(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, ông Jernej Kamensek, một chuyên gia môi giới cầu thủ người Slovenia đã chia sẻ quan điểm của mình về cầu thủ và bóng đá Việt Nam. Theo đó, ông chỉ ra lý do vì sao các cầu thủ của Việt Nam hầu như không có cơ hội sang châu Âu thi đấu, và chừng nào vẫn còn thực trạng đó, thì cơ hội giành vé dự World Cup của bóng đá Việt Nam vẫn chỉ là giấc mơ mà thôi.
Vì sao cầu thủ phải tới châu Âu?
Người hâm mộ bóng đá Việt Nam vừa trải qua cảm giác nuối tiếc khôn tả khi đội tuyển nước nhà để thua sát nút đội tuyển Trung Quốc 2-3 ở vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Bàn thua quyết định ở đúng phút bù giờ cuối cùng, được ghi bởi Wu Lei, tiền đạo có tiếng nhất của bóng đá Trung Quốc thời điểm này. Không có gì là tình cờ, bởi chính Wu Lei là điểm khác biệt rõ rệt nhất giữa hai đội tuyển. Chân sút 29 tuổi này là cầu thủ duy nhất ở trận đấu đó đang thi đấu ở châu Âu.
Anh khoác áo Espanyol, đội bóng thuộc giải VĐQG Tây Ban Nha, từ năm 2019 đến nay. Wu Lei ghi được 14 bàn trong 105 trận cho Espanyol tính đến lúc này, con số không mấy ấn tượng, tuy nhiên nếu so với các cầu thủ Việt Nam thì cách biệt cũng đã là một trời, một vực. Công Vinh và Công Phượng là hai tiền đạo Việt Nam đã có cơ hội sang châu Âu thử sức (ở cấp độ thấp hơn), nhưng chưa ai ghi được bàn thắng nào và đã phải nhanh chóng trở về.
Một tập thể chỉ mạnh khi có những cá nhân giỏi. Những cầu thủ như Wu Lei, với trình độ và bản lĩnh được trui rèn ở môi trường bóng đá đẳng cấp hơn nhiều, có vai trò nâng tầm đội tuyển Trung Quốc. Bất kể gần đây có rất nhiều thông tin hàm ý hạ thấp năng lực của đội tuyển Trung Quốc, không thể không thừa nhận rằng họ vẫn đang ở trên Việt Nam một bậc.
Thành công của đội tuyển Việt Nam, cũng như bóng đá nữ và Futsal, được tạo nên nhờ lối chơi nhuần nhuyễn và tinh thần quyết thắng rất cao hơn là sự nổi trội về chất lượng đội ngũ. Việt Nam có lẽ là đội duy nhất trong số 12 đội bóng đang dự vòng loại thứ 3 World Cup 2022, khu vực châu Á không có một cầu thủ thực sự đẳng cấp nào.
Những rào cản của cầu thủ Việt
Theo Kamensek, người đã có nhiều năm làm việc với bóng đá Việt, không có CLB châu Âu nào muốn bỏ dù chỉ 1 euro để mua cầu thủ Việt Nam. Lý do là các đội châu Âu thường hướng đến các thị trường cấp thấp như châu Á với mục tiêu tìm những cầu thủ giá rẻ có tiềm năng phát triển để đào tạo rồi bán lấy lời, nhưng cầu thủ Việt khi đủ khả năng sang châu Âu rồi thì hầu như không còn tiềm năng phát triển.
Cầu thủ Việt thường đạt giới hạn của họ khi mới chỉ 23-24 tuổi, do vậy không hứa hẹn lợi ích kinh tế. Họ cũng có thể chất không ấn tượng, đặc biệt với yêu cầu cường độ vận động mạnh.
Ngay cả Quang Hải, cầu thủ giỏi nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại, cũng không đủ trình độ để đá chính tại châu Âu, theo nhận định của Kamensek. Ông này cho rằng bản thân những người như Quang Hải cũng không mặn mà chuyện ra nước ngoài thi đấu khi họ đang có tất cả tại Việt Nam: Danh tiếng, tiền bạc, vị thế. Chẳng có lý do gì để ra đi, nhất là khi phải đối mặt với nguy cơ thất bại rất lớn.
Kamensek cũng khẳng định: “Nhưng nếu bóng đá Việt Nam muốn nói đến việc dự World Cup thì không thể nào chỉ có các cầu thủ đá ở V-League được, vì đá ở V-League thì không đủ trình độ đến với World Cup”. Đó là nhận xét rất đau với bóng đá Việt Nam, nhưng hoàn toàn xác đáng và chúng ta phải chấp nhận thực tế đó.
Đã từng có một số đội bóng châu Á dự World Cup với toàn bộ các cầu thủ thi đấu ở trong nước, gần nhất là Saudi Arabia ở World Cup 2002, nhưng giải VĐQG của nước này ở trình độ hàng đầu châu lục, điển hình là CLB Al-Hilal của Saudi Arabia đang là đội bóng giàu thành tích nhất tại AFC Champions League với 7 lần vào chung kết và 3 lần vô địch.
Tất nhiên, không thể đem V-League ra so, khi mà giải đấu của Việt Nam còn thua xa Thai League của Thái Lan. V-League được chuyển sang bóng đá chuyên nghiệp từ năm 2000, nhưng đến giờ, sau hơn 2 thập kỷ, chữ “chuyên” ấy vẫn là khái niệm còn khá mơ hồ.
Phải thực tế, đừng mơ “hão”
Khi các nhà quản lý bóng đá Việt Nam đặt mục tiêu tranh vé dự World Cup 2026, liệu họ đã có nghĩ về những vấn đề mà Kamensek vừa đề cập hay không? Kể từ khi chuyển sang mô hình chuyên nghiệp, bóng đá nước nhà đã có những thay đổi không nhỏ từ cách làm thức thời và có chiến lược của những người như bầu Đức, bầu Hiển, hay ở trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF.
Những lò đào tạo tài năng hoạt động quy củ, bài bản và thành quả cũng đã được nhìn thấy với lứa cầu thủ trụ cột của đội tuyển quốc gia hiện tại, nhưng đào tạo với mục đích để đưa cầu thủ “đi Tây” là điều chắc chưa ai từng nghĩ tới. Theo Kamensek, cầu thủ Việt nếu muốn sang châu Âu thì phải đi khi còn trẻ, nhưng trường hợp của Đoàn Văn Hậu vừa qua với Heerenveen cho thấy điều đó cũng không hề dễ dàng.
Chúng ta đang dựa vào cơ sở nào để nuôi giấc mơ World Cup 2026? Ngay lúc này, niềm tin có lẽ chỉ đặt một cách đầy cảm tính vào phong độ của lứa tài năng hiện tại và tài cầm quân của HLV Park Hang Seo. Chẳng mấy người nghĩ tới việc liệu 5 năm nữa, những cầu thủ lứa U20, U22 của chúng ta đã có thể trưởng thành chưa, đủ giỏi chưa cho những nhiệm vụ lớn nhất từ xưa đến nay.
Những công việc mà Quang Hải, Duy Mạnh, Ngọc Hải hay Tiến Linh đang gánh vác lúc này phải thuộc về những cầu thủ như 20 tuổi như Thanh Bình, Hoàng Anh ở thời điểm mà chúng ta mơ được đến sân chơi thế giới. 5 năm nữa, Công Phượng, Văn Toàn hay Xuân Trường đã 31 tuổi, Ngọc Hải, Hùng Dũng và Văn Lâm 33… ngưỡng tuổi mà đa số cầu thủ Việt Nam đã tính đến chuyện giải nghệ.
Nhưng Thanh Bình 20 tuổi đang được biết đến với danh nghĩa tội đồ trong trận thua Trung Quốc, chứ không phải một tài năng trẻ để đặt niềm tin vào tương lai World Cup.
Giải pháp nào cho bài toán “xuất ngoại” Cách đúng nhất và duy nhất để hiện thực hóa giấc mơ World Cup cho bóng đá Việt Nam là đào tạo ra những cầu thủ đủ trình độ chơi bóng ở nước ngoài, trước mắt có thể là ở các giải đấu cao hơn tại châu Á. Những tấm gương từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan cho thấy không có con đường nào khác ngoài phải vượt qua giới hạn của bản thân. Muốn thế, phải thay đổi mạnh mẽ và toàn diện cách làm hiện nay, phải đẩy mức yêu cầu lên cao nữa, phải đầu tư nhiều hơn nữa, hiện đại và chuyên nghiệp hơn nữa vào rèn luyện cả về thể chất, chuyên môn và tri thức, trong đó đặc biệt là ngoại ngữ. Không thể hòa nhập được ở nước ngoài, và càng không thể đặt mục tiêu khẳng định bản thân ở bóng đá đẳng cấp cao, nếu không có ngoại ngữ. Bên cạnh đó, phải cải tạo, nâng cấp mạnh mẽ chất lượng của V-League, ít nhất cũng phải ngang tầm với Thai League. Thật sai lầm khi coi thường Thái Lan chỉ vì đội tuyển bóng đá nước này không vô địch AFF Cup, SEA Games hay lọt vào vòng loại cuối cùng World Cup như Việt Nam, bởi căn cơ của bóng đá Thái Lan lúc này vững chắc hơn chúng ta rất nhiều. Họ có một giải quốc nội mạnh và bắt đầu xuất khẩu cầu thủ chất lượng ra những giải đấu đẳng cấp cao ở châu Á. Họ mới chính là nền bóng đá đang tiến những bước cụ thể và quan trọng trên con đường đến với World Cup ở khu vực Đông Nam Á. Cả hai nhiệm vụ đều rất khó, nhưng không thể không làm, và phải làm càng sớm càng tốt. May thay, chúng có quan hệ tương hỗ với nhau. Đào tạo tốt, ắt V-League sẽ được lợi và ngược lại, khi giải đấu có chất lượng cao hơn, tài năng trẻ cũng sẽ phát triển tốt hơn. Câu hỏi lúc này chỉ là “Ai sẽ làm, làm như thế nào?”. Câu trả lời dành cho các nhà quản lý bóng đá. |
Bách Việt
Tags