(Thethaovanhoa.vn) - Một lần nữa, bầu Đức lại khiến dư luận chú ý khi đã phạt cầu thủ của mình, trung vệ Tăng Tiến, nghỉ đến hết lượt đi mùa giải 2018. Án phạt này xuất phát từ tấm thẻ đỏ Tăng Tiến phải nhận ở những phút đá bù giờ của hiệp 1, sau pha vào bóng triệt hạ Duy Mạnh của Hà Nội. Xem kỹ tình huống bỏ bóng đạp người đầy bạo lực đó, Duy Mạnh không bị chấn thương nặng là quá may mắn.
- HAGL, bi kịch cái đẹp hay sự bất lực của bầu Đức
- Duy Mạnh bị dập cơ, mong bầu Đức giảm án cho Tăng Tiến
- Trọng tài đột quỵ qua đời ở tuổi 37, bầu Đức tiếp tục cảnh cáo Tăng Tiến
Đó cũng là tình tiết để Mạnh cùng một số cầu thủ tỏ ra đồng cảm, mong muốn bầu Đức giảm án cho Tăng Tiến.
Bất chấp, bầu Đức vẫn cương quyết xử lý, và tuyên bố HAGL luôn theo đuổi bóng đá đẹp, không chấp nhận cầu thủ đá kiểu “mất dạy”. Kể cả Xuân Trường, hay Công Phượng nếu có vấn đề cũng bị ông xử lý.
Người viết nghĩ trong trường hợp này, ông Đức có lý, và cái lý của ông cần được tôn trọng. Bóng đá Việt Nam luôn đối diện với rất nhiều hình ảnh xấu, liên quan đến bạo lực sân cỏ, nơi cầu thủ sẵn sàng triệt hạ đồng nghiệp của mình, không ít lần đã “hân hạnh” được lên báo chí quốc tế. Viết đến đây, lại nhớ đến trường hợp phải giải nghệ của Anh Khoa, CLB SHB Đà Nẵng, tại V-League 2016. Một cầu thủ tuổi đời đôi mươi, sự nghiệp đang phơi phới thì một pha vào bóng thô bạo của Quế Ngọc Hải đã phá tan giấc mơ cầu thủ chuyên nghiệp. Lần đó, Quế Ngọc Hải và SLNA cũng “điêu đứng” khi không thể chạy vạy ra 800 triệu đồng để “đền” cho Anh Khoa. Mà ăn năn, đền đủ tiền thì cũng không cứu được sự nghiệp cầu thủ Đà Nẵng.
Thông thường, khi cầu thủ phạm lỗi thô bạo dẫn đến chấn thương nặng cho đối phương, phán xử bị đẩy cho Ban Kỷ luật. Nếu Ban Kỷ luật phạt nặng, phản xạ lập tức của cầu thủ và CLB chủ quản là xin giảm án, “than thân, trách phận”. Thay vào đó, sự cần thiết nhất là ở bước một, họ phải xử lý nội bộ thật nghiêm khắc với quân của mình. Đã một thời, ngay từ các tuyến U, nhiều HLV đã dạy cho cầu thủ các trò tiểu xảo, rồi gian lận tuổi tác…, để mong đạt thành tích cao. Vô tình, họ đã cổ xúy cho thứ bóng đá thiếu tinh thần fair play từ khi học trò nhân cách chưa hoàn thiện, họ sẵn sàng bao che khi quân mình phạm lỗi. Chính bầu Đức từng có nhận xét cay nghiệt, nhưng không phải thiếu cơ sở: “Cầu thủ ở ta càng lớn càng… mất dạy”!
Giờ đây, nhiều trung tâm bóng đá đã bắt đầu chú trọng đến việc dạy cầu thủ học văn hóa, rèn luyện đạo đức, tác phong chuyên nghiệp. Chúng ta cũng phải thừa nhận, cũng như gia đình, các CLB là tế bào cấu thành nền bóng đá chuyên nghiệp. Không chỉ trong vấn đề bạo lực, sự chuyên nghiệp của nền bóng đá phụ thuộc cơ bản vào ý thức của các CLB, các tổ chức thành viên.
Nếu CLB tuyên chiến mạnh mẽ với quân mình, sẵn sàng xử phạt nặng cầu thủ vi phạm các tiêu chí chuyên nghiệp, trong đó có chơi bóng bạo lực, chắc chắn sân cỏ nước nhà sẽ được cải thiện.
Đừng để hành vi bạo lực tiếp tục leo thang, khi gây họa mới đem xử lý, còn không thì cho qua dễ dàng.
Hữu Quý
Tags