(Thethaovanhoa.vn) - Đó là một câu chuyện có thật, hay chính xác hơn, là kinh nghiệm truyền lại cho những người yêu thích mạo hiểm. Trong một vài tình huống, nó cũng có thể áp dụng cho người thường.
Chuyện rằng: Vị lữ hành nọ khi thám hiểm ở vùng băng tuyết mênh mông, đã chủ động chôn thức ăn xuống dưới các lớp tuyết dày và được đánh dấu bởi những gốc cây, suốt hành trình của mình. Việc làm đó gọi là "rải lương khô", phòng hờ khi bão tuyết hay lạc đường.
Rất may, vị lữ hành đã không một lần phải đào thức ăn từ những nơi mình đã bỏ xuống, cho đến khi trở về nhà an toàn. Nhưng kinh nghiệm và các bài học quý giá được truyền lại.
Người xưa dạy, được mùa thóc lúa chớ phụ ngô khoai. Hiểu nôm na là càng ấm no, chúng ta càng phải tích lũy, thậm chí tằn tiện, đề phòng hờ các tình huống hạn hán, thiên tai hay mất mùa. Một chừng mực nào đó, nó cũng như kinh nghiệm truyền lại của vị lữ hành nhắc ở trên.
Những ngày qua, không chỉ làng bóng đá Việt, mà tất cả các địa hạt khác của xã hội, của đời sống dân sinh, đều phải chịu những tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Nếu con virus bé nhỏ kia không phải là nhân tai, thì cũng là một loại thiên tai mà chúng ta phải gánh chịu. Đã quá lâu rồi, nhân loại mới phải trải qua một loại thiên tai như vậy, thái độ tiếp nhận với khủng hoảng và giải quyết khủng hoảng mang tính quyết định sống còn vào lúc này.
Lúc này thì lương khô hay ngô, khoai, sắn gì cũng phải đào lên rồi. Chúng ta đã được chứng nhiều mảnh đời bất hạnh vì cái đói đe dọa, không chỉ giữa mùa dịch, mà bình nhật việc kiếm cái ăn, chỗ ở vốn dĩ đã rất nhọc nhằn.
Bóng đá Việt Nam, với hai lực lượng lao động chính thuộc địa hạt là các HLV và cầu thủ, bắt đầu có sự tích lũy tốt hơn ở kỷ nguyên lên chuyên. Tức là thời điểm V-League ra đời, có chuyển nhượng, lót tay, lương thưởng được nâng lên đáng kể, đặc biệt tại các đội bóng giàu có và gặt hái thành tích. Về cơ bản, dân quần đùi áo số thu nhập tốt hơn nhiều so với mặt bằng chung của xã hội.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết chắt chiu, tích lũy, để phòng hờ "bão tuyết hay lạc đường". Nhiều cầu thủ thuộc hàng sao số thậm chí còn tán gia bại sản vì cờ bạc và nghiện ngập. Đấy chính là họa từ phúc mà có!
Phải có những chính sách điều chỉnh để thích nghi, từ cấp CLB đến các ĐTQG và hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, với cơ quan - tổ chức xã hội nghề nghiệp là VFF đứng đầu, khi chúng ta chưa thể khoanh vùng dịch Covid-19 và bóng chưa lăn trở lại.
Cắt giảm lương là điều dễ làm nhất và cần làm ngay, với rất nhiều các CLB thuộc loại nhà giàu ở Việt Nam và trên thế giới đã thực hiện rồi. Công việc của cầu thủ là đá bóng và khi không làm việc, tức là không đá bóng, giảm lương là đương nhiên, ngay cả điều này không có trong những ràng buộc của hợp đồng.
Nhưng, một băn khoăn của người trong cuộc, đấy là sau giảm lương, liệu có đến giai đoạn… ra đường?! Các bản hợp đồng chuyên nghiệp đều có thời hạn nhất định, hết hợp đồng thì đường ai nấy đi, nếu không đạt được các thỏa thuận ký mới. Trường hợp xấu nhất, CLB không chịu được quỹ lương và sinh hoạt khổng lồ, dẫn đến giải thể, thì còn có thể đi nhanh hơn.
Lịch sử bóng đá Việt Nam vắt qua tuổi 20 kể từ khi lên chuyên, đã chứng kiến quá nhiều các CLB "bỗng dưng mất tích" rồi.
Suy cho cùng thì chúng ta phải thuận và thích ứng theo thời thế, bởi không ai biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra. Với ngay cả đội ngũ những người sung túc nhất như giới cầu thủ, các đôi chân tiền tỷ, thì ngay lúc này cũng phải lo lắng, huống chi dân thường. Ngày đoạn tháng trường, điều có ích duy nhất vào lúc này là ở nhà và góp sức cùng cả xã hội phòng chống đẩy lùi dịch Covid-19 qua mau, để cuộc sống bình nhật trở lại. Sau đó mới tính đến chuyện lấy lại thăng bằng và chọn xuất phát điểm từ đầu như thế nào cho hợp lý, với không chỉ bóng đá Việt, mà nhiều ngành, nghề khác.
Tùy Phong
Tags