(Thethaovanhoa.vn) - Gần 3 tháng sau ngày đi Nhật Bản và Hàn Quốc, những niềm hy vọng của HAGL và bóng đá Việt Nam Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường bận rộn với các chương trình quảng cáo mà chưa có những màn chào sân thực sự.
- Tuyển Việt Nam có 10 trận giao hữu, Công Phượng trải lòng
- Công Phượng vắng mặt tại Mito Hollyhock, Hải Phòng trên đỉnh V-League
- Mito muốn gia hạn hợp đồng với Công Phượng, Công Vinh khát khao ra sân
Chấn thương mà Công Phượng gặp phải dưới màu áo đội tuyển U23 Việt Nam tại trận gặp U23 UAE tại vòng loại giải U23 châu Á 2016 khiến tiền đạo người Nghệ An phải ở lại Qatar phẫu thuật. Chưa dừng lại ở đó, quá trình hồi phục chấn thương sau phẫu thuật kéo dài khiến Công Phượng phải lùi ngày sang Nhật Bản hội quân cùng đội bóng mới Mito Hollyhock.
Ngay cả khi đã sang đến xứ sở mặt trời mọc, tập luyện theo giáo án riêng dưới sự giám sát và hướng dẫn chặt chẽ của bác sỹ CLB Mito Hollyhock thì Công Phượng cũng cần tới hơn 2 tháng mới tập luyện trở lại.
Mặc dù vẫn kịp thời được đăng ký vào danh sách thi đấu của đội bóng tỉnh Ibaraki nhưng sau 7 trận đấu đầu tiên tại J-League 2 mùa giải 2016 (trận gặp V-Varen Nagasaki tại vòng 8 bị hoãn lại vì ảnh hưởng của động đất), Công Phượng vẫn chưa một lần được đưa vào danh sách thi đấu. Ngay cả trận đấu tập giữa đội dự bị Mito Hollyhock – Yokohama được “thiết kế riêng” dành riêng cho các fan hâm mộ đặc biệt thì Công Phượng cũng ngồi trên băng ghế dự bị còn Tuấn Anh được chơi 68 phút.
Xuân Trường (trái) đắt sô quảng cáo ở Hàn Quốc dù chưa đá chính trận nào cho Incheon United.Ảnh: Incheon United
Nếu như chấn thương là rào cản ngăn những nỗ lực của Công Phượng trong tập luyện trở thành cơ hội trên sân cỏ thì với người đồng đội Tuấn Anh, đó là thể lực. Ngay cả khi bị đau răng, chấn thương vùng mặt khi tham dự trận đấu gặp Iraq cùng đội tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ hai World Cup 2018 khu vực châu Á thì khi quay lại Nhật Bản, Tuấn Anh vẫn có thể tham gia tập luyện cùng các đồng đội ở CLB Yokohama FC.
Nhưng tập là một chuyện, được thi đấu hay không lại là chuyện khác và theo thông tin từ CLB HAGL, gần đây Tuấn Anh đã bị giảm tới 3kg. Để giúp “người cũ” tăng cân trở lại, đảm bảo yêu cầu sức khỏe, thể lực để có thể tham gia tập luyện, phía HAGL đã cử bác sỹ Đồng Xuân Lâm thường xuyên liên lạc với tiền vệ này để lên thực đơn ăn uống hàng ngày. Cũng chính vì thể lực không đảm bảo mà Tuấn Anh mỗi tuần đều phải ngồi trên khán đài theo dõi đồng đội thi đấu dưới sân dù không bị ảnh hưởng của chấn thương.
Thích nghi với môi trường mới nhanh nhất và thể hiện được sự tiến bộ nhất là Lương Xuân Trường. Dẫu chỉ là giải đấu dành cho những cầu thủ dự bị R-League chứ không phải K-League nhưng việc tiền vệ người Tuyên Quang hai lần liên tiếp ra sân ở đội hình xuất phát, kiến tạo cơ hội cho đồng đội ghi bàn là điểm cộng.
Mặc dù vậy, R-League không phải K-League và cần phải có thêm rất nhiều thời gian nữa cộng với sự kiên trì và nỗ lực, Xuân Trường mới có cơ hội góp mặt trong một trận đấu của Incheon United tại K-League, dù chỉ là vào sân từ băng ghế dự bị. “K- League luôn yêu cầu rất cao về thể lực và các cầu thủ đạt tiêu chuẩn mới có cơ hội ra sân thi đấu.
Tôi không muốn tạo ra ngoại lệ tại Incheon United. Nhưng nếu Trường đạt được yêu cầu, cậu ta sẽ là sự bổ sung đáng giá cho toàn đội” – HLV trưởng Kim Do Hoon đã chia sẻ như vậy trước những thắc mắc của báo chí ngay tại Hàn Quốc.
Đắt sô quảng cáo
Là những tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam, được đánh giá cao cả về chuyên môn lẫn tư cách đạo đức nên không khó hiểu khi Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường là những cái tên được các doanh nghiệp, thương hiệu để ý mời ký hợp đồng quảng cáo cho một sản phẩm nào đó hay đại diện cho cả một thương hiệu. Ngay từ khi còn thi đấu ở Việt Nam, Công Phượng đã tham gia quảng cáo bia, cùng với Tuấn Anh, Xuân Trường và các cầu thủ trẻ HAGL quảng cáo cho Nutifood.
Khi ký hợp đồng với Mito Hollyhock, Công Phượng cũng được mời làm gương mặt đại diện cho thương hiệu Z.com. Hôm 28/3, tiền đạo này cũng được bổ nhiệm làm đại sứ giao lưu của tỉnh Ibaraki và Việt Nam. Sau lễ bổ nhiệm này, Công Phượng hợp tác với đội bóng và tỉnh Ibaraki trong các hoạt động thúc đẩy mối quan hệ giao lưu ngày càng mật thiết hơn nữa giữa tỉnh Ibaraki và Việt Nam.
Tương tự như Công Phượng là trường hợp của Xuân Trường. Chiều ngày 6/4 vừa qua, Xuân Trường đã ký hợp đồng độc quyền quảng bá hình ảnh cho Ngân hàng Shinhan Bank. Đây cũng là bản hợp đồng quảng cáo hình ảnh đầu tiên mà Xuân Trường ký tại Hàn Quốc và là trường hợp tiêu biểu về tiếp thị thể thao tại quốc gia này.
Đối tác Shinhan Bank hy vọng, thông qua Xuân Trường họ sẽ mở rộng thị trường tại Việt Nam. Tiếp nối thành công của sự kiện này và để thúc đẩy mạnh mẽ việc quảng bá hình ảnh, ngày 22/5 tới, Ngân hàng Shinhan Bank và Hội kiều bào Việt Nam tại Hàn Quốc phối hợp tổ chức sự kiện “Vui cùng cầu thủ Xuân Trường” – Lê hội Việt Nam & Hàn Quốc. Ngoài Xuân Trường, lễ hội còn có sự của ca sĩ Sunny của nhóm SNSD.
Đối với Tuấn Anh, các hoạt động bên lề sân cỏ, những thông tin liên quan có phần trầm lắng và ít hơn Công Phượng hay Xuân Trường nhưng điều đó không có nghĩa tiền vệ người Thái Bình không phải là “gương mặt hot”.
Về giá trị thương mại, hợp đồng với Công Phượng, Tuấn Anh và Xuân Trường mang lại cho Mito Hollyhock, Yokohama FC và Incheon Inited rất nhiều nhưng đóng góp về chuyên môn cho đến thời điểm này đáng tiếc vẫn gần như bằng không. Incheon United đứng cuối bảng xếp hạng J-League, chưa biết thắng sau 6 vòng đấu. Còn ở J-League 2, dù đã có cải thiện thành tích ở những vòng đấu gần đây, cả Mito Hollyhock lẫn Yokohama FC đều chưa một lần vươn lên được TOP 10 ở mùa giải 2016 (J-League 2 có tất cả 22 CLB). Quan trọng hơn, chưa biết đến ngày nào bộ ba này được ra sân ở một trận đấu chính thức tại J-League 2 hay K-League.
Thực sự nguy
Việc được tập luyện và sinh hoạt ở một môi trường bóng đá chuyên nghiệp như Nhật Bản và Hàn Quốc dĩ nhiên mang đến cho những cầu thủ trẻ như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường rất nhiều lợi ích, điều này chính bản thân họ hay các đàn anh đi trước như Việt Thắng, Công Vinh thừa nhận. Nhưng nói như chuyên gia Vũ Mạnh Hải, nếu “cứ ngồi dự bị mãi thì nguy”.
Trước kia, Công Vinh đi Bồ Đào Nha rồi Nhật Bản khi anh đã trưởng thành. Vinh khi đó cũng còn được ra sân thi đấu dù không thường xuyên. Nên sự thui chột không xảy ra, mà Công Vinh vẫn tự nâng cao khả năng chơi bóng bên cạnh việc trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp, nhất là trong cách ứng xử trước công chúng.
Còn Công Phượng, Anh Tuấn, Xuân Trường, họ vẫn chỉ là những cầu thủ trẻ. Liệu có nên đếm ngược chờ tới ngày họ hồi hương?
Ngày 23/12/2015, Công Phượng ký hợp đồng dưới dạng cho mượn có thời hạn 1 năm từ HAGL sang Mito Hollyhock, ngày 16/2/2016 tiền đạo này lên đường sang Nhật Bản và đầu tháng 4 mới bình phục chấn thương, tham gia tập luyện bình thường. Tuấn Anh ký hợp đồng với Yokohama FC ngày 11/12/2012 và lên đường hội quân ngày 17/2/2016. Trong khi đó, Xuân Trường ký hợp đồng 2 năm với Incheon United từ ngày 28/12/2015 và lên đường đi Hàn Quốc, chính thức gia nhập đội bóng mới từ ngày 4/2/2016. |
Lâm Chi
Thể thao & Văn hóa
Tags