AFF Cup và nỗi buồn bóng đá miền Nam

Chủ nhật, 20/11/2016 16:18 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn)- 25 cầu thủ đi Myanmar tham dự vòng bảng AFF Cup 2016 không ai đại diện cho bóng đá phía Nam không phải là do HLV Hữu Thắng.

16 năm và cái gốc rỗng

Nhắc tới bóng đá miền Nam, người ta chỉ còn lại những hồi tưởng đẹp về quá khứ vàng son. Cuộc trò chuyện này thực hiện với HLV Đoàn Minh Xương, người Sài Gòn từng dẫn dắt Đồng Tháp VĐQG 2 mùa giải A1 là 1989 và 1996, và vẫn đi trên chiếc xe “Dream II” có được nhờ tiền thưởng giúp CLB này vô địch. Ông Xương là nhân chứng hào hùng không chỉ riêng của bóng đá Đồng Tháp mà cả quê hương Sài thành của ông. “Ngay sau ngày đất nước Thống Nhất, Sài Gòn có đến 3 – 4 CLB làm mưa làm gió trên sân cỏ nội như Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Công an TP.HCM, Công nghiệp thực phẩm. Danh thủ nhiều không đếm xuể và bóng đá Sài Gòn, miền Nam là nơi cung cấp lực lượng chủ yếu cho ĐTQG cùng với Thể Công”, ông Xương nói.

Đội tuyển Việt Nam và chuyện giờ mới kể ở các kỳ AFF Cup

Đội tuyển Việt Nam và chuyện giờ mới kể ở các kỳ AFF Cup

Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á hay còn gọi AFF Cup đã trải qua 10 lần tổ chức trong hai thập kỷ vừa qua và là sân chơi số một của bóng đá khu vực.


Bóng đá miền Nam với quá khứ vàng son đã cho rất nhiều người ký ức đẹp nhưng người ta không chỉ sống dựa vào quá khứ. Nó chỉ để nhớ và khi trở lại thực tế bây giờ, tất cả chỉ còn là sự chua chát. Những CLB nổi danh trên địa bàn TP.HCM hiện tại giờ đã hoàn toàn xóa sổ. 7 năm để CLB TP.HCM có tiền thân là Cảng Sài Gòn trở lại V-League. Trước đó, hàng loạt ông bầu mang đội bóng đến để làm ăn nhưng kết quả chung là không đạt được mục đích đã phủi tay ra đi. V-League mang lại nhiều nỗi đau hơn với bóng đá TP.HCM là điều chắc chắn. Và những tổn thương đó không dễ phai với những người yêu thích môn thể thao vua ở địa phương này. Bằng chứng là những khán đài nguội lạnh mỗi khi các CLB Sài thành thi đấu nơi đây.

Mới nhất, CLB TP.HCM trở lại V-League bằng chức vô địch giải hạng Nhất. Nhưng trong đội hình của CLB này chỉ có 4-5 cầu thủ địa phương, còn lại phải gom góp nhiều nơi. Đành rằng bóng đá thời hiện đại không bó buộc vào yếu tố này, nhưng chừng đó không thể thỏa mãn CĐV.

16 năm làm bóng đá chuyên nghiệp, dù đội bóng giàu truyền thống nhất là B.Bình Dương sở hữu nhiều chiếc Cúp VĐQG (4) nhất trong phòng truyền thống, là CLB miền Nam có sức nặng nhất khi so kè với phần còn lại của V-League, nhưng ai cũng hiểu “Chelsea Việt Nam” phải dùng tiền mua thành công. Thành quả về mặt bản sắc địa phương ở CLB này gần như không mấy ai ghi nhận. Lịch sử CLB có 2 cầu thủ gốc đất Thủ để lại dấu ấn cho nhiều CĐV nhất là Hữu Thắng (Thắng “thòn”, đội trưởng ĐTQG ở SEA Games 23) và hiện tại là Anh Đức. Và hết. B.Bình Dương đã cảm thấy mỏi mệt từ khía cạnh tinh thần lẫn tài chính và mùa này, họ làm lại từ đầu bằng cách trao cơ hội cho người trẻ. Một người khổng lồ đã thấy mình không thể đứng vững trên đôi chân đất sét.

Trở lại với câu chuyện đội tuyển Việt Nam sạch bóng cầu thủ miền Nam, chuyện không vui này đã có từ nhiều đời HLV trước Hữu Thắng. Cách đây 2 năm lên đường tham dự AFF Cup, HLV Miura chỉ còn tin dùng mỗi cầu thủ gốc Đồng Tháp – Nguyễn Thanh Hiền. Mùa này, Thanh Hiền sa sút phong độ khi đầu quân cho Than Quảng Ninh và không có tên tập trung đội tuyển. Xa hơn một chút, các CLB và cầu thủ miền Nam đã bắt đầu “heo hút” trên đội tuyển ở thời HLV Calisto. Tuy vậy, những Minh Phương, Tài Em, Thanh Bình, Việt Thắng… vẫn góp tiếng nói quan trọng trong lòng đội tuyển, không như hiện tại.

Không theo kịp xu thế thị trường

CLB miền Nam sa sút, cầu thủ kém đi trông thấy với mặt bằng chung của bóng đá Việt Nam hiện tại. Với nhiều người làm bóng đá nơi đây, nó chung quy đã phản ánh đúng những gì đang diễn ra ở các CLB. Long An vừa thoát hiểm ở vòng play-off trước Viettel, CLB này nhiều năm dù không khốn khó tiền nong như Đồng Tháp và vẫn trung thành với đào tạo trẻ nhưng cũng không sản sinh ra được những tài năng cỡ Việt Thắng, Tài Em hay Văn Giàu như trước đây. Cần Thơ nhiều mùa qua trụ lại ở V-League nhờ số tiền đầu tư “khủng” từ công ty Xổ số kiến thiết tỉnh, không cầu thủ địa phương nào nổi bật được giới thiệu ở sân chơi này. Tưởng tượng nếu một ngày bị rút hầu bao, đội bóng này sẽ rơi tự do. Đồng Tháp vừa rớt hạng vì nghèo năm nay vừa hội quân trở lại những ngày qua, song các cầu thủ đang nháo nhác không biết CLB có chơi tiếp hạng Nhất không vì “chưa nghe tiền nong thế nào”. 

Tuyển Việt Nam thất bại ở AFF Cup thì cũng thường thôi!

Tuyển Việt Nam thất bại ở AFF Cup thì cũng thường thôi!

Từ chỗ không có áp lực gì thì nay ĐTVN có một trách nhiệm lớn lao ấy là không đi ngược dòng nước của cả một nền thể thao trong đó có bóng đá.


Đặt vấn đề phải chăng những địa phương muốn phát triển bóng đá phải có lãnh đạo “máu” môn thể thao này như ông Võ Văn Kiệt (TP.HCM) hay gần nhất là Nguyễn Bá Thanh, ông Xương, người viết đề án bóng đá học đường cho TP.HCM phát biểu: “Đó cũng không phải là nguồn gốc vấn đề. Bởi cái gốc vấn đề chính là bóng đá học đường, bóng đá phong trào. Khi cái gốc không chắc chắn và không được nhìn nhận đúng đắn thì đầu ra cái ngọn phản ánh tương xứng. Như TP.HCM hiện tại, khi ngân sách cắt giảm thì cũng không có gì khó hiểu là nguồn lực cho thể thao bị hạn chế lại. Trong cơ chế thị trường không thể dựa vào ngân sách Nhà nước. TP.HCM đi xuống ở lĩnh vực bóng đá vì không chạy theo nổi xu thế thị trường”. Không chỉ bóng đá TP.HCM mà những năm qua, người ta cũng thấy những địa phương có truyền thống như SLNA hay Đà Nẵng không còn “hổ báo” như trước kia với lứa trẻ bị lép vế toàn tập so với những PVF, Viettel, T&T. Những trung tâm làm bóng đá của tư nhân đang thống trị bóng đá Việt Nam, điều bình thường trong xu thế phát triển của bóng đá hiện đại thay vì bóng đá bao cấp, người ta thường tôn vinh ông giám đốc Sở.

Niềm an ủi lớn nhất với bóng đá miền Nam nếu tính bao gồm cả miền Tây Nam Bộ là đội tuyển đã chơi trận giao hữu cuối cùng ở Cần Thơ trước khi lên đường đi Myanmar. Cái sân hàng vạn người chật kín và đội tuyển chơi có đường nét dù chỉ hòa 0-0 với một CLB Nhật Bản đã phần nào thỏa mãn tình yêu của họ.

Nhưng nó cũng lại đặt ra câu hỏi là ở một khu vực giàu tiềm năng như thế, từ TP HCM là đàu tàu kinh tế, cho tới các tỉnh miền Tây đất rộng trù phú và người dân đam mê và từng sản sinh ra những cầu thủ rất hay tại sao lại không thể tiếp tục phát triển bóng đá?

Cứ cho là Hữu Thắng đã giành một nửa suất ở tuyển cho cầu thủ người gốc Nghệ Tĩnh cũng là có đôi chút tình riêng thì một nửa đội tuyển cũng đâu có chật để không có đại diện nào của các CLB phía Nam?

Hãy coi nó như một sự thôi thúc khi niềm tự hào bị tổn thương…

Việt Hà
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›