Nếu như ở Việt Nam, cuối thập niên 1970 đã có các trường năng khiếu bóng đá thì ở Hàn Quốc, những mô hình riêng biệt như vậy chỉ xuất hiện 10 năm trở lại đây.
Thế hệ của Gong Oh Kyun, các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp hình thành và phát triển từ cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học. Hay nói cụ thể hơn, một đội bóng chuyên nghiệp được định hình từ bóng đá học đường, song hành cùng với việc học văn hóa rất nghiêm khắc.
Ở Hàn Quốc, cầu thủ nhí học cùng các bạn trong lớp, sẽ được điểm theo thứ tự A, B, C, D. Gong kể: “Với điểm văn hóa phân loại theo thứ tự như vậy, nếu không đạt yêu cầu của nhà trường thì sẽ không được thi đấu”.
Câu lạc bộ bóng đá trường học của Gong Oh Kyun từ cấp tiểu học tên là Bupyeong, cho đến hết trung học phổ thông. Điều đặc biệt với những học sinh là cầu thủ chuyên nghiệp, các thầy cô dạy văn hóa cũng “nương tay” so với những học sinh học chuyên về văn hóa. Nhưng huấn luyện viên của lớp Gong vẫn yêu cầu các cầu thủ phải đạt thứ hạng thứ mấy trở đi trong lớp. Điều đặc biệt của mô hình bóng đá trường học này đó là không có những thương vụ chuyển nhượng, mua bán cầu thủ, sự gắn bó của cầu thủ với đội bóng khá dài không tạo nên những xáo trộn người đi kẻ ở trong một đội bóng.
Người thầy dạy bóng đá đầu tiên cho cậu học trò Gong Oh Kyun chính là một giáo viên dạy thể thao trong trường. Triết lý bóng đá của thầy chính là: Thứ nhất: Làm việc gì cũng phải nghiêm túc, chăm chỉ. Thứ hai: nền tảng thể lực, những kiến thức, khái niệm và kỹ thuật cơ bản phải nắm thật vững.
Cuộc sống lăn cùng đam mê trái bóng nhưng không phải lúc nào đam mê ấy cũng có “lửa”. Đôi khi cậu học trò Gong cũng chán ngấy bóng đá vì lười nhác, thậm chí rất nhiều lần muốn từ bỏ, đặc biệt khi học lên THPT (cấp 3). Nhưng sau này trưởng thành hơn, Gong lại cám ơn và thấm thía những lời dạy mộc mạc của thầy, sự đơn giản trong lời dạy của thầy khi ấy lại chính là cẩm nang để Gong quyết tâm theo đuổi sự nghiệp bóng đá ở nhiều môi trường, vị trí khác nhau, với một phong thái tự tin và nụ cười luôn thường trực trên môi dù căng thẳng áp lực đến đâu.
Gong là trợ lý huấn luyện viên đội bóng trẻ khá nổi tiếng xứ sở kim chi từng 2 lần tham dự World Cup U20 năm 2017 (ĐT Hàn Quốc chỉ vượt qua vòng 16) và World Cup U20 2021 (ĐT Hàn Quốc giành ngôi vị á quân). Với profile đáng nể như vậy nhưng Gong chưa từng khoác áo ĐTQG Hàn Quốc. Gong kể: Có một kỷ niệm đáng nhớ với tôi là năm 2001, khi Hàn Quốc chuẩn bị cho World Cup, ông đang thi đấu cho đội bóng Daecheon, đứng trước nguy cơ rớt hạng phải giải tán đội bóng. Rất may, đội bóng đã thoát hiểm ở trận cầu then chốt. Hôm ấy ghi được 1 bàn, tác giả là Kim Eun Jung, huấn luyện viên U19 Hàn Quốc hiện nay. trước thềm SEA Games 31, U19 Hàn Quốc đá với U23 Việt Nam với kết quả 1 trận thắng, 1 hòa”.
Kết thúc nghiệp cầu thủ, Gong sang Australia học vì ông rất thích công việc trở thành huấn luyện viên. Vốn ngoại ngữ của Gong cũng đủ cho những giao tiếp cơ bản giữa huấn luyện viên và cầu thủ.
Trong những môn học ở trường, Gong thú vị nhất là học lịch sử, thích những câu chuyện thời xưa được lịch sử ghi lại. Vì thế, trước khi nhận lời sang Việt Nam làm việc, Gong đã dành thời gian tìm hiểu về lịch sử Việt Nam. Gong Oh Kyun hào hứng kể: “Điều thú vị nhất của lịch sử Việt Nam chính là đất nước của các bạn thường bị xâm lăng bởi một cường quốc mạnh hơn nhưng luôn giành chiến thắng sau nhiều năm giao tranh ác liệt. Tôi ấn tượng tinh thần đó của Việt Nam”.
Chính vì hiểu về lịch sử của một dân tộc như Việt Nam, không chịu khuất phục trước kẻ mạnh, Gong đã đem niềm tin mãnh liệt ấy thổi vào tinh thần của học trò trên sân bóng, tinh thần kiên cường không sợ hãi kể cả khi gặp đối thủ mạnh hơn. Điều ấy nơi Gong, như một làn gió mới, thổi vào bóng đá trẻ, một dư vị rất hào sảng, đó là triết lý bóng đá của một nhà cầm quân đã thấm thía giáo trình từ những điều căn bản nhất nơi người thầy đầu tiên đã dạy ông.
Đón đọc kỳ 3: Lương duyên với thầy Park Hang Seo từ Gyeongnam đến Việt Nam
Hoàng Thủy