(Thethaovanhoa.vn) - Nếu TP.HCM hơn Nam Định 5 điểm thì Sài Gòn chỉ duy trì cách biệt 1 trận hòa với CLB cuối bảng. Bóng đá Sài Gòn từ chỗ hô hào mục tiêu này nọ thì giờ, cố lắm có lẽ cũng chỉ mơ trụ hạng. Dù vậy ở những chuyện “giật gân”, có lẽ phần còn lại khó so bì với cả hai.
- FLC Thanh Hóa mất Omar 3 trận, Sài Gòn FC có Chủ tịch mới
- HLV Sài Gòn FC đổ lỗi cho trọng tài sau trận thua đậm Hà Nội FC
- Quang Hải kiến tạo, Hà Nội FC vùi dập Sài Gòn FC ở Cup QG - Sư tử trắng 2018
2 năm 5 ông Chủ tịch
Nếu phần còn lại của V-League chờ mỏi mắt cũng không thấy ông bầu nào rời chức vụ cao nhất CLB thì ở Sài thành, đó là chuyện thường. Thương hiệu cỡ bự như Lê Công Vinh cũng chỉ là người làm thuê và được lãnh đạo cấp trên “chiếu cố” cho tại vị đúng hơn 1 mùa bóng. Người thay thế Công Vinh, cựu HLV trưởng ĐTQG Nguyễn Hữu Thắng trên lý thuyết cũng gắn bó với TP.HCM đôi năm trong hợp đồng.
Sài Gòn thậm chí còn thay tướng nhiều hơn tuyển mộ cầu thủ mới. Kỳ chuyển nhượng giữa giai đoạn chưa bắt đầu, Sài Gòn đã có 3 cái tên cho chức vụ Chủ tịch CLB. Từ ông Nguyễn Giang Đông đến Trần Tiến Đại và giờ là cựu Trưởng giải Dương Nghiệp Khôi. Ông Khôi tưởng chừng đã lui về ở ẩn sau khi viết hồi ký nhưng khi nhận được lời mời hợp lý, liền quay trở lại với niềm đam mê của mình.
5 ông Chủ tịch trong vòng 2 năm với 2 CLB Sài thành, con số có thể bình thường ở những lĩnh vực khác. Tuy nhiên, với bóng đá, điều này gắn liền với những sự thay đổi và sâu xa hơn là bất ổn. Khi thượng tầng lung lay, trách chi hạ cấp lao đao.
Càng nhiều càng rối
Sau sự ra đi của Công Vinh, CLB TP.HCM bắn tiếng họ đã tiêu tốn đến 150 tỷ đồng để duy trì đội bóng. Lãnh đạo ngành thể thao thành phố xác nhận có văn bản của đội bóng kêu cứu về tình hình tài chính của CLB. Có điều “cháy nhà mới…”, nhiều CĐV há hốc mồm không hiểu trong vòng chưa đến 2 mùa giải, số tiền khổng lồ đó được đầu tư ra sao khi thành tích CLB vẫn đì đẹt dưới cuối bảng.
Đặt mục tiêu Top 3 V-League 2018 nhưng có thể khẳng định khi mùa giải chưa hết lượt đi, TP.HCM cố lắm có thể cũng chỉ ngoi lên TOP giữa. Năng lực hiện tại của thầy trò Miura chưa đủ để sánh với những đội đứng trên, và có điều chắc chắn Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng sẽ còn dùng nhiều tiền để mua sắm cầu thủ hòng nâng cấp CLB trong những ngày tới.
TP.HCM may mắn vì có tiếng “con ruột”, họ được dốc hầu bao để chi tiêu thoải mái. Đội bóng cùng thành phố Sài Gòn không có vận son đó khi đến giờ, họ vẫn được ngầm hiểu là CLB được gắn mác địa phương. Bộ đôi Chủ tịch Nguyễn Giang Đông – HLV Nguyễn Đức Thắng ra đi, kèm theo những cuộc tháo chạy hàng loạt của các trụ cột như Văn Thuận, Đình Trọng, Văn Đại… khiến Sài Gòn lao dốc. Từ CLB Top 5 mùa trước, Sài Gòn chỉ còn cách đội cuối bảng Nam Định 1 điểm và phải vất vả cạnh tranh vé trụ hạng.
Điểm chung giữa những ồn ào ở Sài Gòn và TP.HCM, những vị trí điều hành cấp cao của CLB đều không để lại dấu ấn chuyên môn như mong đợi của CĐV địa phương. Sau văn bản mà TP.HCM đưa lên UBND TP.HCM, ở khía cạnh nào đó đội bóng như “con tin” của doanh nghiệp. Sài Gòn còn bi đát hơn, nếu số phận họ rơi về hạng Nhất, không hiểu tương lai của CLB về đâu. Di sản của những cựu Chủ tịch để lại cho 2 CLB Sài thành, tất cả đều phản ánh ở dưới bảng xếp hạng.
Việt Hà
Tags