(Thethaovanhoa.vn) - Không ít tình huống dở khóc dở cười liên quan đến việc nhập tịch ngoại binh trong chục năm qua. Có một thời các CLB đua nhau nhập tịch nhằm hy vọng cơ số ngoại binh lấn lướt sẽ tăng tính đột biến về thành tích. Nhưng, không phải đội nào cũng đạt mong muốn.
- Lịch trực tiếp đấu bù vòng 11 Toyota V.League 2017
- Việt kiều về V.League: Thiên đường có gọi tên?
- Hết World Cup, thả hồn về lại V.League
Ngày càng ít cầu thủ nhập tịch
Cách đây đúng 10 năm, bóng đá Việt Nam đánh dấu cột mốc mới khi lần đầu tiên có cầu thủ nhập tịch. Đó là trường hợp của thủ môn Fabio Dos Santos. Anh được câu lạc bộ chủ quản là Đồng Tâm Long An nhập tịch thành công với tên gọi là Phan Văn Santos.
Từ đây, mở ra trào lưu mới khi các đội bóng khác ồ ạt nhập tịch các cầu thủ ngoại binh. Chỉ trong vòng 5 năm, từ 2007 đến 2012, có đến 22 cầu thủ khác có quốc tịch mới là Việt Nam.
Tuy nhiên, phải đến 4 năm sau, kể từ lần gần nhất tiền vệ Rodrigo Mota Farias có tên Việt là Đinh Văn Ta vào năm 2012 thì bóng đá Việt Nam mới chứng kiến cầu thủ nhập tịch khác là Nguyễn Văn Bakel của FLC Thanh Hóa. Một mùa giải sau, Suleiman (Quảng Nam FC), Kizito (Than Quảng Ninh)… và gần nhất là Gaston Merlo (SHB Đà Nẵng) cũng trở thành công dân Việt Nam.
Lý do chính của xu hướng này là bóng đá Việt Nam siết chặt lại ngoại binh cũng như cầu thủ nhập tịch khiến các cầu thủ ngoại ít có đất diễn hơn. Trong khi đó, một trong những điều kiện quan trọng để xin nhập quốc tịch là đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch.
Trong khi đó, chất lượng ngoại binh ở V-League ngày càng đi xuống. Nhiều cầu thủ khó trụ vững trong một thời gian dài hoặc phải liên tục thay đổi đội bóng cũng là lý do được giải thích cho xu hướng đó.
Cơ hội nào cho cầu thủ nhập tịch lên ĐTQG?
Một cầu thủ được nhập tịch thành công thì họ phải đảm bảo thời gian tối thiểu gắn bó ở Việt Nam là 5 năm. Trong quãng thời gian đó, họ có thể hiểu hơn về văn hóa, phong tục tập quán của đất nước bản xứ. Đó cũng là quãng thời gian đủ để vun vén tình yêu đất nước nơi họ.
Bản thân những cầu thủ nhập tịch cũng bày tỏ mong muốn được khoác áo ĐQTG. Đỗ Merlo cũng không ngoại lệ khi chân sút của SHB Đà Nẵng sẵn sàng nhận lệnh nếu được triệu tập.
Trước đây, có 4 cầu thủ nhập tịch từng được gọi lên các ĐTQG là Phan Văn Santos, Huỳnh Kesley, Đinh Hoàng Max và Đinh Hoàng La. Tuy nhiên, sau “làn sóng” các cầu thủ nhập tịch lên Tuyển này, giấc mơ của các cầu thủ nhập tịch vẫn chỉ là nỗi niềm.
Mỗi dân tộc có truyền thống, nét văn hóa và lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Thế nên, chuyện gọi hay không gọi cầu thủ nhập tịch lên các ĐTQG không hẳn là câu chuyện về chuyên môn mà ở đó còn xét trên nhiều khía cạnh khác nhau.
Dẫu cho cánh cửa với các cầu thủ nhập tịch ở ĐTQG vẫn chưa mở song cần trân trọng những giá trị, cống hiến mà họ mang lại cho bóng đá Việt Nam.
Trần Khánh
Thể thao & Văn hóa
Tags