(Thethaovanhoa.vn)- HLV Đoàn Minh Xương cho rằng phải chờ đến cuối năm qua giải vô địch Đông Nam Á, bóng đá Việt Nam mới biết mình đứng đâu thay vì tự khen mình.
- Thủ môn Tiến Dũng: 'Tự hào vì là một phần của Olympic Việt Nam'
- Giấc mơ vô địch AFF Cup 2018 không còn xa với bóng đá Việt Nam
- Park Hang Seo xứng đáng là HLV hay nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam
“Không thể phủ nhận rằng bóng đá Việt Nam có sự tiến bộ thông qua VCK U23 châu Á hồi đầu năm hay gần nhất là ASIAD 2018 trên đất Indonesia. Nhưng để nói rằng bóng đá Việt Nam đã vươn tầm vóc, sánh vai với các cường quốc châu lục này nọ thì xa quá.
Quan điểm của tôi là ở Đại hội này, đừng nên vội đánh giá thực lực của nền bóng đá Việt Nam. Không ai phủ nhận sự tiến bộ và có lý do để phấn khởi sau những thành tích có được. Nhưng hãy vui thôi, đừng nên vui quá mà thành ra huyễn hoặc để sau này có chuyện gì lại thất vọng, quay sang chỉ trích”, HLV Minh Xương nói.
“Hãy nhìn lại hành trình của U23 Việt Nam ở Đại hội năm nay, những bại tướng của Việt Nam là những đội bóng còn rất trẻ. Họ thậm chí sử dụng đội hình 19-20 tuổi còn Việt Nam là U23 “đại”, U23 + 3, chỉ cần bổ sung 2 vị trí nữa theo quan điểm của tôi là thủ thành số 1 Đặng Văn Lâm và tiền vệ Đinh Thanh Trung nữa là thành ĐTQG.
Nếu muốn biết đích xác trình độ bóng đá Việt Nam thì hãy chờ đến cuối năm nay, khi ĐTQG với nòng cốt này sẽ thể hiện thế nào ở AFF Cup. Những đội bóng mạnh của khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia sử dụng đội hình tốt của họ mà ta thắng được thì mới gọi là khả quan. Hoặc xa hơn một chút là ở ASIAN Cup 2019, khi các ĐTQG mạnh nhất châu lục đưa quân dự World Cup đến tranh tài thì mới biết rõ được thực lực nền bóng đá.
Chúng ta nên tỉnh táo đánh giá đúng về năng lực, sự tiến bộ của bóng đá nước mình chứ đừng nên ảo tưởng bóng đá Việt Nam đã hóa rồng bây giờ”, HLV Minh Xương phân tích.
“U23 Việt Nam thua trước đối thủ kỵ giơ với chúng ta là UAE, điều này chứng tỏ không phải gặp đội Tây Á là dễ dàng thắng được họ. Sau chuyến này, có thể họ đã biết bắt bài bóng đá Việt Nam. Họ biết sở trường phòng ngự phản công của bóng đá Việt Nam và những lần gặp nhau tới, họ cũng chơi lại như thế thì rất khó cho đội tuyển.
Mà họ có thể lực hơn nên thậm chí nhỉnh hơn bóng đá Việt Nam khi đá như thế. Ở AFF Cup, khi gặp các đội Đông Nam Á, họ càng hiểu rõ bóng đá Việt Nam và sau những gì đã làm được, họ thận trọng hơn nữa thì cơ hội chiến thắng của chúng ta càng khó hơn”, vẫn lời ông Xương.
“Dù không có được tấm HCĐ ASIAD như kỳ vọng của người hâm mộ nước nhà nhưng như thế là đáng khen với thầy trò HLV Park Hang Seo. Trước Đại hội không nhiều người nghĩ U23 Việt Nam sẽ làm được điều đó. Nhưng rồi họ thể hiện bản lĩnh để vượt qua từng khó khăn.
Bóng đá trẻ Việt Nam đang cho thấy sự trưởng thành và có sự tiến bộ. Tuy nhiên để nói chuyện tương lai thì còn chưa có gì chắc chắn. Tôi đưa ra con số bóng đá trẻ Việt Nam đang có khoảng 2.000 cầu thủ từ những lò đào tạo và CLB lớn trong nước.
Từ con số đó có đầu ra là 20 tuyển thủ đã và đang chơi ở ASIAD 18. Con số đó vẫn thấp so với mặt bằng chung của những nền bóng đá như Thái Lan hay Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc”, ông Xương nói.
“Năm 2014, tôi có dịp sang Đức và họ đưa đi xem mô hình bóng đá của họ. Họ tính rằng 5.000 cầu thủ trẻ theo học bóng đá thì mới có 1 cầu thủ chuyên nghiệp, có thể khoác áo ĐTQG Đức. Sau khi giành chức vô địch thế giới 2014, Liên đoàn bóng đá Đức lại đưa ra chiến lược dài hạn chuẩn bị cho chức vô địch World Cup tiếp theo từ những em nhỏ chỉ mới 3 tuổi. Họ làm kế hoạch chỉn chu, chi tiết như thế đấy chứ không bao giờ mò mẫm, đếm cua trong lỗ”, HLV Minh Xương lấy ví dụ cụ thể.
HLV họ Đoàn nói thêm: “Bóng đá Việt Nam mới lần thứ 2 lọt vào bán kết Đại hội ASIAD lần thứ 2 từ năm 1962. Chúng ta mừng nhưng Thái Lan xem đó là bình thường vì từ năm 1990, họ đã 4 lần dự các trận đấu tranh huy chương môn bóng đá nam/7 kỳ ASIAD đã qua.
Trình độ Thai League thì so với Việt Nam thế nào ai cũng biết. Các CLB của họ đã thắng CLB hàng đầu của Nhật Bản, Hàn Quốc ở AFC Champions League rồi còn nhiều năm qua, đấu trường này là xa vời với CLB Việt Nam”.
HLV Minh Xương nêu quan điểm: “Sau chức vô địch AFF Cup 2008, bóng đá Việt Nam mới có thêm một lứa cầu thủ tốt. Quan trọng hơn là một HLV giỏi, phù hợp với năng lực nền bóng đá. Thế nên điều này là động lực để người làm bóng đá chăm chút, đầu tư, cổ vũ nhau cùng phát triển.
Vấn đề bây giờ là sau thành công, làm cách nào để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào bóng đá để phát triển thêm. Điều này không hề dễ dàng. Bằng chứng là sau những thành công, người ta chỉ vui, thưởng cho các cầu thủ số tiền rồi đâu lại vào đó. Niềm vui đến thoáng chốc rồi cũng qua nhanh.
Nền móng bóng đá Việt vẫn xây theo kiểu hình chóp, các CLB V-League nhiều hơn các đội phía dưới. Các CLB mạnh ai đào tạo nấy, chưa có chiến lược, định hướng phát triển đồng bộ kiểu như người Nhật. Xem ĐTQG Nhật chơi thế nào thì các CLB của họ sang đây đá dao hiệu cũng xây dựng lối đá tương tự nên đưa vào CLB nào, cầu thủ của họ cũng chơi được. Nên cái nào được thì khen và khen cho đúng, điều gì chưa được phải góp ý xây dựng, đưa phát kiến, chứ đừng vỗ về kiểu “thua ngẩng cao đầu”.
Tags