm hứng từ chiến dịch Vòng loại thứ 3 của triều đại Park Hang Seo. Nhưng ở một góc nhìn có tính thực tế hơn, thì trận đấu với Philippines chỉ đánh dấu một thời điểm chứ không nên xem là cột mốc con đường thiên lý mang tên World Cup.
1. Hơn 20 năm trước, World Cup là một cái gì đó rất xa vời. Ngay đến việc dự vòng loại World Cup cũng còn bị chính những người trong nghề xem là "tốn kém không cần thiết". Vậy nhưng những năm đầu thế kỷ 21, Tổng thư ký VFF là ông Phạm Ngọc Viễn đã có đề án đặt tham vọng Việt Nam sẽ dự World Cup vào năm 2018. Ông Viễn sau đó, vào năm 2011, tiếp tục đưa "giấc mơ" này vào Dự thảo chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Tất nhiên là thời điểm đó, cụm từ "đoạt vé dự World Cup" đã bị gạt ra với lý do là "không đặt nặng mục tiêu này".
Nhưng thực tế cho thấy tầm nhìn ấy không quá xa vời sau khi đội tuyển Việt Nam dưới sự dẫn dắt củ HLV Park Hang Seo lần đầu vào đến Vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Điều này cho thấy những người làm chuyên môn đã nhìn thấy cơ sở để biến điều không thể ấy thành triển vọng. Nói cách khác, dự World Cup không phải là mục tiêu viển vông. Mà đó là khi mà World Cup chỉ mới mở rộng lên 32 đội và châu Á chỉ có tối đa 4,5 suất vốn đã gần như được dành cho 6 đội bóng hàng đầu ở Đông và Tây Á.
Trong khi đó, khi kể từ World Cup 2026, châu Á sẽ có tối thiểu 8,5 suất, cơ hội chia đều cho tốp 10 đội đứng đầu và cũng mở ra những triển vọng rõ ràng hơn cho nhóm các đội bóng từ hạng 11 đến 20 châu Á, trong đó có Việt Nam. Về mặt kỹ thuật, khi số suất tham dự nhiều hơn thì thể thức thi đấu cũng sẽ thay đổi đem lại lợi thế cho các đội bóng như Việt Nam.
Cụ thể như vòng loại thứ 2 của World Cup 2026 cho phép mỗi bảng đấu có 2 đội được vào đến vòng 3. Tại đây, chia ra đến 3 bảng thay vì 2 như trước. Sự phân mảnh này sẽ giúp các đội bóng như Việt Nam bớt phải đối đầu với nhiều đội bóng mạnh như chúng ta đã phải "ngộp" tại World Cup 2022. Tóm lại, không chỉ là cơ hội tăng lên mà độ khó cũng giảm đi trên con đường đến World Cup.
2. Nhưng bóng đá không phải là phép tính số học đơn thuần. Italy vừa vô địch EURO trong năm 2021 thì đến World Cup 2022 lại vắng mặt. Người Đức vừa vô địch World Cup 2014 thì 2 kỳ World Cup sau đó bị loại ngay vòng bảng. Từ sau chức vô địch World Cup 2002, bóng đá Brazil chưa từng vào đến chung kết một lần nào nữa, sự chờ đợi lâu nhất trong lịch sử.
Với bóng đá Việt Nam, càng không có ngoại lệ vì dưới thời HLV Park Hang Seo, chúng ta đã đạt đến đỉnh của biểu đồ phát triển và là sự kết tinh của gần 20 năm làm bóng đá chuyên nghiệp. Việc chúng ta đi xuống là đương nhiên, cố gắng làm sao quá trình này chậm hoặc thay vì đi xuống chuyển sang ... đi ngang cũng đã là thách thức vô cùng lớn đối với cả nền bóng đá. Đó là yếu tố mang tính quy luật.
Đặt ra tham vọng dự World Cup ngay từ năm 2026 không phải là mộng mơ, vì không có ai giới hạn mục tiêu đầy sự phấn khích ấy cả. Vấn đề là mục tiêu đó không sát với thực tế và tự nhiên, có đặt ra thì nó cũng trở nên miễn cưỡng hoặc đặt cả nền bóng đá vào một trạng thái căng thẳng do vội vả xen lẫn ngờ vực. Lấy ví dụ như lứa cầu thủ U23 hiện nay được xem là nòng cốt cho tham vọng dự World Cup nhưng cách đây khoảng 5 năm, khi họ chỉ mới 17-18 tuổi, chúng ta cũng đâu có "nói" cho họ biết về điều đó.
Lứa cầu thủ U18 do HLV Hoàng Anh Tuấn tuyển chọn hồi năm 2019 sau đó có nhiều người lên U20, rồi U23 và bây giờ, có mặt luôn ở đội tuyển. Vấn đề là cũng chỉ có vài gương mặt như Khuất Văn Khang, Phan Tuấn Tài, Lương Duy Cương … mà thôi. Tức là qua thời gian, số lượng ngày càng ít đi sau các đợt sàn lọc. Đầu vào của thế hệ World Cup ấy quá ít, chắc chắn đầu ra không đủ đầy được. Chưa hết, ngay từ lúc còn U18, U19 thì những cầu thủ này đã bị đánh giá thấp hơn lứa U19 giai đoạn 2014-2016. Thành tích bết bát ở các giải U Đông Nam Á và châu Á cũng phần nào nói lên chất lượng cầu thủ.
3. Khi viết đề án dự World Cup 2018, cựu Tổng thư ký VFF Phạm Ngọc Viễn có cơ sở hẳn hoi, như ông kể lại sau khi nghỉ hưu. Ông Viển nghĩ đến World Cup vì chứng kiến sự ra đời thành công của V-League cũng như giá trị đầu tư của xã hội cho bóng đá luôn có xu hướng tăng theo thời gian. Nói cách khác, có viển vông nhưng vẫn … đầy đủ lý luận bởi đấy là giai đoạn mà bóng đá Việt Nam bắt đầu chuyển mình phát triển.
Nhưng như đã biết, thực ra thì dù vào đến Vòng loại thứ 3 World Cup 2022, chúng ta cũng chỉ mới "chạm" đến cái gọi là "khả năng dự World Cup" mà thôi. Đó chỉ là một cột mốc ban đầu của một cuộc hành trình còn rất dài, mà mục tiêu trước mắt phải là tìm cách để chơi sòng phẳng trước các đội trong Top 10 châu Á. Mà để làm điều đó, thì lại cần các yếu tố mới mẻ, đặc biệt như những gì mà ông Phạm Ngọc Viễn được cảm nhận hơn 20 năm trước. Những điều đó, hiện chúng ta chưa có khi V-League đi chậm còn các nguồn lực xã hội thì cạn dần đam mê.
Thật vậy, ở trình độ chơi bóng hiện tại, cụ thể nhất và gần nhất là trận thắng chật vật trước Philippines vừa đây thì nói đến chuyện dự World Cup 2026 hay thậm chí là World Cup 2030 là tự đặt mình vào trạng thái vội vã không cần thiết. Ngay tại châu Á, có rất nhiều quốc gia vốn ở đẳng cấp cũng như có thứ hạng FIFA cao hơn Việt Nam nhưng vẫn chưa từng một lần dự World Cup như Uzbekistan chẳng hạn, kể cả khi họ là "khách quen" của vòng loại cuối cùng khu vực châu Á. Cần phải lấy chính bài học từ nổ lực bất thành của họ bấy lâu nay để làm thước đo cho chính mình.
Nhìn nhận một cách thực tế, đội bóng trong tay của HLV Troussier hiện tại chưa đủ tầm để giành được vé dự World Cup. Sự chuyển biến về lối chơi chỉ mới là điểm bắt đầu, mấu chốt vẫn là yếu tố con người. Đội tuyển Việt Nam hiện nay là sự kết hợp của nhóm cầu thủ đã qua phần tuyệt vời nhất của mình, cùng nhóm chưa thể tìm được chổ đứng tại V-League. Nếu chúng ta cần một thế hệ khác đặc biệt hơn, thì tối thiểu cũng phải thêm 5-6 năm nữa.
Không thể khác được. Thời gian là thứ thách thức bắt buộc phải tìm cách chinh phục chứ không thể rút ngắn. Chúng ta đang nghĩ đến đạt được giấc mơ chỉ với 4-8 năm trong khi nó có thể kéo dài hàng thập kỷ. Con đường thiên lý World Cup mà bóng đá Việt Nam đang đi dường như chỉ nhìn thấy đích đến chứ không ai biết là mất bao lâu.
VFF đặt mục tiêu dự World Cup 2030
Tại Đại hội khóa IX nhiệm kỳ 2022-2026, VFF đã đề ra các chỉ tiêu cụ thể cho đội tuyển bóng đá nam. Đó là phấn đấu lọt vào Top 10 tại khu vực châu Á, vào tứ kết vòng chung kết ASIAN Cup 2023, giành quyền dự Vòng loại thứ ba khu vực châu Á World Cup 2026 và hướng tới tham dự vòng chung kết World Cup 2030. VFF cũng không lơi lỏng các đấu trường Đông Nam Á, khi đặt chỉ tiêu vào chung kết cả ba giải AFF Cup năm 2022, 2024, 2026 và ít nhất một lần lên ngôi vô địch.
Tags