(Thethaovanhoa.vn) - Trong những ngày này “Việt Nam” trở thành cái tên nhận được sự yêu thương mang tính đột biến ở thành phố Thường Châu.
- Công ty tài chính cùng khách hàng thưởng U23 Việt Nam 500 triệu đồng
- Sơn Tùng M-TP 'xin hát' trong chương trình vinh danh các cầu thủ U23 Việt Nam
- Mục sở thị trung tâm tiếng Anh tài trợ 1 tỷ 2 học bổng cho đội tuyển U23 Việt Nam
Kể từ khi có mặt tại Côn Sơn, Thường Thục rồi tới Thường Châu để theo chân đội tuyển U23 Việt Nam trong hành trình tại VCK U23 châu Á năm 2018, phải đến 2 ngày nay chúng tôi mới gặp được những người dân Trung Quốc bình thường đầu tiên có nhận thức về giải đấu này.
Tất cả mọi việc bắt đầu từ chiến thắng của U23 Việt Nam trước U23 Qatar ở bán kết. Đội bóng vùng Vịnh nằm cùng bảng đấu với U23 Trung Quốc, và trong trận U23 Trung Quốc – U23 Qatar diễn ra ngày 15/1/2018, khi chủ nhà U23 Trung Quốc đang dẫn trước U23 Qatar với tỷ số 1-0 và tràn đầy cơ hội đoạt vé vào tứ kết nếu giữ nguyên kết quả này cho tới hết trận thì bất ngờ đội trưởng He Chao của U23 Trung Quốc bị trọng tài Alireza Faghani (người Iran) rút thẻ đỏ truất quyền thi đấu ở phút 41.
Do phải thi đấu thiếu người nên cuối cùng U23 Trung Quốc bị thua ngược với tỷ số 1-2 và bị loại ngay sau vòng bảng. Kết quả này khiến các CĐV Trung Quốc cực kỳ phẫn nộ, và có một số CĐV đã bình luận trên mạng xã hội Weibo theo chiều hướng nghi ngờ U23 Qatar được trọng tài thiên vị để loại U23 Trung Quốc.
Vì thế, sau khi U23 Việt Nam giành chiến thắng trước U23 Qatar, không ít CĐV Trung Quốc đã bày tỏ thái độ vui mừng và hả hê theo kiểu “công lý được thực thi” trong nhiều bình luận trên mạng xã hội Weibo, và từ đây họ dành cho U23 Việt Nam rất nhiều sự quan tâm.
Trước đó, chúng tôi chưa từng gặp sự quan tâm như vậy từ Côn Sơn cho tới Thường Thục, kể cả sau khi U23 Việt Nam đánh bại U23 Iraq ở vòng tứ kết, và một phần là vì bóng đá ở Trung Quốc chỉ là môn thể thao được yêu thích thứ 3 sau bóng bàn và cầu lông.
Thế nhưng, U23 Việt Nam đã khiến người hâm mộ Trung Quốc bớt hẳn sự thờ ơ với giải U23 châu Á năm 2018, dù đội chủ nhà đã phải nói lời chia tay sau vòng bảng.
Hôm qua (25/1), trên đường từ khách sạn tới sân tập của U23 Việt Nam, một cô gái ngồi ở ghế trước đã reo lên đầy vui mừng khi lái xe nói chúng tôi đến từ Việt Nam, và cô gái này còn nhầm tưởng nhóm phóng viên là cầu thủ U23 Việt Nam vì chúng tôi đang tìm đường vào sân Changzhou Olympic Sports Center.
Không lâu sau đó, khi chúng tôi đang dẫn hiện trường ở bên trong khuôn viên sân Changzhou Olympic Sports Center, một nhóm thanh niên Trung Quốc đi ngang qua cũng chỉ vào chúng tôi và nói “Duế Nán” (cách phát âm từ Việt Nam của người Trung Quốc) với vẻ rất thiện cảm.
Hôm nay (26/1), tình hình cũng tương tự khi chúng tôi bắt xe từ khách sạn để tới sân tham dự buổi họp báo trước trận. Tài xế lái xe taxi liên tục nắm tay rồi giơ lên hô “Duế Nán”, “Duế Nán” để biểu thị U23 Việt Nam là một đội bóng rất mạnh.
Tuy hâm mộ U23 Việt Nam như vậy nhưng bác tài vẫn không quên “nhiệm vụ”, khi bắt chúng tôi phải trả tiền kiểu khoán một cục mới chạy chứ nhất quyết không chịu bấm đồng hồ, tận dụng tình hình Thường Châu mấy ngày nay đang “cháy” taxi do mưa tuyết và giá lạnh bất thường.
Không chỉ người dân bình thường, một số nhân viên làm việc tại Changzhou Olympic Sports Center cũng là fan của U23 Việt Nam, và khi biết chúng tôi đang tìm đường đến nơi tập luyện của U23 Việt Nam vào chiều ngày 25/1, nhân viên bảo vệ của Changzhou Olympic Sports Center đã chỉ dẫn rất tận tình và thậm chí còn chỉ cách để chúng tôi đi trên tuyết mà không bị trượt ngã.
Có thể nói cho đến lúc này số người hâm mộ thày trò HLV Park Hang Seo chắc chắn không chỉ gói gọn ở phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà đã được lan truyền ra nhiều quốc gia châu Á khác, trong đó gồm cả Trung Quốc.
Huy Anh – Mạnh Vũ (Từ Thường Châu, Trung Quốc)
Tags