(Thethaovanhoa.vn) - Không chỉ U23 Việt Nam, đã đến lúc người hâm mộ Việt Nam phải bước ra, phải cổ vũ cả đội bóng địa phương và giải vô địch quốc nội. Đó là quan điểm của ký giả John Duerden trên FOX Sport.
- Hậu vệ U23 Việt Nam 'xuất khẩu thành thơ'
- 3 cầu thủ U23 Việt Nam được khen thưởng, 'Messi Thái' làm nên lịch sử tại J-League
- HLV Park Hang Seo cảnh báo U23 Việt Nam trước ASIAD, VFF xem xét giảm án cho Quang Thanh
Thể thao & Văn hóa xin gửi tới độc giả lược dịch của cây bút John Duerden, một nhà báo thể thao nhiều kinh nghiệm, đã theo dõi bóng đá Đông Nam Á trong nhiều năm.
Cơn mưa tuyết dưới gót giày sẽ mãi là những ký ức tươi đẹp trong trái tim các cầu thủ Việt Nam, những người vừa lọt vào tới trận chung kết giải U23 châu Á lần đầu tiên trong lịch sử. Từ quê nhà, hàng triệu CĐV Việt Nam đã bước ra đường. Họ mặc áo đỏ, gương cao quốc kỳ, đi bộ dọc các tuyến phố.
Khung cảnh ấy đã được truyền đi khắp thế giới. Đó là tình yêu bóng đá cuồng nhiệt của một quốc gia nhỏ bé lần hiếm hoi đạt được thành công châu lục. Bóng đá ở nơi đây thực sự đã đem mọi người tới gần nhau hơn. Nó đem tới niềm vui và sự tự hào dân tộc.
Trở về từ chiến công ấy, bóng đá Việt Nam đã nhận được sự tôn trọng nhiều hơn từ cộng đồng quốc tế. Những cầu thủ ấy cũng sẽ có cơ hội thể hiện khả năng ở giải quốc nội, tuần này qua tuần khác. Giải vô địch quốc gia Việt Nam (V-League) sẽ khởi tranh cuối tuần này. Các cầu thủ U23 Việt Nam cần thể hiện rằng họ đã tiến tới một đẳng cấp khác. Họ phải chứng minh rằng mình có thể trở thành những ngôi sao lớn, phải cho các CLB chủ quản thấy mình thực sự “đặc biệt”.
Đã có những dấu hiệu sáng sủa đầu tiên cho U23 VIệt Nam
Tại AFC Cup 2018, hai đội bóng có trong đội hình những ngôi sao U23 Việt Nam là SLNA và FLC Thanh Hóa đã thắng 3/4 trận ở sân chơi châu lục. SLNA vượt qua Tampines Rovers trước khi bất ngờ hạ cựu vô địch Johor Darul Ta’zim. FLC Thanh Hóa cũng đạt những kết quả tốt dù Bùi Tiến Dũng có chút chệch choạc.
Rõ ràng, nếu không có một giải vô địch quốc gia mạnh, rất khó để tạo nên một đội tuyển mạnh. Thật kỳ lạ nếu người hâm mộ vài năm lại vui mừng một lần với thành công của nền bóng đá nhưng sau đó thờ ơ với phần còn lại suốt cả năm trời. Tình yêu ấy, sự quan tâm của cổ động viên phải rõ ràng hơn. Đó phải là một dạng “hôn ước”, mang tới những điều tốt đẹp hơn cho tất cả mọi bên.
Điều đó từng xảy ra ở Hàn Quốc sau kỳ World Cup 2002 lịch sử. Người dân đã chú ý tới những lời kêu gọi, họ đổ xô tới các SVĐ mới hậu World Cup trên khắp đất nước. Điều đó đã làm thay đổi nền bóng đá Hàn Quốc.
Đó là điều bóng đá Việt Nam cũng đang cần. Chúng ta thường nói Việt Nam là một quốc gia cuồng nhiệt vì bóng đá nhưng số CĐV tới sân không phải điều gì đấy quá đặc biệt.
Số lượng ấy không đủ lớn. Những người hâm mộ đã tận hưởng niềm hạnh phúc của sự kiện hồi tháng 1 cần thể hiện tình yêu của họ. Họ phải dành tình cảm cho các CLB địa phương. Các CLB, giải vô địch quốc gia và bóng đá Việt Nam cần sự chung thủy dài lâu ấy. CĐV tới sân sẽ mang tới nguồn lợi lớn hơn cho nền bóng đá, làm tăng sức mạnh của cộng đồng bóng đá đồng thời tạo nền tảng để V-League phát triển.
Chúng ta luôn nói rằng các cầu thủ U23 Việt Nam phải cố gắng nhiều hơn, phải đạt được bước phát triển kế tiếp, phải trở nên tương xứng với tiềm năng của họ. Nhưng CĐV cũng có phần việc của mình. Họ phải thể hiện được tình yêu, phải cho thế giới thấy tiềm năng biến Việt Nam trở thành một cường quốc bóng đá mới.
Họ có đứng lên không? Họ sẽ ở bên những cầu thủ mà mình yêu quý? Đó là câu hỏi bóng đá Việt Nam đang chờ.
Bạch Dương
Tags