(Thethaovanhoa.vn) - Từng kinh qua hai giai đoạn của bóng đá bao cấp và chuyên nghiệp, gắn bó với bóng đá Đồng Tháp hơn 30 năm và khi nhìn bóng đá chuyên nghiệp kém xa thời bao cấp còn Đồng Tháp thì ngày càng đi xuống, ông Phạm Duy Tiến không khỏi xót lòng nhưng cố làm lại từ những bước đi đầu tiên, chậm mà chắc.
- Hải Phòng bay cao. Đồng Tháp bét bảng
- FLC Thanh Hóa 'trút giận' lên Đồng Tháp
- B.Bình Dương thua tại Quảng Nam, FLC Thanh Hóa thắng Đồng Tháp 4-0
Nhìn bóng đá chuyên nghiệp 16 năm nay vẫn không phát triển nhiều, anh có luyến tiếc về bóng đá thời bao cấp?
- Nếu thời bao cấp các cầu thủ , HLV ra sân là một sự đam mê. Mỗi một trận đấu là ngày hội, tất cả đều vô tư và trong sáng với nghề thì bóng đá chuyên nghiệp ngày nay đã có chuyển biến về nhiều mặt: điều kiện hành nghề tốt hơn, cơ hội giao lưu quốc tế nhiều hơn, những thói hư, tật xấu trong một bộ phận cầu thủ cũng cao hơn, tình yêu dành cho bóng đá cũng giảm sút hẳn ở cả HLV, cầu thủ lẫn NHM.
Bóng đá chuyên nghiệp hiện nay cần học hỏi bóng đá thời bao cấp những gì?
- Tình yêu và sự đam mê nghề, thái độ cống hiến là cái đang thiếu. Bóng đá chuyên nghiệp mang đến tiền bạc và vật chất nhưng thiếu một nền tảng quản lý và giáo dục tốt đã đẩy một bộ phận cầu thủ sa ngã.
Bóng đá thời bao cấp sản sinh nhiều lãnh đạo lão luyện: "Ke như Phán, lán như Thì, lì như chín Lộc, cộc như Tám Đông, lông bông như Tương Minh", trong số này anh quý mến và đánh giá ai cao? Họ có những phẩm chất gì mà những nhà quản lý bóng đá hiện nay cần phải học hỏi?
- Những “biệt danh’’ đó nói vui trong làng thể thao thời bao cấp một phần nói lên bản lĩnh và sự dày dạn kinh nghiệm trong thế hệ lãnh đạo thời đó. Giai đoạn đó nói đến sở TDTT thì bóng đá là phần hoành tráng nhất , do vậy có những nhân vật điển hình truyền miệng trong ngành; còn quản lý bóng đá tốt có các ông: Trần Bẩy, Duy Ly, Ngô Tử Hà thế hệ sau có Phạm Ngọc Viễn……còn kiến thức sâu có ông Lê Thế Thọ. Đó là những con người có tầm nhìn, niềm đam mê và cháy hết mình cùng bóng đá.
“Đồng Tháp vẫn đang mập mờ giữa chuyên nghiệp và phong trào”
Đồng Tháp từng là địa phương rất mạnh về bóng đá nhưng hiện tại lại trải qua khó khăn, đâu là nguyên nhân?
- Mất dần thế mạnh trong đào tạo bóng đá trẻ, đội chuyên nghiệp nhiều năm trồi sụt thất thường, những gương mặt nổi bật trong các đội tuyển quốc gia mang thương hiệu Đồng Tháp vắng dần là những tín hiệu xấu dồn dập trong nhiều năm gần đây. Đồng Tháp đang lẩn quẩn theo bóng đá chuyên nghiệp, và đang trả giá đắt cho sự hụt hơi của mình.
Tài chính vẫn yếu tố quyết định hàng đầu cho sự phát triển của một đội bóng. Thời kỳ gắn kết với tập đoàn cao su giai đoạn 2009-2011, bất cứ ai đến “chảo lửa Cao Lãnh” cũng choáng với đội bóng hùng mạnh và một khán đài rực lửa. Còn hiện tại, bóng đá Đồng Tháp vẫn đang mập mờ trong xác định hướng đi “chuyên nghiệp hay phong trào”.
Đào tạo trẻ Đồng Tháp hiện nay như thế nào?
- Đào tạo trẻ không giao cho doanh nghiệp làm bóng đá nữa mà phân công một đơn vị quản lý trực tiếp. Chúng tôi cấu trúc lại toàn bộ từ tuyển chọn đầu vào, quy trình huấn luyện, chú trọng nền tảng HLV…. Bên cạnh đó, Đồng Tháp từng bước xây dựng quan hệ quốc tế trong huấn luyện, thi đấu, kiểm soát tốt các giai đoạn.
Hy vọng với những bước đi chậm mà chắc, xây dựng trên một nền tảng căn cơ, trong 3-5 năm tới, bóng đá Đồng Tháp sẽ trở lại với thời kỳ hưng thịnh, xứng danh là một trung tâm đào tạo bóng đá trẻ tốt của quốc gia.
Muốn bóng đá Đồng Tháp phát triển, cần những điều kiện nào? Tiền có phải quyết định tất cả?
- Tiền là yếu tố đầu tiên, nhưng không phải quyết định tất cả. Giai đoạn bóng đá Đồng Tháp cực thịnh không nhiều tiền. Thời điểm đó, chúng tôi có một bộ máy quản lý mạnh, các HLV có nghề trên từng tuyến, có cơ chế thích hợp và một tổng công trình sư giỏi nghề lái được thuyền bóng đá Đồng Tháp về đích, nhưng cũng không thể tách khỏi mô hình chuyên nghiệp và doanh nghiệp theo xu thế. Thế nên, để bóng đá Đồng Tháp lấy lại hình ảnh xưa, những yếu tố tôi vừa nêu trên là rất quan trọng, tất nhiên không thể thiếu yếu tố tài chính.
Đồng Tháp lâu nay không cung cấp nhiều tuyển thủ QG, ông có cảm thấy đau lòng?
- Có giai đoạn các cầu thủ Đồng Tháp tham gia các đội tuyển quốc gia đều để lại ấn tượng khá tốt; thậm chí thủ môn đội tuyển nam, nữ và các lứa tuổi quốc gia từ lò đào tạo Đồng Tháp mà ra. Ngày nay, ngay cả đội chuyên nghiệp có 3 thủ môn đều phải chuyển nhượng từ nơi khác. Đó là một nỗi đau, sự hụt hẫng lớn và cả những trăn trở không chỉ riêng những người quản lý như tôi mà toàn bộ NHM bóng đá không tránh khỏi cảm giác đó.
Liệu với đà thế này, thương hiệu và vị thế truyền thống ông có lo sợ sẽ biến mất trên bản đồ bóng đá Việt Nam?
- Mất thì đã rõ rồi. Vấn đề là giải pháp khắc phục và kèm theo đó là quyết tâm làm lại từ đầu. Bóng đá Đồng Tháp là truyền thống và cả niềm tự hào của nhiều người. Đó cũng là thương hiệu lớn của bóng đá Việt Nam và trước tiên, chúng tôi cần phải làm lại từ chính bóng đá trẻ.
Gọi lại Công Minh ở thời điểm này có phải là giải pháp “chữa cháy”?
- HLV Công Minh trở lại trong thời điểm này là quá khó cho anh ấy. Đó là người có đam mê, nhiệt huyết, tận hiến và mang đến khát khao chiến thắng, có hoài bão xây dựng bóng đá quê hương, nhưng với chiến trường V-League và những gì có trong tay thì với Công Minh là một bài toán khó giải.
Ông nghĩ sao về cơ hội của Đồng Tháp ở V-League mùa này?
- Cơ hội phụ thuộc lớn vào việc thay thế lực lượng ở giai đoạn nghỉ này. Bên cạnh đó cần một vài điều chỉnh về “dopping” tài chính lẫn tinh thần. Tôi nghĩ cơ hội dù nhỏ nhưng vẫn còn.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Ông Phạm Duy Tiến là người có thâm niên gắn bó với bóng đá Đồng Tháp hơn 30 năm nay. Ông từng kinh qua vai trò HLV và quản lý CLB trong 15 năm và quản lý chung cấp sở là hơn 30 năm. |
Nam Giao (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần
Tags