(Thethaovanhoa.vn) - Khởi nghiệp ở vị trí chạy cánh, Lê Công Vinh đã từng bước thay đổi, hoàn thiện để biến mình thành một tay săn bàn điển hình. Sau Công Vinh, ai dám thay đổi để kế tục vị trí tiền đạo cắm ở tuyển Việt Nam.
- Tuấn Anh rạng rỡ bên Công Phượng ngày trở lại U22 Việt Nam
- Công Phượng, Tuấn Anh tập trung muộn, U22 Việt Nam chưa đá đã thiếu quân
- ‘Công Phượng, Xuân Trường là hình mẫu để phấn đấu’
Vấn đề lớn nhất của tuyển Việt Nam thời hậu Công Vinh đã được bộc lộ rõ sau hai trận gặp Đài Loan (Trung Quốc) và Afghanistan.
Đội tuyển dư thừa cầu thủ chạy cánh và tiền vệ giỏi. Hai tiền đạo tốt nhất là Văn Quyết, Công Phượng đều sở trường đá lùi, những chân sút dự bị như Văn Thắng, Đình Tùng cũng chỉ quen đá cánh. Hậu quả là tuyển Việt Nam chỉ ghi được 2 bàn trước các đối thủ không quá mạnh.
Nhiệm vụ đặt ra với HLV Nguyễn Hữu Thắng là phải tìm cho được một trung phong đúng nghĩa, một nguồn cung bàn thắng ổn định, người sẽ không bỏ lỡ vô số cơ hội mà các đồng đội tạo ra. Tìm người thay thế Công Vinh, vì thế, là nhiệm vụ hàng đầu của Hữu Thắng trong năm 2017.
Bản thân Công Vinh vốn không trưởng thành ở vị trí đá cắm. Cựu đội trưởng tuyển Việt Nam khởi nghiệp ở vị trí tiền đạo cánh trái. Khi tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008, Công Vinh vẫn là một cầu thủ đá cánh.
Bàn thắng vào lưới Thái Lan ở trận chung kết có thể xem như một bước ngoặt trong sự nghiệp của Công Vinh. Đấy là một bàn thắng điển hình theo phong cách “số 9”, đơn giản, bất ngờ và hiệu quả.
Sau bàn thắng ấy, Công Vinh đã từng bước thay đổi. Anh chơi gần khung thành đối thủ hơn, bỏ hết các pha bóng rườm rà, rèn giũa kỹ năng dứt điểm với mục tiêu cao nhất là ghi bàn. Kết thúc sự nghiệp, Vinh có 51 bàn cho tuyển Việt Nam. Thành công của Vinh là bài học lớn cho Văn Quyết và Công Phượng.
Nhưng nên nhớ, con đường của Vinh không trải đầy hoa hồng.
4 năm từ năm 2009 tới 2012, Công Vinh chỉ có 10 bàn cho đội tuyển, trong đó có 7 bàn vào lưới một đối thủ là Macau. Từ năm 2014 tới 2016, Vinh có tới 19 bàn. Để lột xác thành công, CV9 đã trải qua những quãng thời gian đầy khó khăn, những giai đoạn tịt ngòi kéo dài, đối mặt với nhiều chỉ trích từ báo giới và người hâm mộ.
Trước khi thay đổi, Vinh là cầu thủ chạy cánh kỹ thuật, tinh tế, sở hữu những cú cứa lòng hoa mỹ, biết cách đốt cháy cầu trường. Thay đổi xong, anh trở thành tiền đạo cắm thuần túy, đánh đầu hay, làm tường giỏi, băng cắt tuyệt hảo.
Bộ mặt mới mang tới cho Công Vinh nhiều bàn thắng nhưng cũng bắt anh phải trả những cái giá khá đắt. Lối chơi của anh bị chỉ trích là thiếu thẩm mỹ, bàn thắng của anh bị cho là ăn may, kỹ thuật cá nhân của anh bị đánh giá thấp.
Suốt một thập kỷ, người ta vẫn lôi Văn Quyến, Công Phượng ra để so sánh với anh, dè bỉu anh. Quá trình lột xác đầy đau đớn, những sự chỉ trích thiên kiến và bất công, đấy là điều mà Văn Quyết và Công Phượng sẽ phải đối mặt nếu muốn theo gót Công Vinh.
Những bàn thắng của Công Vinh cho đội tuyển Việt Nam
Thực tế chứng minh quãng thời gian Công Vinh hoàn thiện sự thay đổi chính là lúc tuyển Việt Nam hồi sinh. Đội tuyển trở lại bán kết AFF Cup 2014 lần đầu sau 4 năm, vào tới vòng loại thứ hai World Cup, chơi những trận tưng bừng trước Iraq và Thái Lan.
Thành công của Công Vinh là bằng chứng cho thấy Văn Quyết hay Công Phượng cũng có thể thay đổi. Điều quan trọng là họ có dám làm hay không? Bởi hơn lúc nào hết, tuyển Việt Nam đang cần họ.
Bạch Dương
Tags