Cà phê đầu tuần: Đưa kẹo dẻo cho Quang Hải

Thứ Hai, 12/09/2022 06:58 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Vào những năm 60 của thế kỷ trước, tiến sĩ tâm lý học Walter Mischel của trường Đại học Stanford (Mỹ) đã thực hiện một thí nghiệm rất nổi tiếng tên “Bài kiểm tra kẹo dẻo” (Marshmallow Test).

Pau FC thắng trận đầu, Quang Hải tiếp tục bị bỏ quên

Pau FC thắng trận đầu, Quang Hải tiếp tục bị bỏ quên

Quang Hải tiếp tục có lần thứ 2 không ra sân tại Ligue 2, trong khi Pau FC đã biết đến mùi chiến thắng.

Ông đưa những đứa trẻ ở độ tuổi mầm non vào trong một căn phòng, đặt kẹo dẻo lên bàn và thử thách chúng: Ông nói với lũ trẻ rằng mình phải ra ngoài, và chúng có thể ăn kẹo ngay, nhưng nếu chúng đợi được đến lúc ông quay lại, phần thưởng sẽ là thêm 1 viên kẹo nữa.

Thí nghiệm kẹo dẻo

Thí nghiệm này thực sự đã khiến lũ trẻ phải dằn vặt: Máy quay giấu kín bắt được cảnh chúng vò đầu bứt tai để cố kiềm chế lại cám dỗ từ viên kẹo dẻo.

Cuối cùng thì trong 600 đứa trẻ tham gia thí nghiệm, rất ít trẻ có thể chờ đủ 15 phút, cho đến khi Mischel quay lại, để nhận thêm 1 viên kẹo. Trong các nghiên cứu sâu hơn xoay quanh thí nghiệm này, về tương lai của những đứa trẻ nhiều năm sau, các nhà khoa học phát hiện ra rằng những đứa trẻ có xu hướng chờ đợi lâu hơn để nhận phần thưởng nhiều hơn có cuộc sống tốt hơn: Chúng có điểm SAT (bài kiểm tra năng lực chuẩn hóa để xét tuyển đại học trong hệ thống giáo dục Mỹ), trình độ học vấn cao hơn, ít bị béo phì hơn, và tất nhiên, thành công hơn.

Bài học đơn giản ở đây là sự kiên nhẫn: Một cách rất thực dụng, khoa học xác nhận rằng những đứa trẻ kiên nhẫn hơn có cơ hội sống tốt hơn, và hệ quả có thể là thành đạt hơn. Trì hoãn cảm giác được thỏa mãn là một phần quan trọng để một người có thể tiến xa hơn. Trong một chuỗi nghiên cứu khác sau này, các nhà khoa học phát hiện ra rằng các mong muốn dài hạn, như là giành điểm số tốt trong một kỳ thi hay trở thành một hình mẫu nào đó, có ích hơn hẳn so với những mong muốn ngắn hạn: Ví dụ như giảm 5kg trong vòng một tháng là một phần thưởng tốt hơn nhiều so với cảm giác thỏa mãn sau một bữa ăn ê hề.

Lý do là giảm cân đòi hỏi nhiều nghị lực hơn, để trì hoãn cảm giác thỏa mãn liên tục, cho đến khi bạn đạt được mục tiêu. Ngược lại, để ăn, người ta chỉ cần mở miệng ra và nhai là đủ. Nó không cần bạn phải kiên nhẫn, và cố gắng vượt qua chính mình. Nó chẳng giúp gì cho hành trình phát triển bản thân của bạn.

Công chúng (phải thừa nhận là bao gồm cả tôi) đang mất kiên nhẫn với Quang Hải, sau hai trận anh phải ngồi dự bị và thật ngẫu nhiên, Pau FC lại chơi tốt và bất bại. Nếu nói rằng Hải có thể tự nhiên lại được đưa vào sân, tự nhiên tỏa sáng sau quãng thời gian có vẻ tồi tệ này, đấy có lẽ không phải lời thật lòng: Rất ít đội bóng thay đổi công thức thi đấu đang hiệu quả, và đấy có thể là những cơ hội cuối cùng của Hải.

Chú thích ảnh
Quang Hải cần hết sức kiên nhẫn để chờ đợi cơ hội mới của mình

Sự kiên nhẫn là lối thoát

Đấy đơn giản là thế giới chúng ta đang sống: Sự kiên nhẫn không được khuyến khích. Những kích thích ngoại cảnh đến liên tục. Bạn chờ người giao hàng vài phút và bực bội dịch vụ kiểu gì thế này. Bạn chưa kịp mừng vì mua được iPhone 13 giá rẻ thì đã có iPhone 14 đặt lên kệ. Bạn xem một trận bóng mà qua hiệp một không có bàn thắng là có thể tắt ti vi đi ngủ một cách chính đáng rồi. Và công chúng không chờ một ngôi sao không được ra sân, dù chỉ một năm trước thôi, anh ta còn như thể là người hùng không thể thay thế.

Tất nhiên là trong vai một người tiêu thụ nội dung (bóng đá), bạn có quyền làm vậy. Còn đầy những thứ hay ho khác đang chờ đợi, từ bộ phim mới ra rạp, rồi những series mới ra trên Netflix, các drama trên mạng xã hội, một tựa game mới ra. Bóng đá cũng thế: Không có Quang Hải, bạn tập làm quen với các ngôi sao mới, và thấy rằng không có anh, mọi chuyện cũng… bình thường. Mất kiên nhẫn là bình thường.

Nhưng với tư cách một cầu thủ chuyên nghiệp, Hải không thể như công chúng: Anh không thể đánh mất sự kiên nhẫn. Không chỉ vì các thí nghiệm đã bảo vậy. Đơn giản là cơ hội duy nhất để trưởng thành qua khó khăn là kiên nhẫn. Anh sẽ không buông xuôi, chán cả thế giới, và bỏ về ngay. Anh sẽ phải trì hoãn cảm giác thỏa mãn lại, để kiên trì chờ đợi cho đến khi những nỗ lực và thời gian tích lũy đủ để thành phần thưởng. Đó mới là quá trình trưởng thành thực sự của một người: Anh phải đi qua nó, từng chút một, và dù thành hay bại, vẫn thu được những bài học.

Trong thí nghiệm kẹo dẻo, các máy quay kín phát hiện ra rằng những đứa trẻ có thể trì hoãn được việc ăn ngay viên kẹo thực ra không hẳn là những người kiên nhẫn nhất. Chúng chỉ đơn giản tránh né cám dỗ bằng cách tìm việc khác làm: đứa thì bịt mắt lại, đứa chui xuống gầm bàn, hoặc… hát một bài để cho qua cơn thèm.

Quang Hải, thật may mắn, không cần phải nghĩ nhiều về việc anh phải làm gì để chống lại cảm giác khó chịu khi phần thưởng mãi chưa đến: Tập luyện, tập luyện, và tập luyện. Đấy lại vốn là sở trường của cầu thủ giàu chí tiến thủ này.

Phạm An

Đọc thêm
  • Xem thêm  ›