(Thethaovanhoa.vn) - “Buồn cho bóng đá Đồng Tháp”, cựu HLV Đoàn Minh Xương, người từng 2 lần dẫn dắt Đồng Tháp vô địch quốc gia, đã cảm thán như vậy sau khi chứng kiến 11 cầu thủ trẻ xứ bưng biền nhận án phạt lịch sử mới đây.
HLV Đoàn Minh Xương có nhiều nỗi buồn khi nhắc đến mảnh đất đã vinh danh tài năng của mình trên con đường huấn luyện. Chính ông là người góp công lớn đưa Đồng Tháp lên đỉnh vinh quang, nhưng trước khi khai sáng bóng đá vùng sông nước, HLV họ Đoàn đã phải ăn dầm nằm dề đi tận vùng sâu vùng xa để trực tiếp tuyển mộ tài năng cho đội bóng của tỉnh.
21 năm đồng hành với Đồng Tháp từ khi là thầy giáo trẻ tốt nghiệp Đại học được về đây tăng cường giúp bóng đá nơi này, HLV Đoàn Minh Xương tận dụng triệt để các giải đấu cấp ấp, thôn, xã… để có được những tài năng như Phạm Anh Tuấn, Tuấn Thành, Công Nhậm, Công Minh, Huỳnh Quốc Cường, Văn Hùng… nhằm giúp Đồng Tháp có được 2 chức VĐQG như đã đề cập.
Từ khi V-League ra đời, người Đồng Tháp dù có lo lắng về kinh phí để CLB tồn tại nhưng với truyền thống “sóng lớp sau đè lớp trước”, CLB không mấy khi lo thiếu nguồn lực cầu thủ để thi đấu. Từ năm 2006 đến năm 2016, bóng đá Đồng Tháp đã chứng kiến CLB 6 lần lên xuống hạng như con nước. Tuy vậy, thành tích này cũng khả quan hơn nhiều địa phương có mơ cũng không biết bóng đá chuyên nghiệp.
Từ sau mùa giải 2016, bóng đá Đồng Tháp vẫn khiến cả nước chú ý với hàng loạt chức VĐQG của các đội U15, U17, U19 Đồng Tháp – với đủ tụ 11 cái tên vừa “dính chàm” bị VFF xử phạt mới đây. Bóng đá Đồng Tháp đã chứng kiến nhiều cú ngã đau, nhưng có lẽ lần này mới là nặng nề và nghiêm trọng nhất.
Những lạc quan về truyền thống hào hùng của CLB có thể sẽ ngã quỵ khi Đồng Tháp sẽ không đủ quân số để thi đấu giải hạng Nhất quốc gia 2020 dự kiến sẽ khởi tranh ít ngày tới.
Trong số 11 cầu thủ “dính chàm”, Văn Tiến cùng với Công Minh chính là người đã giúp Đồng Tháp bất ngờ đánh bại PVF 2-1 ở chung kết U17 QG 2016. Trước đó 2 năm, cũng chính tiền vệ trung tâm này nâng cao chức VĐQG U15 cùng đội nhà.
Người Đồng Tháp đã kỳ vọng cầu thủ trẻ sinh ra và lớn lên ở vùng biên giới Tân Hồng có thể viết tiếp ước mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, cống hiến cho bóng đá tỉnh nhà nhưng vào ngày 11/5/2020, với quyết định cấm thi đấu 5 năm của VFF, cánh cửa tương lai như đóng sập trước mặt cầu thủ 21 tuổi này.
So với Văn Tiến, 10 đồng đội còn lại nhận án phạt nhẹ hơn gần chục lần. Văn Tiến được xác định là “kẻ chủ mưu” nên phải chịu “trảm”. 10 đồng đội của Văn Tiến sẽ coi như đó là lời cảnh tỉnh và có thể quay lại với bóng đá rất nhanh.
VFF vẫn tạo con đường làm lại cho họ, không như Văn Tiến. Điều đó có thực sự bất công hay không thì còn tùy cách nhìn nhận của dư luận. Nhưng hàng loạt bài học tiêu cực của bóng đá Việt Nam trong quá khứ dường như vẫn chưa có sức nặng với cầu thủ trẻ. Lợi ích từ đồng tiền bất chính để có điện thoại cao cấp, xe sang… đã khiến họ quên đi bản thân.
Bài học của những quốc gia có nền bóng đá phát triển chính là xem trọng gốc rễ của bóng đá trẻ, bóng đá phong trào. Đó là lý do nhiều nước đang xây dựng giấc mơ World Cup từ thế hệ cầu thủ mà hiện tại còn chưa ra đời. Việc GĐKT Gede mới đây thẳng thắn phơi bày thực trạng cầu thủ trẻ của bóng đá Việt Nam cũng là một lời cảnh tỉnh cho người làm chuyên môn nên nghiêm túc chú trọng điều này nếu muốn hướng tới tương lai.
Việt Hà
Tags