Cựu thủ môn ĐTQG Võ Văn Hạnh: Cánh chim không mỏi

Thứ Sáu, 03/05/2013 19:08 GMT+7

Google News

(Thethaovanhoa.vn) - Rất tình cờ và bất ngờ, khi đúng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 30/4, người viết gặp lại Võ Văn Hạnh giữa lòng Sài Gòn.

Nhưng không phải trên sân bóng hay đường piste sân tập, mà là ở… quán nhậu, một nơi vốn xa lạ với Võ Văn Hạnh. Bóng đá Việt Nam, nếu có một cầu thủ chiến thắng, đấy phải là Võ Văn Hạnh. Đời sống bóng đá nội, nếu còn có người chơi bóng đến năm 40 tuổi, cũng không ai khác ngoài Hạnh. Võ Văn Hạnh, sinh năm 1974, chỉ vừa quyết treo găng ở tuổi 39, trong màu áo Khatoco Khánh Hòa, sau khi V-League 2012 kết thúc.

Ngày lễ, Hội đồng huấn luyện viên Quỹ đầu tư và phát triển bóng đá Việt Nam (PVF), cơ quan mới của Hạnh “cậu” (đồng nghiệp, đồng đội thân thiết vẫn hay gọi Võ Văn Hạnh rất thân mật là “cậu” Hạnh) làm tiệc liên hoan, chào đón thành viên mới. Nói hội đồng to tát và xa cách quá, trên thực tế, đó là các đồng đội cũ, những đàn anh và cả đàn em của Võ Văn Hạnh trong màu áo đội tuyển quốc gia trước đây. Và câu chuyện cứ nối tiếp câu chuyện…



Văn Hạnh từng được biết đến là thủ môn hàng đầu của BĐVN. Ảnh: V.S.I

Lạc giữa rừng gươm và tỏa sáng

Có nhiều cột mốc sự nghiệp của một trong những thủ môn hay nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam thời mở cửa, nhưng trên bình diện các đội tuyển quốc gia, thật lạ khi tuổi thọ của Võ Văn Hạnh chỉ vỏn vẹn ba năm. Đó là giai đoạn 2000-2003, khi “thế hệ vàng” bắt đầu ở sườn bên kia của sự nghiệp, cũng là khởi đầu của thế hệ măng non, với những Thế Anh, Hồng Sơn, Quang Huy, Tấn Trường, Đức Cường, Vĩnh Lợi… Phải chăng, Hạnh sinh không gặp thời?!

Thực ra, nếu Hạnh sinh ra ở Hà Nội, Sài Gòn hay Đà Nẵng, những địa phương bóng đá mạnh ngày đó, có thể câu chuyện đã khác. Nhưng rõ ràng là con người ta có những thứ không thể lựa chọn, đó là cha mẹ và quê hương. Hạnh sinh ra và lớn lên ở Tuy Hòa, Phú Yên, nên tài năng phát tiết cũng muộn. Đó là khi anh nhận lời về đầu quân cho Sông Lam Nghệ An năm 1999, tức ở tuổi 25, để bắt đầu hành trình chinh phục những danh hiệu, bắt đầu trở thành người chiến thắng.

Vì gần như không thuộc “thế hệ vàng”, nên khi ngồi với những đàn anh như Trịnh Tấn Thành (Đồng Tháp và đội tuyển Việt Nam), Hoàng Bửu, Hữu Đang, đồng nghiệp bằng tuổi Trần Minh Chiến…, Võ Văn Hạnh chủ yếu lắng nghe, rồi cười hiền. Lâu lâu anh cũng tham gia vài câu chuyện, bằng chất giọng Phú Yên rất đặc thù, khiến cả bàn tiệc lại cười phá lên, rồi võ đùi đánh đét. Võ Văn Hạnh bao năm vẫn thế, khiêm tốn và không lẫn vào đâu được.

Trước Hạnh đã có Văn Cường, Văn Phụng, có cả Trần Minh Quang; còn sau Hạnh, như đã nhắc, những Thế Anh, Hồng Sơn…, nảy mầm và được tạo rất nhiều cơ hội phát triển, thăng tiến nghề nghiệp. Hạnh như lạc giữa rừng gươm. Ấy thế mà, từ SLNA đến Hoàng Anh Gia Lai, rồi SHB Đà Nẵng sau đó, tức toàn những đội bóng lớn, những nhà vô địch, đi đến đâu Hạnh cũng là kép chính. Võ Văn Hạnh thường xuyên tỏa sáng trong màu áo câu lạc bộ, nhưng lại kém duyên trên đội tuyển.

Trong khoảng 15 năm thi đấu đỉnh cao, Hạnh có năm chức vô địch V-League, các danh hiệu siêu cúp và giải đại hội khác…, với ít nhất ba đội bóng khác nhau, đó là kỷ lục không dễ đạt được. Trước khi đồng nghiệp đàn em Dương Hồng Sơn tỏa sáng ở AFF Suzuki Cup 2008 và giành Quả bóng vàng Việt Nam năm đó, Hạnh đã là thủ môn đầu tiên của Việt Nam giành Quả bóng vàng, năm 2002, với số phiếu bầu gần như tuyệt đối. Năm đó, Hạnh “cậu” vừa vô địch V-League lần thứ hai cùng SLNA.

Người Mohican cuối cùng

Vẫn có câu: “Cái tuổi nó đuổi cái xuân đi”, nhưng thật lạ là ở tuổi 39, với trải qua ít nhất hai lần mổ gối, “phom” người của Võ Văn Hạnh vẫn rất chuẩn. Anh vẫn đeo găng và ra sân thường xuyên các trận đấu ở sàn diễn đỉnh cao V-League, trong màu áo Khatoco Khánh Hòa. Nếu đội bóng này còn tiếp tục ở lại sân chơi V-League, có thể Văn Hạnh vẫn chưa treo găng. Nhưng tất cả đều biết là Khatoco Khánh Hòa được chuyển nhượng cho Hải Phòng sau đó, Hạnh về lại Đà Nẵng bán cà-phê.

Mặc dù vậy, với việc chơi bóng đến tuổi tứ tuần, Võ Văn Hạnh hẳn phải độc nhất vô nhị ở Việt Nam. Trước anh, nghe đâu tiền bối Trần Văn Khánh (Thể Công) cũng trụ trong khung gỗ đến tuổi này, nhưng rõ ràng là ngày đó, với bóng đá bao cấp, khó thể so với bóng đá chuyên nghiệp được, khi các trận đấu nhanh hơn, khốc liệt hơn và quy luật đào thải cũng khắc nghiệt hơn. Vả lại, Văn Hạnh vốn có xuất phát điểm thấp và trải qua đến bốn câu lạc bộ, chứ không được như “bố” Khánh.

Nhưng, sự nghiệp thi đấu đâu dễ dàng thế. Với môn thể thao nặng tính đối kháng như bóng đá, chuyện va chạm, chấn thương xảy ra như cơm bữa. Sự nghiệp cầu thủ có đôi khi ngắn, ngắn lăm, khi một chấn thương có thể triệt tiêu luôn cả đường hoạn lộ trước mặt. Cầu thủ sống chung với chấn thương và Võ Văn Hạnh cũng từng sống chung với chấn thương, khi đã trải qua ít nhất hai lần mổ gối nặng, thời điểm anh khoác áo SHB.ĐN.

“Quả thật là không dễ dàng để trở lại sân cỏ, chứ chưa nói chuyện duy trì phong độ, sau hai lần mổ gối. Tính tổng số tiền cho những lần phẫu thuật ấy, cũng lên tới tỉ bạc, chứ đâu có đùa. Nhưng may là câu lạc bộ chi trả phần lớn số tiền đó. Ngoài trời phú cho cơ địa của một lực điền, ý thức tập luyện, kiêng cữ là rất quan trọng. Tất cả những ca mổ dây chằng, ghép sụn gối, tỉ lệ quyết định thành công chỉ là 30%, 70% còn lại phụ thuộc vào quá trình tập vật lý trị liệu”, Võ Văn Hạnh chia sẻ.

Trở lại Đà Nẵng với vợ con sau bao năm chinh chiến xa nhà, còn niềm vui nào lớn hơn! Nhưng thực tế là cái máu nghề không phải nói dứt, là dứt ngay được. Cho đến một ngày Văn Hạnh nhận được điện thoại của Trần Minh Chiến, phó chủ tịch Hội đồng huấn luyện viên PVF, mời vào Thành phố Hồ Chí Minh, phụ trách các khâu tuyển trạch và đào tạo thủ môn cho trung tâm. Hạnh đã đấu tranh rất dữ dội, để rồi cuối cùng phải khuất phục. Nam tiến thôi!

Thế đấy, Võ Văn Hạnh như chim bay hoài không mỏi cánh vậy! Chắc chắn sẽ có những xáo trộn xung quanh cuộc sống cá nhân, gia đình, nhưng đời sống bóng đá là thế, phải chấp nhận và phải hy sinh. Sự nghiệp thi đấu, Văn Hạnh đã là một tấm gương sáng về tính chuyên nghiệp, thật thà và khiêm tốm, xem ra, anh rất thích hợp với công việc của một người ươm mầm các tài năng bóng đá. Kéo được Hạnh “cậu” về, PVF dường như đã kiện toàn ban huấn luyện và sẵn sàng hái quả ngọt rồi!

“Nghề đá bóng và làm bóng đá có quy luật đào thải khắc nghiệt lắm. Tôi tâm niệm rằng, để có thể trụ lại được với nghề, thì tình yêu và tinh thần trách nhiệm phải luôn luôn song hành. Được các đồng đội, đàn anh cũ cất nhắc, là một vinh dự, nhưng cùng với đó cũng là trách nhiệm. Một trang mới lại mở ra và tôi đang rất háo hức”, Võ Văn Hạnh.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Chia sẻ
Đọc thêm
  • Xem thêm  ›