(Thethaovanhoa.vn) - “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc” - Câu nói "bất hủ" của HLV Alfred Riedl là nỗi ám ảnh đầy nhức nhối của bóng đá nước nhà. Cái “bắt tay” trong nghi hoặc giữa bầu Đức và CLB danh tiếng xứ sương mù Arsenal đã biến những suy nghĩ, trăn trở thành hành động thiết thực. Dù mối lương duyên chia tay nhưng phải sòng phẳng, bóng đá Việt Nam cần nói lời cảm ơn bầu Đức!
- HAGL không chọn đội hình vì áp lực của bầu Đức
- Bầu Đức cam kết không 'thay tướng' sau thất bại của HAGL
- Kiatisak từ chối bầu Đức vì tiền, Xuân Trường trở lại băng ghế... dự bị
Góp phần thay đổi tư duy làm bóng đá trẻ
Năm 1998, HLV Alfred Riedl lần đầu tiên dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, và chỉ sau một khoảng thời gian ngắn ngủi, ông đã đưa ra một nhận xét rất chính xác rằng: “Bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ nóc”. Ông đã nhận ra rất nhanh rằng, những người làm bóng đá Việt Nam chỉ chăm chú vào đội tuyển quốc gia để chạy theo thành tích mà quên đi rằng bóng đá trẻ mới là cái gốc mà bất cứ nền bóng đá nào cũng phải đầu tư và phát triển.
Tới đầu những năm 2000, bóng đá nước nhà xuất hiện những ông bầu chịu chơi và chịu chi. Bầu Đức nằm trong số đó. Đại gia phố Núi ngốn cả “núi” tiền để đưa về những ngôi sao hàng đầu trong khu vực và thế giới như Kiatisak, Dusit, Taiwan, Thonglao, Lee Nguyễn... Tất cả cùng nhau đem lại thành công cho HAGL với 2 chức vô địch V-League. Tuy nhiên, đó là cách làm bóng đá chụp giật, hệt như ông Riedl nói là “xây nhà từ nóc”.
Chỉ thời gian ngắn sau, ông bầu chịu chơi này gây nên cuộc chấn động cho làng túc cầu nước nhà khi “bắt tay” hợp tác cùng CLB danh tiếng của nước Anh là Arsenal. Cái bắt tay mà nhiều người bán tín bán nghi về mức độ thành công.
Hơn 6 năm trời “bế quan tỏa cảng” ở Hàm Rồng trong Học viện HAGL Arsenal JMG mà được bầu Đức mô tả là “xem tụi nhỏ tập, tôi tan biến mọi mệt mỏi”. Bầu Đức nhận ra giá trị chân lý của bóng đá. Ông không còn xoắn tay đổ cả “núi” tiền để mua sắm ngôi sao mà tự tay đào tạo ra những nhân tố cho mình.
Tư duy thay đổi. Đó đã là một cuộc cách mạng lớn với ông bầu chịu chơi và chịu chi này. Thế nhưng, thay đổi lớn lao là bầu Đức đi tiên phong để thay đổi tư duy của cả một hệ thống.
Bóng đá Việt Nam dần biến chuyển theo hướng tích cực. Không ồ ạt mua sắm, thị trường chuyển nhượng không bị lũng đoạn mà thay vào đó, các trung tâm bóng đá trẻ mọc lên như "nấm sau mưa". Bầu Đức đã thổi luồng tư duy mới với chính những người làm bóng đá. Sự thành công của các trung tâm bóng đá như PVF, Hà Nội, Viettel, SHB Đà Nẵng...., có dấu ấn và nền tảng đậm nét từ cái “bắt tay” của bầu Đức với Arsenal.
Truyền cảm hứng, gieo niềm tin từ lứa Công Phượng…
Năm 2014, bóng đá Việt Nam liên tiếp rúng động với những vụ bán độ được phanh phui. 9 cầu thủ Xi măng The Vissai Ninh Bình “bán mình cho quỷ” ở AFC Cup, rồi 6 cầu thủ Đồng Nai tham gia đường dây bán độ đã khiến chỉ số niềm tin vào bóng đá nước nhà ngày càng xuống thấp. Cùng với đó, thành tích của các đội tuyển quốc gia không cao đã “đóng băng” niềm tin nơi người hâm mộ.
Các khán đài thưa vắng khán giả là hệ quả tất yếu cho những vệt đen đó. Trong bức tranh ảm đạm, lứa cầu thủ đầu tiên thuộc Học viên HAGL Arsenal JMG ra lò để thổi luồng gió mới, tạo nên gam màu tươi sáng cho bóng đá nước nhà.
Người hâm mộ thèm khát thứ bóng đá sạch, tận hiến. Thời bấy giờ, thành tích là thứ xa xỉ. Đánh trúng huyệt đó, “đám trẻ bầu Đức”, gieo vào lòng mỗi khán giả niềm tin trở lại với trái bóng tròn. Thứ bóng đá sạch, tấn công tận hiến đến phút cuối cùng, cùng lối chơi đẹp mắt đã chiếm trọn niềm tin. Thế nên, khi họ được nhấc bổng lên đội 1 dù chỉ vừa mới đôi mươi, HAGL là “hiện tượng” của V-League. Bất chấp kết quả không được như mong muốn, đi đến đâu, khán giả cũng rần rần để “mục sở thị” bằng xương bằng thịt những cầu thủ mà hàng ngày xuất hiện trên phương tiện truyền thông hay những câu chuyện khắp mọi ngóc ngách.
Pleiku đã từng vỡ. Những khán đài nguội lạnh bỗng đầy đặn cả 4 phía. Chỉ số niềm tin dần trở lại. Cái “bắt tay” với Arsenal là chiếc phao cứu cho bóng đá nước nhà trong thời buổi loạn lạc niềm tin.
Những điều đọng lại
Trong chương trình đào tạo của Học viện HAGL Arsenal JMG, kỹ thuật và đạo đức là hai ưu tiên hàng đầu trong khi thể trạng mới là thứ yếu. Đây là một trong những vấn đề hạn chế của Học viện. Chính thể hình có phần thấp bé là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến sự phát triển của các cầu thủ.
Mối lương duyên kéo dài 10 năm giữa HAGL và Arsenal chấm dứt được cho là do phía đại diện của Việt Nam không thể cung cấp cầu thủ nào cho Arsenal ở bất cứ cấp độ nào. Những cầu thủ được đem đi “chào hàng” song những thương vụ chuyển nhượng mang tính thương mại nhiều hơn là vấn đề chuyên môn.
4 cầu thủ Xuân Trường, Tuấn Anh, Đông Triều và Công Phượng không để lại nhiều ấn tượng trong chuyến “ra mắt” HLV Arsene Wenger. Công Phượng, Tuấn Anh không có nhiều cơ hội thể hiện trong 1 năm được cho đi Nhật Bản “du học”. Nguyễn Hữu Anh Tài chỉ cho mượn ở CLB hạng Ba Hàn Quốc. Xuân Trường chỉ là cái tên hiếm hoi phần nào thể hiện được năng lực sau hơn 1 năm “du học” ở Hàn Quốc.
Dẫu vẫn còn những điều đọng lại nhưng cái bắt tay cách đây 10 năm giữa bầu Đức và Arsenal là cuộc cách mạng mang tính bước ngoặt của bóng đá Việt Nam. Những thành công hiện tại của bóng đá trẻ nước nhà cũng như tư duy “xây nhà từ móng” có dấu ấn rất lớn của HAGL.
Xin nói lời cảm ơn bầu Đức!
“Do chiến lược của Arsenal có thay đổi nên cả hai bên mới chấm dứt chứ HAGL rất muốn hợp tác cùng đối tác. HAGL với Arsenal vẫn đang làm tốt, nhưng do phía đối tác thay đổi nên chúng tôi mới chấm dứt hợp đồng liên kết này”, Trưởng đoàn HAGL Nguyễn Tấn Anh tỏ ra tiếc nuối với cuộc chia tay này. *** Cuối năm 2012, 4 cầu thủ thuộc lứa đầu tiên của Học viện HAGL Arsenal JMG là Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh và Đông Triều được đối tác Arsenal sắp xếp thử việc ở đội U18. Cả 4 đều được diện kiến HLV Arsene Wenger song kết thúc đợt thử việc, không ai lọt vào mắt xanh của Giáo sư. Đó cũng là lần duy nhất, các cầu thủ của Học viện HAGL Arsenal JMG trình làng phía đối tác. *** Trong danh sách 28 cầu thủ được HLV Nguyễn Hữu Thắng gọi tập trung cho U22 Việt Nam tham dự vòng loại U23 châu Á 2018 có đến 8 cầu thủ thuộc biên chế của HAGL là: Lê Văn Trường, Vũ Văn Thanh, Tuấn Anh, Xuân Trường, Đông Triều, Văn Toàn, Hồng Duy và Công Phượng. Các cầu thủ của HAGL cũng là nòng cốt của đội tuyển Việt Nam cũng như U23 hay U22 Việt Nam trong một vài năm trở lại đây. Điều này có dấu ấn đậm nét từ Học viện HAGL Arsenal JMG. |
Trần Khánh
Thể thao & Văn hóa
Tags