(Thethaovanhoa.vn) - Theo danh sách thống kê trên trang web của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, số tiền thưởng mà U23 Việt Nam đã nhận sau vòng loại đến hết trận tứ kết VCK U23 châu Á là 4,3 tỷ đồng.
- HLV Park Hang Seo giúp học trò bớt tự ti, người thân tuyển thủ U23 Việt Nam không sang Trung Quốc
- Công Vinh bức xúc vì bị chế ảnh dự đoán U23 Việt Nam thua Iraq
- ‘Cháy’ tour du lịch đi Trung Quốc cổ vũ đội U23 Việt Nam trận chung kết
Thế nhưng, chỉ sau một trận - chiến thắng trước U23 Qatar để vào chung kết, thầy trò ông Park Hang Seo đã nhận 14,980 tỷ đồng từ các cơ quan, đơn vị và cá nhân. Đó là VFF chưa thống kê 2 tỷ đồng từ UBND TP.HCM, 1 tỷ đồng của UBND Hà Nội. Nếu thêm hai địa phương này, con số phải là 22,280 tỷ đồng. Một cơn bão tiền thưởng vô tiền khoáng hậu dành cho bóng đá, chắc chắn chưa dừng lại...
Chuyện đội bóng thi đấu xuất sắc, giành thành tích đặc biệt góp phần mang lại niềm tự tôn dân tộc, thưởng nhiều cũng là rất, rất xứng đáng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hài lòng với quyết định thưởng này, mà vấn đề là cách thưởng. Ví như việc UBND thành phố Đà Nẵng thưởng 1 tỷ đồng cho đội tuyển U23, khen nhiều nhưng cũng không ít ý kiến xì xào. Một nhà báo lão làng là công dân thành phố bên sông Hàn viết hẳn trên trang cá nhân: “Không đồng tình vì chưa có sự đồng ý của tôi, là người đóng thuế”. Chẳng biết, các đơn vị khác có thế không?
Thưởng là cả một nghệ thuật. Thời trước, các đội tuyển quốc gia đi đá giải, VFF cũng luôn đi xoay tiền thưởng để treo trước, nhưng đa số phản tác dụng.
Rồi các doanh nghiệp ở ta lâu nay, nhất là doanh nghiệp gắn tên với đội bóng nào đó, cứ có tiền lệ đua thưởng. Trước trận treo thưởng. Sau trận thích thì thưởng thêm. Quỹ tiền thưởng mỗi năm chiếm phần lớn ngân sách hoạt động của đội bóng. Họ coi đó là động lực để cầu thủ đá hết mình. Hệ lụy, hình thành thứ bóng đá kim tiền. Để tập trung nguồn lực vật chất đầu tư cho công tác đào tạo trẻ ít ai chú trọng. Như Đà Nẵng chẳng hạn, mấy năm nay đào tạo bóng đá trẻ bê trễ, kinh phí rất hạn chế. Mỗi năm, trong ngân sách thành phố rót xuống cho ngành thể thao và bóng đá nói riêng, không biết kinh phí “ươm măng” của họ có ổn?
Nhìn rộng ra, công cuộc xã hội hóa bóng đá ở ta, trong đó việc vận động kinh phí cho công tác đào tạo trẻ, tập huấn, luôn gặp khó khăn. Trong khi đó, bóng đá trẻ lại phát triển rất tốt, đã chứng minh sẽ quyết định đến sự phát triển của nền bóng đá. Trong năm 2016-2017, ngân sách VFF đã “thủng”, vì họ không ngờ bóng đá trẻ nhiều đội thành công, phải đi tập huấn và thi đấu quốc tế liên tục.
Bóng đá cũng như sản phẩm khác, chất lượng phải tốt thì mới “bán” được. Nếu các đội tuyển quốc gia, nếu V-League chất lượng, đặc biệt VFF có uy tín, “thượng đế” - khán giả, Mạnh Thường Quân sẽ không tiếc tiền để ủng hộ. Nhưng phải thẳng thắn thừa nhận, thương hiệu VFF, các đội tuyển quốc gia và V-League một thời gian dài đã gây thất vọng rất lớn.
U23 Việt Nam xứng đáng được nhận thưởng lớn. Nhưng điều quan trọng là "cơn bão" thưởng cần thoát khỏi tính chất phong trào, bốc đồng như thường thấy. Nếu quá trình U23 Việt Nam (và nhiều đội tuyển trẻ khác) tập huấn, chuẩn bị cho các giải đấu châu lục, các doanh nghiệp xắn tay vào đồng hành, tài trợ, thì chắc chắn hiệu quả còn lớn hơn. Và điều quan trọng hơn, tình cảm của triệu triệu khán giả đang dành cho đội tuyển U23 Việt Nam mới là phần thưởng đáng giá nhất.
Hữu Quý
Tags