Bàn về ghế Chủ tịch VFF

Thứ Hai, 04/12/2017 06:22 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch Liên đoàn bóng đá TP.HCM, Ủy viên Thường trực VFF, được bầu làm Chủ tịch Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Như vậy, quyền kiểm soát VPF vẫn thuộc về VFF, khi ngoài ông Tú, còn có đương kim Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh lọt vào thành viên hội đồng quản trị, người được coi vẫn khá chắc suất trong Thường trực VFF nhiệm kỳ tới.

Thực ra, sẽ tốt hơn nếu Chủ tịch VPF là một doanh nghiệp sừng sỏ, “thét ra lửa”, để tạo vị thế đối trọng về tầm ảnh hưởng với với VFF, vốn chiếm đến 35,4% cổ phần. Trong khi, các cổ đông lớn nhất (các CLB) chỉ có 3,9% cổ phần. VPF lâu nay được coi như cái sân sau của VFF, nên sự thay đổi này dù lớn vẫn bị cho là “bình mới, rượu cũ”. VPF mà có vài nhân vật cỡ bầu Kiên (ở lĩnh vực bóng đá), thì có lẽ sứ mệnh của nó đã khác. Thật đáng tiếc!

Nguyên Chủ tịch VPF vừa rút lui, ông Võ Quốc Thắng, khổ nỗi lại hiền lành quá. Vị thế bóng đá của ông lại sa sút, nên nhiệm kỳ qua nhợt nhạt cũng là dễ hiểu.

Tại Đại hội cổ đông nhiệm kỳ, theo báo cáo tài chính, VPF không thua lỗ là may. Hết nhiệm kỳ, ngân sách gọi là “sạch sẽ”. Mùa giải 2018, VPF đang đau đầu khi hợp đồng với nhà tài trợ chính đã hết.

Giờ đây, dư luận chỉ còn nhìn vào cuộc chạy đua vào ghế Chủ tịch VFF nhiệm kỳ tới. Những ai yêu bóng đá nội, đều rất muốn cuộc đua này sẽ gay go, quyết liệt hơn, chứ không chung kịch bản cũ.

Kịch bản ấy đã từng như thế này. Năm 2014, theo quy trình, các tổ chức thành viên VFF cũng giới thiệu 9 vị vào cuộc đua. Nhưng, tất cả đồng loạt rút. Nên 3 tháng trước khi đại hội, ông Lê Hùng Dũng một mình một ngựa về đích.

Nói ghế Chủ tịch VFF ít ai mặn mà là sai. Thậm chí, rất nhiều người yêu bóng đá trong xã hội muốn tham gia và cống hiến. Nhưng, cơ chế trói buộc, nếu ứng viên không thuộc tổ chức VFF, Tổng cục TDTT, Bộ VH,TT&DL, cơ hội đua vào ghế Chủ tịch VFF khó hơn… lên trời! Bởi, những lá phiếu bầu do các Ủy viên là đa số các CLB, các Ban, phòng VFF, cho nên kết quả dường như đã định sẵn.

Trong vai trò Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính hai nhiệm kỳ trước đó, phải thừa nhận công lao của ông Lê Hùng Dũng rất nhiều cho bóng đá Việt Nam. Nhưng, khi ngồi ghế Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VII, đấy là lúc ông đã nghỉ hưu, không còn Chủ tịch Eximbank, nên hiệu quả về mặt kinh tài đã không còn. Chuyên môn bóng đá không phải là sở trường ông Dũng. Đã thế, sức khỏe lại không đảm bảo. Người được ông giới thiệu - bầu Đức - giữ vị trí Phó Chủ tịch phụ trách tài chính, cũng không phát huy được vai trò chính - Kiếm tiền cho bóng đá, khi “sư huynh” đã rời ghế Chủ tịch Eximbank.

Bí ẩn danh tính ứng viên Chủ tịch VFF khóa VIII

Bí ẩn danh tính ứng viên Chủ tịch VFF khóa VIII

Danh tính các ứng cử viên Chủ tịch VFF khóa VIII thay thế cho Chủ tịch đương nhiệm Lê Hùng Dũng vẫn chưa được hé lộ tại Đại hội thường niên VFF khóa VII năm 2017.

Đại diện VFF đã bắn tiếng, Chủ tịch VFF nhiệm kỳ tới sẽ có lý lịch hoành tráng, có uy tín và ảnh hưởng xã hội. Phải nói thẳng, Việt Nam không thiếu người đủ khả năng làm Chủ tịch VFF. Vấn đề, tổ chức này phải thay đổi mạnh mẽ về chất, hoạt động chuyên nghiệp hơn, đặc biệt là đoàn kết.

Muốn thế, trong màn đua tranh vào ghế Chủ tịch VFF, đại hội lần này phải cách mạng được phương pháp tuyển chọn người. VFF đã là tổ chức xã hội, phải trao quyền được tự ứng cử cho nhiều đối tượng trong xã hội tham gia, dứt khoát cần phải có thêm nhiều nguồn ứng viên. Những người có quyền tham gia bầu phải thay đổi tư duy, vì đại cục để lá phiếu thực sự có trách nhiệm.

Chỉ như thế thì mới tìm ra được một vị Chủ tịch VFF tốt, mới hy vọng được VFF cũng như nền bóng đá thay đổi về chất sau bao năm ngốn quá nhiều tiền mà đẳng cấp vẫn không thay đổi.

Hữu Quý

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›