(Thethaovanhoa.vn) - Một pha xẻ bóng rất đúng tầm với đà băng xuống của Ngọc Thanh và mành lưới của Lâm Thảo FC đã bị rung lên. Tỷ số là 1-0 cho Nghiệp vụ Cảng Sài Gòn. Tác giả đường chuyền theo kiểu “cắt tiết gà” là Trần Quang Huy. Nghiệp vụ Cảng Sài Gòn đang có cơ hội nhân đôi cách biệt với tình huống sút phạt hàng rào và “tiếu già” Hồ Văn Lợi đang đứng trước bóng. Một đường cong hoàn hảo được vẽ lên không trung, 2-0 cho Nghiệp vụ Cảng...
- Sau thành công của U23 Việt Nam: Các ông bầu hãy ngồi lại với nhau!
- Đừng 'thâm canh' U23 Việt Nam nữa
- U23 Việt Nam và những câu chuyện hậu trường thú vị
Đấy không phải là trận đấu cách đây 20 năm và bại quân của Cảng Sài Gòn không phải Hải Quan cũng chẳng phải Công an TP.HCM. Một trận đấu ở giải bóng đá phong trào dành cho các lão cầu thủ, khu vực phía Nam, tái hiện lại hình ảnh hào hùng năm nao.
Ai “đánh cắp” những thương hiệu?
Cơ chế là tác nhân lớn nhất, nhưng không phải duy nhất, đẩy hàng loạt các thương hiệu lớn của bóng đá Việt Nam lùi vào dĩ vãng, không có cách nào khôi phục trở lại. Là Cảng Sài Gòn, Hải Quan, là Công an TP.HCM, Sở Công nghiệp..., các cái tên lớn nhất của bóng đá thành phố mang tên Bác, sau ngày đất nước thống nhất. Là Thể Công, Công an Hà Nội, Công an Hải Phòng, Tổng cục Đường sắt Việt Nam..., ở phía Bắc; Công nhân Quảng Nam - Đà Nẵng, Công nhân Nghĩa Bình ở miền Trung... Ngày ấy, công nghệ truyền hình - truyền thông tuy chưa phát triển, nhưng các thước ảnh ghi lại không khí cổ động luôn đầy ắp ở mọi cầu trường.
Cái tên V-League ra đời, mùa giải 2000-2001, cũng là thời điểm cáo chung cho hàng loạt các tên tuổi lớn nhất của nền bóng đá thời bao cấp. Do không theo kịp cơ chế, đấy chỉ là cái cớ, về cơ bản, lãnh đạo các đội bóng không có ý định tiếp tục nuôi bóng đá, vì nhiều lý do. Cảng Sài Gòn chuyển thành Thép Miền Nam - CSG, Công an TP.HCM nhượng lại cho Ngân hàng Đông Á, tệ hơn, những Hải Quan, Sở Công nghiệp mất tích luôn. Ở phía Bắc, Thể Công cũng “lay lắt” thêm vài mùa nữa, trước khi chuyển giao hẳn và lùi vào dĩ vãng. Công an Hà Nội, Công an Hải Phòng, Đường sắt, Xe Ca..., thì khỏi nói rồi. Mất hết.
Người trong cuộc cho rằng, cơ chế tiền bạc không phải là vấn đề lớn với các đội bóng giàu truyền thống và kinh tài. Mà quan điểm chinh trị và cấu trúc tổ chức đội bóng ở kỷ nguyên lên chuyên, mới khiến cho hàng loạt các thương hiệu không tiếp tục được duy trì. Nhu cầu xã hội hoá bóng đá là có thật và nó như một đòi hỏi tất yếu của lịch sử phát triển môn thể thao vua, ở bất kỳ đâu trên thế giới chứ chẳng riêng gì tại Việt Nam. Doanh nghiệp hay các tổ chức Nhà nước không thể ôm đội bóng mãi, bằng tiền thuế của dân hoặc ngân sách.
Sự tham gia của các doanh nghiệp - ông bầu ngoài quốc doanh, đầu tư vào bóng đá, được cho là mô hình chuẩn AFC. Các công ty cổ phần bóng đá ra đời, bóng-đá-doanh-nghiệp phất lên như diều gặp gió, với cơ chế mở. Thị trường chuyển nhượng hoạt động sôi nổi và ở nhiều thời điểm khác nhau, kể từ 17 năm qua, người ta đã thấp thoáng nhìn thấy hình ảnh bóng đá chuyên nghiệp thực sự. Chỉ có điều, ngay lúc này những nghi ngờ về sự chuyên nghiệp kiểu “ba rọi” đã lại xuất hiện. Đấy là bởi cơ quan quản lý bóng đá và nhà tổ chức thoả hiệp với những tồn tại.
Sử sách như rường cột
Chúng ta gần như không thể “phục chế” các cái tên cũ, dù đã có những hô hào như trường hợp của Thể Công. Vậy, còn đường duy nhất là nuôi dưỡng, vun đắp những “đương thời”. V-League đang có 14 CLB, đại diện cho các vùng miền và không ai mong đợi sẽ có thêm một đội bóng nào nữa, vì nhiều lý do mà bỏ cuộc chơi. Chỉ trong ít năm, kể từ 2009-2014, đã có hơn chục ông bầu - doanh nghiệp chia tay bóng đá đỉnh cao, thì cơ quan quản lý (VFF) và nhà tổ chức các giải đấu (VPF) cũng phải xem lại vai trò của mình, thay vì đứng ngoài đổ lỗi.
Bắt đầu từ Sài Gòn Hải An United và hiệu ứng domino tưởng như không thể ngăn chặn. Cứ sau một mùa bóng, lại có một đôi CLB biến mất. Như các trường hợp của Hoà Phát Hà Nội (2011), XMXT Sài Gòn (2013), K.Kiên Giang, Đồng Nai (2014-2015), N.Sài Gòn (2012), Bình Định, Cà Mau, An Giang, K.Khánh Hoà, Hà Nội ACB... Các đội bóng từ mô hình doanh nghiệp kết hợp địa phương, đến thuần tuý doanh nghiệp hoặc địa phương, đều mang mẫu số chung. Đấy là sự biến mất, kiểu một đi không trở lại.
Thất vọng với nhà tổ chức giải đấu là lý do được các ông bầu của Hoà Phát Hà Nội đưa ra, trong đó có vấn nạn trọng tài - một trong những mắt xích quan trọng nhất cấu thành các hệ thống giải đấu. Không thoả mãn được nhu cầu và tham vọng kinh doanh, thông qua đầu tư bóng đá, là một nguyên nhân phổ biến khác khiến hàng loạt các ông bầu rút lui. Ngoài ra, cơ chế quản lý tài chính của đội bóng không theo kịp sự phát triển và lạm phát, dẫn đến bung bét. Bóng đá vẫn bị xem là tằm ăn rỗi, không thể tự nuôi sống chính cơ thể mình.
Một số trong chúng ta, trong đó phải kể đến những người làm bóng đá và tổ chức các giải đấu, ở kỷ nguyên mới, vì thói quen ăn xổi mà quên đi hoặc không ý thức vai trò của lịch sử, của những bài học chưa ráo mực. Đấy là lý do mà sợi dây kinh nghiệp rút mãi không hết. Việc gây dựng các giá trị truyền thống đã khó, duy trì và nuôi dưỡng nó càng khó hơn. Lấy ví dụ, như SLNA hay Hải Phòng, Đà Nẵng..., là những địa phương giàu truyền thống bóng đá, thậm chí từng được ví là kinh đô của bóng đá Việt Nam, nhưng giờ khán đài cũng đã nguội.
Đến như ngày xưa, Cảng Sài Gòn hay Thể Công, đi đến đâu cũng được yêu mến, mà còn không giữ được mình, thì ngày nay, việc tách đội bóng rời quá xa người hâm mộ, tính bản địa, vùng miền..., là con đường ngắn nhất dẫn đến sự tự triệt tiêu. Bóng đá phải thuộc về cộng đồng, mới hy vọng sống được, chứ không phải của riêng một ông chủ. HLV và cầu thủ phải chơi bóng vì khán giả, vì CĐV, vì tất cả niềm tự hào nghề nghiệp, chứ không phải vì túi tiền của ông bầu. Một trong những lý do khiến bóng đá chuyên nghiệp cô đơn như lữ khách, bởi họ quá ích kỷ với trách nhiệm xã hội, cộng đồng...
Giải bóng đá vô địch quốc gia lần đầu tiên được tổ chức là vào năm 1980 với cái tên giải bóng đá A1 toàn quốc lần thứ I, ngoại trừ trường hợp của Thể Công vắng mặt vì lý do “Chấn chỉnh nội bộ” (nguyên nhân mà cho tới nay vẫn là bí mật không lời giải) thì có đến 17 đội bóng (7 miền Bắc, 10 ở miền Nam) tham dự. Theo thống kê, vào thời mà đội bóng được xem là cơ quan nhà nước và cầu thủ là cán bộ, công nhân viên đi... đá bóng này, số lượng đội tham dự giải vô địch quốc gia thường dao động quanh con số 20. Đỉnh cao nhất là mùa giải A1 năm 1989, còn được gọi là giải tách hạng, có đến... 32 đội thi đấu để chọn ra 18 đội tham dự giải đội mạnh toàn quốc, loại 3 đội xuống hạng A2 và 11 đội còn lại ở lại hạng A1. Đến năm 2000, khi giải vô địch quốc gia chuyên nghiệp với cái tên V-League được tổ chức, số đội tham dự chỉ còn là 10 và năm 2017 là 13! |
“Xưa lương thưởng cho cầu thủ ít lắm và gần như không đáng kể. Chúng tôi chơi bóng vì đam mê và vì niềm tự hào bản thân, gia đình khi được khoác lên mình màu áo đội bóng là chính, chứ không phải vì tiền. Nay vật chất lên ngôi và nó xoá nhoà các giá trị truyền thống. Dẫu biết đó là một nhu cầu có thật, khi bóng đá phát triển, nhưng chứng kiến các khán đài trống vắng, dân bóng đá như chúng tôi không khỏi mủi lòng”, cựu danh thủ Cảng Sài Gòn - Hồ Văn Lợi. |
Nguyệt Bàn
Tags