(Thethaovanhoa.vn) - Hiếm một nền bóng đá và các giải đấu bóng đá hàng đầu nào trên thế giới lại nghỉ đến cả tháng trời, để nhường sân cho một đội tuyển trẻ đá vòng loại một giải đấu trẻ. Bởi, nó không những làm mất đi tính liên tục của giải đấu, mà còn thiệt hại rất nhiều đến quyền lợi của các CLB, chưa kể những hệ lụy khác.
Bóng đá Việt Nam và hệ thống các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, trong quá khứ và hiện tại, không tuân thủ theo bất cứ khuôn mẫu nào cả. Chúng ta học Tây (Đức), học Đông (Nhật, Hàn) và học cả người láng giềng Thái Lan, nhưng nói như dân trong nghề "chạy nhiều vẫn không ra chiến thuật". Các nền bóng đá phát triển luôn thuận theo “múi giờ FIFA”, với cả các hệ thống giải đấu và lịch tập trung - thi đấu của các ĐTQG. Chúng ta thì ngược lại.
VIDEO: Nhận định Hải Phòng vs HAGL (17h, 6/4), vòng 4 V-League 2019. Trực tiếp BĐTV, FPT Play
Tất nhiên, mỗi vùng miền - khu vực đều có đặc thù riêng và những người điều hành nền bóng đá, điều hành giải đấu phải linh động sao cho hợp thời. Xong, rõ ràng lịch thi đấu của ĐTQG luôn có từ ít nhất một năm trước, nên không thể cứ thích là xé lẻ, ngắt quãng giải VĐQG.
Theo tính toán, V-League, hạng Nhất quốc gia và Cúp quốc gia sẽ còn ít nhất 2-3 kỳ nghỉ giải lao nữa cho đến cuối mùa giải, để ĐTQG đá King Cúp (Thái Lan), và sau đó là chiến dịch Vòng loại FIFA World Cup; rồi kỳ nghỉ giữa 2 giai đoạn, các hế hoạch của đội tuyển U22 Việt Nam chuẩn bị SEA Games 2019... Thông thường, một giải VĐQG hàng đầu với 20 CLB, cũng chỉ kéo dài khoảng 9 tháng, thì V-League với 14 CLB thi đấu đến cả năm!? Đương nhiên các CLB phải trả lương cho cầu thủ và HLV cả năm, với ngay cả các hợp đồng ngắn hạn kiểu năm một.
Trước đây, cứ mỗi kỳ EURO hay FIFA World Cup, V-League lại nghỉ chừng một tháng và sau khi quay lại, rất nhiều những biểu hiện lạ kèm theo. Từ tác phong thi đấu của cầu thủ, phong độ của đội bóng và kết quả của các trận đấu. Chúng ta không thuận theo “múi giờ FIFA”, nhưng vẫn bị “virus FIFA”, mà dân trong nghề hay bảo là “thua me gỡ bài cào” hay “chiều ngã đã có đêm nâng”. Thì đấy, Cúp quốc gia 2019 mới lăn bánh các trận đấu vòng sơ loại, đã kịp sinh biến ở rất nhiều các sân bóng mà ống kính truyền hình của nhà đài khó thể lia đến được.
V-League 2019 sẽ trở lại lượt trận thứ 4 vào cuối tuần này, và khán giả cũng như người hâm mộ cũng ngờ ngợ. Không biết các đội bóng sẽ thể hiện bộ mặt như thế nào, sau thời gian dài chỉ tập chay và sau cả những điều tiếng không hay về chuyện tiêu cực. Sự hoang mang là có thật và để níu kéo được chút niềm tin còn lại nơi thượng đế, không phải chuyện đơn giản.
Nếu tính trung bình mỗi CLB ở V-League chi ra khoảng 40-50 tỷ đồng/mùa giải, thì giải đấu số 1 Việt Nam tiêu tốn từ 560 - 700 tỷ đồng. Người ta không thể bỏ cả ngàn tỷ đồng để phơi nắng và cầu cạnh khán giả đến sân. Giá trị đích thực của bóng đá và các trận đấu, là tính giải trí, là sự ganh đua và thành tích. Nhưng thật nghịch lý, một vài đội bóng thâm niên hàng chục năm chơi V-League và cũng có thành tích nhất định, lại không thể thu hút được khán giả đến sân, chứ đừng nói người hâm mộ.
Văn hoá cổ động bóng đá ở Việt Nam vốn nhỏ lẻ, thiếu sự đồng bộ và bài bản, đấy là điều ai cũng có thể thấy. Nhưng các CLB và nhà tổ chức phải đặt câu hỏi, đồng thời trả lời được câu hỏi, rằng tại sao và như thế nào, người hâm mộ sẵn sàng sát cánh cùng các ĐTQG từ đôi năm qua, nhưng lại không mặn mà với giải đấu có giá trị đến cả ngàn tỷ đồng! Trên sân, vẫn những con người ấy, những ngôi sao ấy, nhưng tại sao không thể hút được khán giả đến sân? Đấy là bởi cuộc khủng hoảng niềm tin chưa hồi kết về tính minh bạch của các trận đấu và giải đấu, kèm theo đó là quá nhiều những hình ảnh xấu xí, ví như bạo lực sân cỏ chẳng hạn.
Biết mình còn thiếu và yếu ở nhiều khâu, nghĩa là còn có thể tiến bộ. Vấn đề là, người trong cuộc phải hành động một cách chủ động, chứ không chỉ ngồi cầu nguyện các trận đấu và giải đấu về đích an toàn. Có làm có sai, có sai thì có sửa.
Tùy Phong
Tags