(Thethaovanhoa.vn) - Sự việc của thủ môn - người hùng đội tuyển U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018, với một công ty truyền thông và CLB FLC Thanh Hoá, tưởng bé nhưng lại có nguy cơ xé ra to.
- CẬP NHẬT tối 3/2: Bùi Tiến Dũng vào TP.HCM. Ronaldo hưởng lương 26,5 triệu bảng/năm
- Thủ môn Bùi Tiến Dũng: 'Tôi chưa ký bất kỳ hợp đồng nào với các công ty truyền thông'
- Luật sư: ‘Bảng giá quảng cáo TM Bùi Tiến Dũng có thể chỉ là chiêu trò PR’
Đến thời điểm này, gần 30 năm sau vụ Bosman (sau đó còn được gọi là "luật Bosman" hay "phán quyết Bosman"), bóng đá thế giới được hưởng lợi, nhưng cá nhân cầu thủ người Bỉ lại phải tiêu tan cả sự nghiệp khi đang ở độ chín (29 tuổi). Vẫn có câu: "Vô phúc đáo tụng đình", luật Bosman mở ra cơ chế chuyển nhượng tự do cho các cầu thủ thuộc Liên minh châu Âu và thế giới sau đó, đã mãn hợp đồng, được quyền tự ý thương thảo hợp đồng mới mà không phải đền bù cho đội bóng cũ.
Những đôi chân tỷ phú như Ronaldo hay Messi sau này, không thể nói là không được hưởng lợi, nhưng chỉ rất ít trong số họ nhớ tới Bosman - một người tiên phong mà dường như lịch sử đã chọn.
Trở lại với vụ Bùi Tiến Dũng. Cơ chế chuyển nhượng và sự xuất hiện của đại diện cầu thủ, nhà môi giới, vốn là những đòi hỏi tất yếu của lịch sử bóng đá lên chuyên. Nhưng do ở Việt Nam, khái niệm người đại diện và phương pháp làm còn khá manh mún, đôi khi còn là sự lấp liếm. Người ta chưa quen với việc cần phải minh bạch hoá các điều khoản hợp đồng, với ngay cả hợp đồng đào tạo trẻ như của Bùi Tiến Dũng và FLC Thanh Hoá. Chẳng ở đâu, hợp đồng đào tạo trẻ lại kéo dài đến năm cầu thủ 25 tuổi.
Song vấn đề ở đây là việc làm có phần vô lối của công ty truyền thông nọ và bản thân Tiến Dũng cũng chưa ý thức được trách nhiệm (với CLB chủ quản) và giá trị bản thân. Họ đang đùa với lửa, bởi CLB luôn nắm đằng chuôi.
Tiến Dũng không phải là người tiên phong trong đàm phán các hợp đồng khai thác giá trị bản thân (hợp đồng thương mại), mà trước anh hàng thập niên, những Hồng Sơn, Huỳnh Đức của "thế hệ vàng", rồi Văn Quyến, Công Vinh, Thành Lương, Văn Quyết..., không thiếu những tấm gương. Nhưng, cái chính như đã nhắc ở trên là phương pháp làm phải dựa trên luật, điều khoản ràng buộc, phải chấp chấp nhận sự hiện diện của bên thứ 3, thứ 4..., có cả phần trăm cho họ.
Tiến Dũng không đi tiên phong, nhưng có thể lịch sử nền bóng đá và hệ thống các giải đấu, với ý thức khai thác thương hiệu - thương quyền bắt đầu được đề cao, đã chọn anh như Bosman của thế kỷ trước. Người ta lo Tiến Dũng xao nhãng mà đánh mất sự nghiệp, hoặc tệ hơn là, Tiến Dũng thậm chí còn bị "nhốt".
Việc tập cho bóng đá Việt Nam một thói quen mới, dù chuyên nghiệp và cần thiết, không hề dễ dàng, phải trải qua thời kỳ quá độ. Và, ở thời kỳ quá độ ấy, phải có nhân vật nào đó trở thành "người đi trước". Hy vọng, Tiến Dũng trở thành người dẫn lối, mở ra kỷ nguyên các đôi chân tiền tỷ dựa trên năng lực chơi bóng và khai thác hình ảnh - một cách kích cầu hoàn hảo cho sự phát triển của nền bóng đá, chứ không mong anh sẽ bị thui chột tài năng, không mất tích như Bosman.
Nhưng quan trọng hơn, Dũng mới 20-21 tuổi, bằng với độ tuổi đó, Văn Quyến, Công Vinh, Thành Lương..., đã có Qủa bóng vàng Việt Nam, nên anh chưa là gì cả. Còn phải học và phấn đấu nhiều.
Tùy Phong
Tags