AFF Suzuki Cup 2008: Từ “thiên đường” Phuket đến thực tế ở Mỹ Đình

Chủ nhật, 14/12/2008 20:11 GMT+7

Google News
(TT&VH Cuối tuần) - Đội tuyển VN đã hoàn thành mục vượt qua vòng bảng ở AFF Cup 2008. Nhìn từ những trận đấu ở Phuket, câu chuyện về tuyển và các đối thủ là những chuỗi dài những vấn đề của bóng đá “vùng trũng”.

Bi hài những cuộc đua

Khi bóng chưa lăn, người ta đã hình dung các trận đấu ở bảng B sẽ là cuộc tranh chấp giữa chủ nhà Thái Lan và 2 đội khách Malaysia, Việt Nam. Các trận đấu ở Surakul những tưởng sẽ “nóng” với cuộc đua tài đến cùng của các cầu thủ của 3 đội “chiếu trên” trong khu vực. Nhưng với sự nhỉnh hơn của người Thái, việc họ toàn thắng cả 3 trận vòng bảng và dễ dàng đè bẹp VN, Malaysia với những khoảng cách từ 2-3 bàn thắng đã cho thấy sự cạnh tranh trên thực tế chỉ là cuộc đua của thầy trò ông Calisto và đội quân của ông Sathianathan.

Tuy nhiên, trong cuộc đua của ông Calisto với các đối thủ, của ông trưởng đoàn Dương Vũ Lâm với các đồng nghiệp trong làng bóng đá khu vực, ĐTVN và cả các đội khách khác cũng đã được nếm nhiều chuyện bi hài của những câu chuyện tưởng cũ mà vẫn mới giữa chủ nhà và các đội khách. Cảnh BTC thay đổi xoành xoạch địa điểm tổ chức loạt trận cuối càng khiến nhiều người “ngao ngán” cho những chuyện ở hậu trường hơn là sự lôi cuốn từ đẳng cấp được thể hiện trên sân. Ông Calisto đã kêu trọng tài ép, ông Sathianatha kêu Malaysia bị BTC làm khó, rồi chuyện đoàn này đoàn kia “dọa” BTC... đã không còn là những câu chuyện lạ ở giải vô địch khu vực năm nay.
 
ĐTVN đã lọt qua vòng bảng tạo niềm vui cho các CĐV có mặt tại Thái Lan.

Cuộc đua trong nội bộ đội tuyển VN không chỉ diễn ra ở các trận dấu trên sân, mà còn là cuộc “cạnh tranh” giữa các cầu thủ để chứng tỏ họ xứng đáng có mặt trong danh sách 22 gương mặt xuất sắc nhất của bóng đá nước nhà để ông Calisto “chọn mặt gửi vàng”. Nhưng trong cuộc đua ấy, những cái tên được chờ đợi nhiều nhất lại là những gương mặt gây thất vọng với người hâm mộ. Công Vinh tịt ngòi, Hồng Sơn chơi bất ổn, và một vài trụ cột khác cũng đã có dấu hiệu lùi so với khả năng của chính họ là những vấn đề đã được nhắc đến nhiều ở tuyển.
 


AFF Cup thời “đại hạ giá”

AFF Cup được xem là sân chơi danh giá nhất của bóng đá khu vực và các nhà tổ chức đều mong muốn đây là sự kiện được quảng bá rầm rộ vừa để tạo nên một giải đấu chất lượng góp phần phát triển bóng đá vùng Đông Nam Á, vừa quảng bá cho nhà tài trợ. Nhưng khi tình hình Thái Lan diễn biến phức tạp đầu tháng 12, việc các trận đấu ở bảng B phải chuyển về Phuket thay vì những trận cầu mà BTC chờ đợi sẽ sôi động lúc đầu được dự kiến diễn ra ở Bangkok. Giữa Phuket chỉ nóng với không khí ở các bãi biển đẹp nhất Thái Lan thì 6 trận đấu trong vòng 1 tuần trên sân Surakul đã không đủ để người Phuket trở thành những fan nhiệt tình nhất cho môn thể thao Vua.

Khi yếu tố quảng bá, chất lượng sân bãi không còn được như những yêu cầu ban đầu, BTC đã phải tính nhiều thứ để các trận đấu cuốn hút được khán giả, để giải vô địch khu vực thực sự là cuộc đua quyết liệt và thành công về chuyên môn. Nhưng đất Phuket có lẽ khó có thể ngay một lúc trở thành “chảo lửa” của bóng đá Thái Lan bởi người dân địa phương còn nhiều thứ để quan tâm và kết nhiều môn thể thao được họ thực sự biết đến nhiều như đua thuyền, boxing... hơn là một giải đấu tổ chức vội vàng ngay ở bãi biển “thiên đường du lịch” của Thái Lan.

Dù BTC đã đại hạ giá vé từ 300 bath xuống còn 100 bath, thậm chí ở nhiều thời điểm khán giả Thái có thể vào cửa thoải mái không cần kiểm tra vé để có thể lôi cuốn được đông đảo người xem. Nhưng nếu so với sự chờ đợi về những trận đấu “rực lửa” tại Bangkok với những khán đài (dự kiến) đầy ắp 65.000 chỗ ngồi thì ý định của các nhà tổ chức đã thất bại.

Người Thái nói chung và người Phuket nói riêng vẫn thích bóng đá, nhưng niềm đam mê của họ đang ngả về các trận đấu của giải Ngoại hạng Anh, hơn là quan tâm đến cuộc đua ở giải khu vực. Bởi những trận đấu giữa các đội cùng bảng với đội “em út” Lào luôn có những khoảng cách lớn về tỷ số. Hơn thế nữa, những trục trặc trong khâu tổ chức, từ chuyện “vướng” sân bãi thi đấu, đến những tiếng còi “méo” thì các trận đấu đã sa vào những tranh cãi giữa những người trong cuộc hơn là thể hiện được sự tiến bộ trên sân.

ĐTVN: Giữa mơ & thực

Hơn 1 tuần sống ở Phuket, nhưng mọi chuyện với thầy trò ông Calisto đã không phải là thiên đường, dù họ đã làm được điều ông Calisto chờ đợi: Có mặt ở bán kết. Nếu nhìn vào kết quả thì từ trận thua Thái Lan đến các trận thắng Malaysia (3-2), Lào (4-0), ĐTVN đã “tiến” về tỷ số. Nhưng lối chơi và niềm tin của dư luận dành cho tuyển thì không hẳn đã đồng hành với phong độ của thầy trò ông Calisto.
 
Lối chơi của ĐTVN (phải) vẫn chưa thuyết phục giới chuyên môn và người hâm mộ

Khi hàng tiền đạo của ĐTVN chỉ “bắt nạt” được đội Lào, khi các hậu vệ VN dễ dàng bị “dính đòn” bởi nhiều tình huống tấn công của người Thái, người Mã, hay cảnh người xem thấy rõ một tuyến giữa chưa đủ để làm người ta quên những gương mặt cũ ở tuyển trước kia, càng cho thấy sức mạnh của đội tuyển VN thật mong manh.

Có những chiến thắng làm người ta sung sướng, nhưng có những chiến thắng lại khiến người ta thấp thỏm, bởi người trong cuộc dễ ảo tưởng về thành quả của chính mình. Nếu từ thành quả ban đầu của đội tuyển VN ở AFF Cup mà nghĩ về sự trưởng thành của một thế hệ cầu thủ mới, hay nghĩ rằng ông Calisto có “chiếc đũa thần” để giúp ĐTVN đứng vững qua mọi sóng gió sẽ là điều viển vông.

Từ Phuket về lại Mỹ Đình để chuẩn bị cho “cuộc chiến” với Singapore ở BK, ĐTVN rõ ràng còn quá nhiều việc phải làm để có thể tạo được một diện mạo tích cực hơn trong cuộc đua ở giải khu vực vốn chưa đến hồi kết. Giấc mơ mà ông Calisto hằng mong muốn về một đội tuyển VN chơi bản lĩnh, có đủ sự tự tin trước mọi đối thủ trong khu vực có lẽ vẫn còn xa.

Trần Sơn

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›