(Thethaovanhoa.vn) - Chinh phục tấm HCV SEA Games sau 60 năm đợi chờ đã khó, để giữ được thành quả ấy càng khó bội phần. Mục tiêu đặt ra đã rất rõ ràng, áp lực cũng không hề nhỏ cho chặng đường tiếp theo của bóng đá nước nhà.
Thành công là hành trình...
Đã 4 năm, từ “kỳ tích Thường Châu” ở VCK U23 châu Á 2018, bóng đá Việt Nam dần vượt qua được những giới hạn cố hữu để lớn mạnh không ngừng, Từ U23 châu Á đến ASIAD, từ AFF Cup sang Asian Cup, bất kỳ chiến tích nào cũng đều trân quý. Những tiền đề như thế sẽ tạo ra nền móng để bóng đá nước nhà dựng xây, phát triển.
Rất dễ nhận ra, bóng đá luôn có lớp lang, mang tính kế thừa. Mỗi thành tích đều luôn ý nghĩa, mỗi chiến thắng đều có xúc cảm, đem về giá trị rất riêng của nó. Đơn giản thôi, ngoài việc giải “cơn khát” đã tròn 60 năm, tấm HCV SEA Games 30 năm 2019 tiếp thêm động lực cho bước đường đang đi. Và không phải chỉ chừng đó đã đủ, xoa tay hài lòng rồi dừng lại. Bởi dừng lại, cũng có nghĩa sẽ tụt hậu, sẽ đứt gãy và thành tích quá khứ cũng chẳng còn mấy ý nghĩa.
Vậy nên, phải luôn có mục tiêu cho lộ trình phía trước để bóng đá nước nhà nghiêm túc thực hiện. Chính vì thế, trong một năm 2022 đầy bận rộn, bóng đá Việt Nam đã nhận được “lệnh” phải bảo vệ tấm HCV của đội tuyển U23 tại SEA Games 31 tổ chức trên sân nhà.
Trong một năm dồn dập nhiều giải đấu với những mục tiêu khác nhau, hẳn nhiên đây được xem như nhiệm vụ trọng tâm, không hề đơn giản. SEA Games 31 được tổ chức trên sân nhà như lợi thế lớn nhất dành cho đội tuyển U23 Việt Nam trong hành trình chinh phục mục tiêu đó. Cùng với đó, thành tích của những Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Tiến Linh, Hà Đức Chinh có được ở Philippines 2019 như động lực để thế hệ tiếp theo nhìn vào cùng quyết tâm chinh phục “mùa vàng” SEA Games.
Thách thức càng lớn, động lực càng cao
Thuận lợi đầu tiên được nhìn nhận với những yếu tố như thế. Tuy vậy, khó khăn cũng sẽ nhiều khi nhìn về mục tiêu đang đặt ra cho HLV Park Hang Seo cùng học trò. Khó khăn được thấy từ bối cảnh “vừa bồng em vừa xay lúa” cũng đủ để ông Park đau đầu với những tính toán của mình. Hơn thế, không phải lúc nào bóng đá nước nhà cũng sở hữu được thế hệ cầu thủ giỏi. Những thành tích đã đạt được 4 năm qua khiến bóng đá Việt Nam không còn là cái tên xa lạ với các đối thủ. Và do đó, rất khó để “ẩn mình” như một “ẩn số” để khiến đối thủ bất ngờ với chúng ta.
Nhìn vào thể hiện của đội tuyển U23 Việt Nam tại vòng loại U23 châu Á 2022 vừa rồi sẽ rõ. Cho dù, đã giành được tấm vé vào VCK nhưng lứa U23 “phiên bản mới” không có được nhiều tố chất đặc biệt. Lứa cầu thủ này cũng chính là những người mang trên vai trọng trách bảo vệ HCV SEA Games trên sân nhà vào tháng 5.
Nói là vậy, nhưng cũng phải chấp nhận thực tế này. Bởi mỗi nền bóng đá không tránh khỏi những chu kỳ chuyển tiếp. Cũng không thể đòi hỏi, bóng đá trẻ lúc nào cũng cho ra được các lứa cầu thủ “đều như gieo”. Vì thế, với mục tiêu bảo vệ tấm HCV SEA Games, HLV Park Hang Seo cùng học trò cần nhanh chóng hoàn thiện mình trong thời gian còn lại. Tìm thêm được nhân tố chất lượng để khỏa lấp, bù đắp vào những lỗ hổng, thiếu hụt hiện nay.
Vậy nên, thời gian qua, HLV Park Hang Seo xới tung dư địa bóng đá nước nhà để “tổng động viên” nguồn lực trong độ tuổi cho mục đích “đãi cát tìm vàng”. 2 năm qua, mỗi lần đội U23 hội quân luôn kèm theo danh sách dài các cầu thủ trong độ tuổi. Cái đích không gì khác hơn nhằm tìm ra được những “hạt gạo trên sàng” nhằm hướng tới mục tiêu bảo vệ tấm HCV SEA Games 31.
Sẽ thấy, bóng đá mỗi chu kỳ mỗi khác, không giống nhau với những biến số khó ngờ, biến chuyển không ngừng. Thực tế, AFF Cup 2021 đã minh chứng điều này. Vì thế, rất có thể SEA Games 31 sẽ cho thấy sự cân bằng về trình độ, so kè quyết liệt của các nền bóng đá trong khu vực. Vào lúc này, đã thấy sự chênh lệch đã không còn quá xa như trước. Đã có những bước tiến đáng kể trong công tác đào tạo, làm bóng đá trẻ của những nền bóng đá vốn bị đánh giá thấp ở Đông Nam Á như Lào, Campuchia. Thêm vào đó, Thái Lan, Indonesia, Malaysia cũng chưa bao giờ dễ chơi.
Hơn thế, mỗi lần tham dự SEA Games trước đây, bóng đá Việt Nam luôn được giao nhiệm vụ phải vào đến trận chung kết, như một mặc định. Với SEA Games 31 lần này, mặc định đó còn lớn hơn gấp bội, bảo vệ tấm HCV. Bởi nếu thua, mọi nỗ lực, cố gắng và thành quả trước đó giảm đi sự lung linh. Thậm chí, một kỳ SEA Games được xem như không thành công nếu bóng đá nam không có Vàng. Nói thế, không phải không trân quý những tấm HCV, những thành tích của các môn thi đấu khác. Nhưng từ đó, sẽ thấy được rằng, sức lan tỏa để tạo ra hiệu ứng tích cực luôn là điều bóng đá mang lại mãnh liệt nhất.
Vĩ thanh…
Bây giờ, với thế hệ cầu thủ chất lượng, chơi bóng đỉnh đạc cùng cơ duyên kết nối của HLV Park Hang Seo, bóng đá Việt Nam đã và đang đi trên hành trình nhiều thành công. Nhưng cần nhớ, thành công là cả một hành trình chứ không phải là đích đến. Cho nên không thể dừng lại hay tự xoa tay hài lòng với những điều đã đạt được.
Thành tích dù bất cứ ở sân chơi hay cấp độ nào trong bóng đá không hề là thừa cả và cũng không có giới hạn cho sự dừng lại. Câu chuyện về việc nâng tầm và vượt ngưỡng của bóng đá nước nhà cũng đã dần dà tạo ra những cột mốc ngày càng cao hơn. Trong chặng đường phát triển đó, ngôi vô địch AFF Cup hay tấm HCV SEA Games, được xem như tiền đề để bóng đá Việt Nam tiến xa, tiến mạnh, tiến vững chắc ngày mai. Tấm HCV SEA Games luôn là khát khao của mỗi thế hệ cầu thủ, cũng là cảm hứng cho chúng ta khi đi xa hơn.
Chào 2022, chào “mùa vàng” SEA Games!
Mơ về cú “ăn 4” Bóng đá tại SEA Games 31 năm 2022 sẽ được tổ chức đầy đủ 4 nội dung: bóng đá nam, bóng đá nữ, futsal nam và futsal nữ. Với kỳ Đại hội được tổ chức trên sân nhà, bóng đá Việt Nam hẳn nhiên đặt ra mục tiêu phải có được đầy đủ 4 tấm HCV của các nội dung thi đấu. Liệu giấc mơ “Vàng” trọn vẹn nhất ở ngày hội thể thao khu vực có thành hiện thực? SEA Games 30, bóng đá Việt Nam lấy “Vàng” với lứa cầu thủ sinh năm 1997 của những Nguyễn Quang Hải, Tiến Linh, Hà Đức Chinh. Năm nay, trên sân nhà, nhiệm vụ bảo vệ tấm HCV bóng đá nam dồn lên vai thế hệ cầu thủ 1999 trở về sau. Những cái tên Bùi Hoàng Việt Anh, Lý Công Hoàng Anh, Nguyễn Hai Long, Lê Văn Xuân… đang được tin tưởng cho trọng trách đó. Những ngày đầu năm 2022, đội tuyển nữ quốc gia cũng đã lên đường sang Tây Ban Nha cho chuyến tập huấn dài ngày nhằm chuẩn bị cho ASIAN Cup nữ 2022. Thầy trò HLV Mai Đức Chung cũng đang ráo riết chuẩn bị cho mục tiêu bảo vệ tấm HCV Vàng SEA Games. Người hâm mộ nước nhà đã từng ngất ngây với chiến tích lần thứ 2 vào đến vòng 16 đội tại VCK FIFA futsal World Cup 2021 của đội tuyển futsal Việt Nam. Mục tiêu của thầy trò HLV Phạm Minh Giang trong năm 2022 không gì khác hơn việc lần đầu tiên có được tấm HCV SEA Games. Đội tuyển futsal nữ cũng đã được tập trung trở lại sau thời gian không tham dự một giải quốc tế nào. Vậy nên, chinh phục tấm HCV tại SEA Games cũng đã được thầy trò HLV Trương Quốc Tuấn đặt ra cho năm 2022 đầy bận rộn. Cùng chờ, kỳ vọng và chúc bóng đá Việt Nam “ẳm trọn”4 tấm HCV bộ môn bóng đá SEA Games 31. |
Trần Tuấn
Thể thao & Văn hóa Xuân Nhâm dần
Tags