(Thethaovanhoa.vn) - Với bóng đá Việt Nam ở cấp độ ĐTQG tại sân chơi quốc tế trong những năm gần đây, chúng ta hiếm khi có được tận hưởng niềm vui chiến thắng trọn vẹn. Và ngay cả với lứa Công Phượng, rất hiếm khi chúng ta tìm lại được những nụ cười.
- U23 Việt Nam: Có HAGL, có khác
- U23 Việt Nam bị loại sớm, Tuấn Anh được HLV Miura sử dụng
- Công Phượng mềm mại trong ngày U23 Việt Nam hết cứng nhắc
Nhớ hào khí Mỹ Đình
Mặc dù nền bóng đá vẫn phải chịu thất bại nhiều hơn các chiến thắng trong các cuộc đối đầu với UAE ở mọi cấp độ ĐTQG, nhưng cứ mỗi lần đứng trước họ, nhiều người lại nghĩ về Mỹ Đình năm 2007, trận đấu ở vòng bảng Asian Cup, dù có thể chỉ đủ để an ủi.
Năm ấy, ĐT Việt Nam đã làm nên chuyện lớn ở giải đấu châu lục, bằng việc hạ gục UAE 2-0 (với các bàn thắng của Quang Thanh và Công Vinh) để đặt một chân vào tứ kết tại bảng đấu có cả Nhật Bản và Qatar.
Đấy là một ngày trọng đại với bóng đá Việt Nam, một cột mốc thậm chí còn sáng hơn cả kỳ tích từng hạ Hàn Quốc 1-0 tại chiến dịch vòng loại Asian Cup 2004. Tại Mỹ Đình vào tháng 7 năm 2007, Quang Thanh chồng biên, rồi băng lên như tên bắn đón đường xẻ nách của Minh Phương, trước khi xé rách mành lưới UAE để mở tỷ số. Sau đó, đến lượt Công Vinh với cú lốp bóng chân trái đầy tự tin dù góc sút không thuận lợi để ấn định chiến thắng. Tất cả đều rất nhanh, mạnh và cực kỳ chuẩn xác.
Ở lần gặp nhau gần nhất (2013), trong khuôn khổ vòng loại Asian Cup 2015, dù đội bóng dưới quyền HLV Hoàng Văn Phúc đã thua chung cuộc 1-7 sau 2 lượt đi và về, nhưng chúng ta vẫn có một trận đấu rất đáng xem ở Mỹ Đình (lại là Mỹ Đình).
Sau khi Ahmed Khalil có bàn thắng từ chấm 11m, giúp UAE sớm vượt lên dẫn trước ngay phút thứ 6, Huỳnh Quốc Anh đưa trận đấu trở lại vạch xuất phát trong hiệp nhì. Nhưng chung cuộc, ĐT Việt Nam vẫn để thua 1-2.
Những trận thắng trước các đối thủ mạnh chỉ là hiện tượng chứ chưa là sự khẳng định năng lực của bóng đá Việt Nam, nhưng hiện tượng ấy tạo nên tính hấp dẫn muôn thuở và ngoài ra, nó còn có thể mang lại các cơ sở về niềm tin, rằng chúng ta hoàn toàn có thể.
Khéo co vẫn có thể ấm
Không những không có một đánh giá chuẩn mực tương đối nào về các đối thủ, HLV Miura thậm chí chưa thể hiểu một cách tường tận về năng lực đội bóng do chính ông cầm quân. Đó là lý do khiến U23 Việt Nam phải chịu 2 trận thua khá bạc nhược trước U23 Jordan và U23 Australia, để rồi phải sớm rời cuộc chơi. Sự khác biệt về đẳng cấp chơi bóng là có thật, nhưng chúng ta vẫn có thể thua cuộc theo cách ưa nhìn hơn, nếu biết tính toán, thay vì lao vào cuộc chiến như con thiêu thân.
Trận đấu này với U23 UAE, thầy trò HLV Miura đương nhiên vẫn bị đánh giá thấp hơn nhiều, trước một đối thủ còn khá rộng cửa vào tứ kết. Bên cạnh yếu tố lịch sử như đã nhắc ở trên, chúng ta nắm lợi thế khá rõ rệt về tâm lý thi đấu, khi không còn phải chịu bất kỳ sức ép thành tích nào.
Sự thăng hoa (nếu có) của một đội bóng bị đánh giá là yếu hơn, thường chỉ xuất hiện trong bối cảnh này: Chơi bóng như chưa từng được chơi bóng và chiến đấu như thể không còn có ngày mai.
Là người yêu thích các con số thống kê, HLV Miura hẳn đã tìm được lời đáp sau 2 trận toàn thua. Và những khẩn cầu của một bộ phận đáng kể người hâm mộ có thể sẽ lần đầu tiên được thoả mãn: Thay vì dùng một đội hình giàu cơ bắp để phá bóng và đuổi theo đối thủ khi mất bóng, ông Miura sẽ ưu tiên những cầu thủ chơi thiên về kỹ thuật. Gần 2/3 đội hình thi đấu, nếu dùng hết, là người của HAGL và chỉ có họ mới đáp ứng được tiêu chí này. Hãy để Công Phượng thực hiện lời hứa.
Đội hình dự kiến của U23 Việt Nam Minh Long - Thanh Hiền, Tiến Dũng, Nam Anh, Văn Thanh - Hồng Duy, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn - Công Phượng, Thanh Bình Dự đoán: 2-2 Lịch thi đấu ngày 20/1 (giờ Qatar, tức 23h30 Việt Nam) 19h30 sân Suhaim Bin Hamad U23 Australia – U23 Jordan 19h30 sân Grand Hamad U23 Việt Nam – U23 UAE |
Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa
Tags