(Thethaovanhoa.vn) - Virus corona đã khiến rất nhiều sự kiện thể thao trong nước và quốc tế phải hoãn lại. Thật không dễ dàng cho các CĐV và cả người hâm mộ khi phải rơi vào chế độ “chờ”.
1. Theo thống kê mới đây của Reuters, có ít nhất 15 sự kiện thể thao lớn đã bị hoãn hoặc hủy do tác động của đại dịch virus corona. Đáng chú ý nhất là giải vô địch điền kinh trong nhà châu Á tại Hàng Châu, giải đua xe F1 ở Thượng Hải, các giải bóng đá và bóng rổ nhà nghề Trung Quốc, cũng giải Hong Kong Marathon với số lượng đăng ký tham dự lên tới 74 nghìn người. Ngay cả Olympic Tokyo 2020 cũng đang trong tình trạng báo động. Ngoài ra có thể kể đến giải futsal trong nhà châu Á tại Turkmenistan, giải đấu có tuyển Việt Nam góp mặt.
Các đội tuyển thể thao của Trung Quốc, hẳn nhiên là đối tượng chịu tác động lớn nhất của đại dịch virus corona. Tuyển nữ Trung Quốc là một minh chứng. Họ tưởng như được thi đấu vòng loại thứ ba Olympic trên sân nhà, nhưng vì đổi kế hoạch đột ngột, nên phải bay sang Úc, mà không có 4 trụ cột đang thi đấu ở Vũ Hán vì lệnh phong tỏa. Chưa hết, sau khi bay sang Australia, họ lại bị giữ lại ở Brisbane để cách li theo dõi, và có cực ít thời gian làm quen với sân đấu Campbell Town trước khi đá trận đầu tiên gặp Thái Lan. Các tuyển thủ nữ Trung Quốc những ngày qua thậm chí chỉ có thể tập căng cơ ở… hành lang của khách sạn.
Trong khi đó, tại Việt Nam, những sự kiện thể thao trong nước như V-League 2020, Cúp quốc gia, siêu cúp quốc gia, và giải hạng Nhất đều đã phải lùi ngày khai mạc vì tác động của virus corona, và chỉ trở lại tùy theo tình hình của dịch bệnh. Giải đua F1 lần đầu diễn ra ở Việt Nam cũng có thể sẽ phải hoãn lại…
2. Việc các giải đấu bị hoãn lại không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến công tác tổ chức mà còn tác động đến sự chuẩn bị, kế hoạch và chi phí của các CLB. Cụ thể, giải đấu kéo dài sẽ khiến tiền lương thưởng mà các đội bóng phải trả bị đội lên, trong khi nguồn kinh phí tài trợ cho giải cũng có thể bị biến động theo xu hướng giảm.
Và khi kế hoạch tập luyện, thi đấu bị dồn cục, chất lượng giải đấu và chất lượng cầu thủ có thể bị giảm sút, kéo theo nhiều khó khăn khác cho đội tuyển quốc gia. Nên nhớ, tháng sau, vòng loại World Cup 2022 sẽ trở lại, với những trận đấu rất quan trọng đến kế hoạch đi tiếp vào giai đoạn cuối của đội tuyển Việt Nam. Nhưng khi các giải đấu trong nước phải lùi lại thì thời gian tập trung đội tuyển sẽ khó tính toán hơn. Nếu tập trung sớm thì các cầu thủ không có đủ số trận để “làm nóng”, tìm lại phong độ. Còn nếu tập trung muộn thì lại không đủ thời gian để họ ráp nối về lối chơi. Làm thế nào để duy trì phong độ của các cầu thủ, giúp các ĐTQG không bị ảnh hưởng, là một câu hỏi nan giải với những người làm bóng đá Việt Nam. Liệu cái khó, có ló cái khôn?
Có lẽ, tất cả chúng ta chỉ biết cầu mong đại dịch trôi qua nhanh, để tất cả sẽ trở lại guồng quay cũ mà thôi.
Tuấn Cương
Tags