(Thethaovanhoa.vn) - Nhắc đến pháo sáng người hâm mộ bóng đá Việt Nam nghĩ ngay đến CĐV Hải Phòng như một đặc sản. Nhưng chính hội CĐV đất Cảng đang có những thay đổi mạnh mẽ trong việc hạn chế tối đa hình thức cổ vũ này. Đồng thời, CĐV Hải Phòng cũng lên án hành động ném pháo sáng xuống sân của CĐV Croatia tại EURO 2016.
- CĐV Hải Phòng bất mãn với trọng tài
- CHÙM ẢNH: CĐV Hải Phòng biến sân Hàng Đẫy thành 'chảo lửa'
- Nâng khung 'xử' Gomez, phạt sân Chi Lăng vì để CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng
Anh Nguyễn Anh Tuấn, 33 tuổi, yêu Hải Phòng nhưng cũng là một fan của Luka Modric và ĐT Croatia, lên án hành động này: “Tôi không ủng hộ hành động ấy, không chỉ tác động gián tiếp mà là trực tiếp đến kết quả trận đấu hôm ấy. Không vì hành động đó Croatia đã có thể thắng 2-1 rồi. Tôi cảm thấy cuồng nhiệt là tốt nhưng đến mức quá khích là không nên”.
Hình ảnh các cầu thủ Croatia ra xoa dịu những cái đầu nóng trên khán đài cũng để lại dấu ấn đậm nét trong lòng anh Tuấn. “CĐV cuồng nhiệt cũng hướng tới cổ vũ cầu thủ, đội bóng của mình. CĐV quá khích thì cầu thủ cũng nên có một phần trách nhiệm vì vậy họ ra để giải tỏa sức nóng nơi CĐV. Đôi khi, CĐV nóng quá thì chỉ có những người họ ủng hộ ra nói thì mới dịu đi được, chứ không thể bảo công an, cảnh sát ra hạn chế đi được”, anh Tuấn lý giải.
Còn anh Trần Đức Duy, 35 tuổi, cho rằng sao phải dùng pháo sáng khi còn nhiều hình thức cổ vũ đẹp hơn nhiều: “Tôi là CĐV Hải Phòng nhưng cũng không đồng tình với việc sử dụng pháo sáng. Pháo sáng thật sự nguy hiểm. Nếu không có pháo sáng thì vẫn còn rất nhiều hình thức cổ vũ khác nhau thể hiện tình yêu với CLB. Bóng đá Nam Mỹ có rất nhiều cách người ta làm cho SVĐ của họ đẹp lên mà không cần pháo sáng. BTC nên làm mạnh tay hơn nữa”.
Không chỉ lên án hành động này, nhân nói đến chuyện pháo sáng, những CĐV Hải Phòng còn khẳng định họ đang thay thế hình ảnh pháo sáng rực khán đài bằng những hành động văn minh hơn.
Anh Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ quan điểm rằng: “Pháo sáng ai cũng nghĩ đến là đặc sản của Hải Phòng. Đó không phải là một hình ảnh tốt đẹp gì cả. Pháo sáng không sử dụng đúng cách thì sẽ nguy hại đến những người xung quanh”.
Thay thế cho pháo sáng, CĐV Hải Phòng đã nghĩ ra nhiều hình thức cổ vũ khác, đẹp và văn minh hơn. Khi thì ném máy bay giấy xuống sân, khi thì làm loa giấy cổ vũ như muốn nói đến quyết định cấm sử dụng loa điện công suất lớn của VPF. Bên cạnh đó, mỗi lần đời sống chính trị, xã hội nước nhà có sự kiện nóng CĐV Hải Phòng lại có những cách bày tỏ ý kiến như sự kiện tai nạn kép máy bay SU 30MK2 và CASA 212 rơi xuống biển.
Anh Phạm Bá Nha, 33 tuổi ở Kiến Thụy, Hải Phòng khẳng định: “Đề ra cấm loa đài và pháo sáng thì chúng tớ không chơi nữa. Ở sân Lạch Tray từ lâu đã không có pháo sáng trong sân nữa rồi. Hải Phòng nhiều kế lắm, cấm gì thì nghĩ ra cách để cổ vũ. Hải Phòng chúng tớ có nhiều cách cổ vũ khác nhau, mỗi trận có một cách mới nhưng thiên cơ không thể lộ được”.
Sân Lạch Tray trong 2 trận đấu gần nhất đã không còn pháo sáng khi lực lượng an ninh được tăng cường để ngăn chặn những CĐV mang pháo sáng vào sân. Tuy nhiên, ở sân khách lại là câu chuyện khác khi pháo sáng vẫn xuất hiện trong trận đấu giữa Hải Phòng và Thanh Hóa ở vòng 11 V-League. Cùng chờ xem pháo sáng sẽ tắt với CĐV Hải Phòng trong thời gian bao lâu.
Hiếu Lương
Thể thao & Văn hóa
Tags